Bảo hiểm Prudential hủy bảo hiểm, tìm đủ cách “hành” khách hàng?
Mới đây nhất là trường hợp khách hàng tố Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Công ty Bảo hiểm Prudential) cố tình chèn ép để hủy hợp đồng với khách hàng được dư luận quan tâm trong những ngày qua.
Cụ thể, theo phản ánh của chị Tạ Như Hoa (SN 1973, trú tại Đống Đa, Hà Nội), năm 2010, qua giới thiệu của người quen là ông Đoàn Văn Hạnh, gia đình chị Hoa mua 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty Prudential gồm: hợp đồng cho chị Hoa và 2 hợp đồng cho 2 con gái là Đào Ái Linh (sinh năm 1993) và Đào Nhật Vy (sinh năm 2000).
|
Hóa đơn thu tiền bảo hiểm Prudential của chị Tạ Như Hoa. |
Theo hợp đồng, mỗi năm gia đình chị Hoa sẽ phải đóng số tiền khoảng hơn 21 triệu đồng (khoảng hơn 7 triệu đồng/hợp đồng/năm). Trong 3 năm đầu (2010, 2011, 2012), chị Hoa đã đóng trực tiếp cho ông Đoàn Văn Hạnh số tiền gần 65 triệu đồng.
Thế nhưng, đến cuối năm 2013, ông Đoàn Văn Hạnh không liên lạc, cũng như không đến nhà chị Hoa trực tiếp để thu tiền. Do công việc bận rộn, lại cho rằng có người thu tiền trực tiếp thì xảy ra sự cố gì phía công ty sẽ thông báo nên chị Hoa không để ý.
Đến cuối tháng 12/2014, chị Hoa có liên hệ với ông Đoàn Văn Hạnh để hỏi lý do tại sao 2 năm nay không đến thu tiền trực tiếp thì nhận được câu trả lời: “Do bận!”.
Lo lắng hợp đồng bảo hiểm của mình có thể bị hủy, chị Hoa đã yêu cầu ông Đoàn Văn Hạnh cùng lên trụ sở công ty bảo hiểm Prudential ở tầng 29, tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, Hà Nội) để làm việc trực tiếp. Tại đây, chị Hoa và ông Hạnh được một nhân viên tên Hà, phòng chăm sóc khách hàng thông báo cả 3 hợp đồng bảo hiểm của chị Hoa đã bị hủy do quá 24 tháng không có trách nhiệm đối với hợp đồng.
Chị Hoa thắc mắc tại sao không thấy chị đóng tiền mà công ty không gọi điện trực tiếp hoặc thông báo nhắc nhở thì công ty cho biết đã lưu nhầm số điện thoại của chị. Ngay tại thời điểm đó, ông Đoàn Văn Hạnh cũng đã nhận lỗi sai do “quên” không thu tiền bảo hiểm.
Quá bức xúc vì cách làm việc cẩu thả của nhân viên công ty, chị Hoa yêu cầu chấm dứt hợp đồng thì nhận được thông báo nếu hủy mỗi hợp đồng, chị không nhận được tiền gốc mà chỉ thu lại được vài trăm ngàn đồng.
Không đồng ý với cách làm này, chị Hoa và ông Hạnh đã nhiều lần làm đơn khiếu nại mong được khôi phục hợp đồng nhưng không được giải quyết, phúc đáp.
Sau nhiều lần kiên trì khiếu nại, chị Hoa được phía Công ty Prudential “ưu tiên” cho khôi phục với điều kiện phải nộp phạt và đóng 1 lần toàn bộ số tiền chưa đóng trong 4 năm (từ năm 2013 tới nay) là 64.140.000/ hợp đồng. “Như vậy, để khôi phục cả 3 hợp đồng sẽ mất số tiền hơn 190.000.000 đồng. Con số này là quá vô lý." - chị Hoa nói.
Tiếp tục khiếu nại, chị Hoa được phía Công ty Prudential giảm số tiền phải đóng còn hơn 34,6 triệu đồng/hợp đồng. Tuy vậy, dù đã đóng hơn 100 triệu để khôi phục 3 hợp đồng nhưng những rắc rối trong thủ tục khôi phục hợp đồng sau đó khiến chị càng thêm bức xúc.
Đến ngày 1/6 vừa qua, chị Hoa tiếp tục đến trụ sở của Công ty Prudential để khiếu nại nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, thậm chí còn bị bảo vệ đuổi ra ngoài…. Không thể đồng tình với cách làm việc của Prudential, người nhà chị Hoa đã quay clip để cảnh báo các khách hàng có ý định mua bảo hiểm tại đơn vị này.
Ngày 5/6, sau nhiều ngày lên tiếng đòi lại quyền lợi sau khi bị phía công ty bảo hiểm Prudential gây khó khăn khi tới làm thủ tục khôi phục hợp đồng, đại diện gia đình chị Tạ Như Hoa cho biết: "Sau 2 tiếng làm việc với phía công ty bảo hiểm, họ đã đồng ý trả lại toàn bộ số tiền gia đình đã tham gia bảo hiểm từ năm 2010 đến nay. Tổng số tiền là 200 triệu đồng, với lý do gia đình không còn tin vào công ty bảo hiểm nữa".
Bị lật tẩy hàng loạt sai phạm
Đây không phải là lần đầu Prudential bị dính "phốt". Trước đó, trong đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2016 đối với 3 doanh nghiệp bảo hiểm là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential, Công ty TNHH Dai-ichi Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam và hai công ty môi giới bảo hiểm trong quý 3/2016, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm đã phát hiện các doanh nghiệp bảo hiểm này vi phạm hàng loạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, hoạt động môi giới bảo hiểm…
Cụ thể trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp đã chấp hành không đúng quy định về việc tách quỹ chủ sở hữu, quỹ chủ hợp đồng; vi phạm việc trích lập dự phòng nghiệp vụ; công tác chăm sóc, chi trả quyền lợi bảo hiểm; công tác quản lý đại lý; chi hoa hồng đại lý; công tác theo dõi, hạch toán công nợ; công tác hạch toán kế toán…
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp đã chấp hành chưa đúng quy định của Bộ Tài chính về phí bảo hiểm, cụ thể là vi phạm về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe. Ngoài ra còn vi phạm về công tác đào tạo, cấp chứng chỉ và quản lý đại lý. Đặc biệt là vi phạm về việc chi hỗ trợ đại lý cao hơn quy định, chi bồi thường cho trường hợp bị loại trừ bảo hiểm, bồi thường chưa đủ căn cứ hoặc bằng chứng xác thực...
Khách hàng mất trắng 16 triệu đồng khi mua bảo hiểm Prudential
Ngoài ra, vào ngày 20/2/2016, báo điện tử Người đưa tin đăng tải bài báo "Bỗng dưng mất trắng 16 triệu đồng khi mua bảo hiểm Prudential" phản ánh vụ việc gia đình ông Phan Văn Chí, (ngụ ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) mất tiền vì mua bảo hiểm của doanh nghiệp này.
Theo ông Chí, vào ngày 31/12/2009 và ngày 2/2/2010, thông qua ông Võ Văn Thấn Ba - người bán bảo hiểm này tại địa phương, ông Chí có mua bảo hiểm nhân thọ của Công ty Prudential cho bản thân ông và cháu nội tên Phan Võ Thanh Thư. Theo đó, mỗi hợp đồng mua bảo hiểm này phải đóng 1.029.800 đồng/quý. Đến ngày 31/3/2011 và ngày 28/08/2013, do hoàn cảnh của gia đình ông gặp khó khăn (ông bị bệnh, con ông bị tai nạn giao thông) nên ông đề nghị xin được cắt hợp đồng, rút tiền ra vì không còn khả năng đóng nữa. Nhân viên đại lý bán bảo hiểm này khuyên gia đình ông nên đóng tiền tiếp để trên 12 tháng mới “rút” tiền ra được.
Ông Chí cố gắng làm theo, đóng đủ tiền 12 tháng nhưng cả người bán bảo hiểm và nhân viên của công ty Prudential (tại thành phố Mỹ Tho) đều phớt lờ yêu cầu của ông Phan Văn Chí. Ông đã nhiều lần đến Văn phòng của công ty Prudential tại TP Mỹ Tho nhưng người có trách nhiệm lại cố tình né tránh.
Khi báo phản ánh, bà Phạm Thị Mai Liêm, đại diện công ty Prudential chi nhánh tại Tiền Giang lại cho biết, không rõ vấn đề này và đã chuyển đơn của ông Phan Văn Chí đến Ban Pháp chế của công ty tại TP HCM. Tuy nhiên sau nhiều tháng, phía công ty Prudential vẫn chưa trả lời cho báo chí và khách hàng về trường hợp này.
Đại lý Prudential Quảng Ninh lừa hàng trăm tỷ đồng
Ngoài những vụ việc trên, cú phốt đình đám nhất của Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phải kể đến vụ siêu lừa của một đại lý Prudential Quảng Ninh xảy ra vào những năm 2009 – 2011. Vụ việc này đã gây chấn động vùng đất mỏ trong suốt một thời gian dài khi hàng chục gia đình rơi vào cảnh đổ vỡ… kéo theo nhiều hệ lụy mà cho đến nay vẫn chưa hề được khắc phục.
Theo thông tin trên báo Lao Động Thủ Đô, vào giai đoạn từ tháng 8/2009 đến 11/7/2011, chủ một đại lý của Công ty bảo hiểm Prudential Quảng Ninh có tên là Bùi Thị Thu Hằng đã vi phạm hợp đồng đại lý, mang tư cách pháp nhân và thương hiệu của công ty này cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến 228.885.600.000 đồng.
|
Bùi Thị Thu Hằng trước vành móng ngựa. Ảnh: Báo LĐTĐ. |
Cụ thể, trong thời gian là đại lý chính thức của Prudential, Hằng phát hiện thấy một số người đã tham gia mua bảo hiểm của công ty này phàn nàn về thời gian đóng bảo hiểm quá dài và có nguyện vọng mua loại bảo hiểm có thời hạn ngắn hơn, Hằng cùng chồng là Nguyễn Văn Hùng và đồng bọn đã kết hợp thành một tổ hợp lừa rất bài bản.
Các đối tượng đã tiếp thị cho người dân mua lại các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người mua trước hủy ngang để duy trì tiếp những hợp đồng này. Khi hết hạn hợp đồng ( thời hạn 25, 30, 35, 45, 60 hoặc 90 ngày) sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng và được nhận lãi suất 50% đến 53%.
Khách hàng còn được tư vấn: Nếu bỏ ra 100.000.000 đồng mua gói bảo hiểm “Phú an khang hưu trí” thì mỗi tháng được nhận lương chuyển vào tài khoản cá nhân từ 4 đến 5,5 triệu đồng. Hết thời hạn 20 – 30 năm sau sẽ được thanh toán tiền gốc.
Bằng vai trò đại lý của Prudential, Hằng còn bịa ra loại bảo hiểm ngắn ngày (90 ngày) gọi là hợp đồng VIP . Nhiều người đã dính chiêu lừa này và Hằng đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của những người quá tin vào thương hiệu của Prudential. Với nhiều chiêu lừa khác nhau Hằng và đồng bọn từ 8/2009 đến 11/7/2011 đã chiếm doạt của 59 khách hàng trên địa bàn Quảng Ninh số tiền 228.885.600.000 đồng.
Mặc dù sau đó Bùi Thị Thu Hằng cùng đồng bọn đã bị bắt, truy tố trước pháp luật và phải ngồi tù. Song, những đồng tiền "mồ hôi, xương máu" trên vẫn chưa được trả về cho những người bị hại. Hiện tại, những nạn nhân mua bảo hiểm của Prudential vẫn sống dở chết dở, chờ đợi suốt mấy năm qua. Đáng chú ý là vào tháng 3/2011, Prudential Việt Nam đã vinh danh Bảng vàng cho Bùi Thị Thu Hằng là một trong 3 “ngôi sao” đại lý của toàn quốc dẫn đầu về doanh thu API.
Công ty TNHH bảo hiểm Prudential bị khách hàng kiện
Bên cạnh các cú phốt trên, Công ty TNHH bảo hiểm Prudential Việt Nam Chi nhánh An Giang còn từng bị khách hàng kiện đòi tiền hợp đồng.
Theo đó, ông Hồ Văn Đằng - cha của bà Hồ Thị Thanh Ngoan (1978) ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 70927726 với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 15/11/2003. Đến ngày 11/8/2006, ông Đằng bị bệnh chết, bà Hồ Thị Thanh Ngoan trở thành người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm hợp pháp của ông Đằng.
Bà Ngoan đã yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam có văn phòng đại diện tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trả cho bà tiền bảo hiểm theo hợp đồng 70927726 với số tiền 30.000.000 đồng.
Tuy nhiên, Prudential Việt Nam cho rằng, ông Đằng đã 3 lần vi phạm về thời gian nộp phí, khi khôi phục lại hợp đồng ông Đằng đã không thực hiện đúng việc khai báo đầy đủ tình trạng sức khỏe nên Prudential Việt Nam không đồng ý trả lại số tiền đã nộp từ ngày đó cho đến lần cuối cùng khi ông Đằng chết.
Prudential Việt Nam Chi nhánh An Giang chỉ đồng ý thanh toán số tiền ông Hồ Văn Đằng đã đóng phí bảo hiểm từ khi khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm lần thứ hai đến ngày ông Hồ Văn Đằng chết, cụ thể là 3.921.300 đồng.
Sau 2 lần ra tòa và thỏa thuận tự nguyện, ngoài số tiền phí bảo hiểm 3.921.300 đồng, Công ty TNHH bảo hiểm Prudential Việt Nam Chi nhánh An Giang đã phải hỗ trợ thêm cho bà Hồ Thị Thanh Ngoan tổng cộng (cả phí bảo hiểm và phần hỗ trợ) là 15.000.000 ồng. Ngoài ra, công ty TNHH bảo hiểm Prudential phải chịu thêm số tiền phí bảo hiểm phải thanh toán 3.921.300 đồng và hoàn tiền tạm ứng án phí cho bà Hồ Thị Thanh Ngoan.
Prudential thua kiện tại tòa phúc thẩm
Không chỉ bị kiện, Prudential còn từng bị thua kiện tại tòa phúc thẩm. Cụ thể, vào tối 23/3/2002, tại phố Giẽ, xã Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương, ông Vũ Quang Uông (giáo viên nghỉ hưu) do tránh ôtô đi cùng chiều, đường mưa trơn, ông bị ngã, chân trái bị gãy. Ông được người đi đường mang tới cấp cứu tại Bệnh viện Cẩm Giàng.
Sau đó, gia đình đưa ông Uông tới điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau ở Hải Dương và Hà Nội. Ngày 6/5/2002, tại Viện quân y 107, ông bị cắt cụt 1/3 cẳng chân trái do nhiễm trùng hoại tử phần mềm.
Trước đó, ông Uông đã mua 4 hợp đồng bảo hiểm của Prudential. Sau khi bị tai nạn, ông yêu cầu công ty bảo hiểm trả tiền theo thỏa thuận đã ký. Prudential không chấp nhận vì cho đây là "màn kịch" của ông Uông từ việc mua bảo hiểm tới việc cưa chân... Không thỏa thuận được với nhau, ông Uông khởi kiện ra TAND tỉnh Hải Dương.
Cuối tháng 6, vụ kiện được đưa ra xét xử sơ thẩm. Hội đồng xét xử tuyên Prudential phải bồi thường 750 triệu đồng cho nguyên đơn. Cho rằng bản án không thỏa đáng, Prudential chống án.
Ngày 16/12/2002, phiên phúc thẩm được mở. Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm, đồng thời chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Prudential phải trả thêm trên 120 triệu đồng là khoản lãi phát sinh từ số tiền mà bị đơn phải bồi thường theo phán quyết của TAND tỉnh Hải Dương.