Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện một số đoạn video khách hàng tố Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Công ty Bảo hiểm Prudential) cố tình chèn ép để hủy hợp đồng với khách hàng khiến những khách hàng đã, đang và sắp sử dụng sản phẩm bảo hiểm xôn xao, hoang mang, lo lắng về chất lượng dịch vụ của đơn vị bảo hiểm này.
|
Khách hàng bức xúc với cách giải quyết của nhân viên bảo hiểm Prudential. Ảnh cắt từ clip. |
Để làm rõ thực hư câu chuyện “có hay không việc Bảo hiểm Prudential gây khó dễ cho khách hàng”, Kiến Thức đã liên hệ với nhân vật trong clip trên là chị Tạ Như Hoa (SN 1973, trú tại Đống Đa, Hà Nội).
Quên thu tiền bảo hiểm khách hàng trong 2 năm, nhân viên Prudential tưng tửng trả lời: Do bận!
Theo phản ánh của chị Hoa về những vấn đề liên quan đến hợp đồng giữa gia đình chị và công ty này, năm 2010, qua giới thiệu, mời mọc của người quen là ông Đoàn Văn Hạnh, gia đình chị Hoa mua 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty Prudential gồm: hợp đồng cho chị Hoa và 2 hợp đồng cho 2 con gái là Đào Ái Linh (sinh năm 1993) và Đào Nhật Vy (sinh năm 2000).
Theo hợp đồng, mỗi năm gia đình chị Hoa sẽ phải đóng số tiền khoảng hơn 21 triệu đồng (khoảng hơn 7 triệu đồng/hợp đồng/năm). Trong 3 năm đầu (2010, 2011, 2012), chị Hoa đã đóng trực tiếp cho ông Đoàn Văn Hạnh số tiền gần 65 triệu đồng.
Thế nhưng, đến cuối năm 2013, ông Đoàn Văn Hạnh không liên lạc, cũng như không đến nhà chị Hoa trực tiếp để thu tiền. Do công việc bận rộn, lại cho rằng có người thu tiền trực tiếp thì xảy ra sự cố gì phía công ty sẽ thông báo nên chị Hoa không để ý.
Đến cuối tháng 12/2014, chị Hoa có liên hệ với ông Đoàn Văn Hạnh để hỏi lý do tại sao 2 năm nay không đến thu tiền trực tiếp thì nhận được câu trả lời: “Do bận!”.
Phía Prudential không nhắc khách đóng bảo hiểm vì lưu sai số điện thoại = hủy luôn hợp đồng của khách!
Vào thời điểm đó, lo lắng hợp đồng bảo hiểm của mình có thể bị hủy, chị Hoa đã yêu cầu ông Đoàn Văn Hạnh cùng lên trụ sở công ty bảo hiểm Prudential ở tầng 29, tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, Hà Nội) để làm việc trực tiếp. Tại đây, chị Hoa và ông Hạnh được một nhân viên tên Hà, phòng chăm sóc khách hàng thông báo cả 3 hợp đồng bảo hiểm của chị Hoa đã bị hủy do quá 24 tháng không có trách nhiệm đối với hợp đồng.
Chị Hoa thắc mắc tại sao không thấy chị đóng tiền mà công ty không gọi điện trực tiếp hoặc thông báo nhắc nhở thì công ty cho biết đã lưu nhầm số điện thoại của chị. Ngay tại thời điểm đó, ông Đoàn Văn Hạnh cũng đã nhận lỗi sai do “quên” không thu tiền bảo hiểm.
Quá bức xúc vì cách làm việc cẩu thả của nhân viên công ty, chị Hoa yêu cầu chấm dứt hợp đồng thì nhận được thông báo nếu hủy mỗi hợp đồng, chị không nhận được tiền gốc mà chỉ thu lại được vài trăm ngàn đồng.
Không đồng ý với cách làm này, chị Hoa và ông Hạnh đã nhiều lần làm đơn khiếu nại mong được khôi phục hợp đồng nhưng không được giải quyết, phúc đáp.
Khi khôi phục hợp đồng thì Prudential phạt phí "trên trời"... rồi "củ hành" khách hàng?
Cũng theo phản ánh của chị Hoa, do không đồng ý cách làm việc của Công ty Prudential nên suốt từ đầu năm 2015 tới giữa năm 2016, chị Hoa nhiều lần đi lại gặp đại diện Prudential để khiếu nại. Sau hơn 1 năm rưỡi thụ lý đơn của chị Hoa, ngày 18/5/2016, chị Hoa đã nhận được văn bản từ công ty Prudential trả lời: không thể khôi phục được hợp đồng cho chị.
Thấy không thỏa đáng, chị Hoa lại tiếp tục nhiều lần đến trụ sở công ty yêu cầu được gặp trực tiếp lãnh đạo của công ty để giải quyết nhưng không thành công.
|
Hóa đơn thu tiền bảo hiểm Prudential của chị Tạ Như Hoa. |
Sau nhiều lần kiên trì khiếu nại, chị Hoa được phía Công ty Prudential “ưu tiên” cho khôi phục với điều kiện phải nộp phạt và đóng 1 lần toàn bộ số tiền chưa đóng trong 4 năm (từ năm 2013 tới nay).
Sau khi tính toán, số tiền để khôi phục cho mỗi hợp đồng được phía công ty đưa ra là 64.140.000/ hợp đồng. “Như vậy, để khôi phục cả 3 hợp đồng sẽ mất số tiền hơn 190.000.000 đồng. Con số này là quá vô lý. Nếu tôi đóng tiền bảo hiểm đầy đủ cho 4 năm (2013 - 2016) thì mỗi hợp đồng sẽ mất khoảng hơn 29 triệu đồng. Đối chiếu với con số hơn 64 triệu đồng để khôi phục - coi như tôi phải mất phạt khoảng 35 triệu đồng. 3 hợp đồng mất phạt hơn 100 triệu đồng”, chị Hoa bức xúc nói.
Trong khi đó, theo chị Hoa: “Nhân viên bán bảo hiểm cho tôi và thu tiền hàng tháng nhận sai, phía Prudential cũng nhận lưu nhầm số điện thoại, vậy mà họ vẫn phạt tôi. Chưa kể tiền phạt còn lớn hơn tiền gốc”.
Tiếp tục khiếu nại, chị Hoa được phía Công ty Prudential giảm số tiền phải đóng còn hơn 34,6 triệu đồng/hợp đồng. Tuy vậy, dù đã đóng hơn 100 triệu để khôi phục 3 hợp đồng nhưng những rắc rối trong thủ tục khôi phục hợp đồng sau đó khiến chị càng thêm bức xúc.
Cụ thể, sau khi nộp số tiền hơn 100 triệu đồng, hợp đồng bảo hiểm của chị Hoa và cháu Đào Nhật Vy lần lượt nhận được quyết định khôi phục, duy chỉ còn hợp đồng của cháu Đào Ái Linh vẫn chưa thay đổi. Ngày 21/11/2016, chị Hoa nhận được một văn bản từ phía công ty Prudential nêu rõ lý do hợp đồng của cháu Đào Ái Linh chưa thể khôi phục là do cháu chưa có giấy khám sức khỏe.
Do cháu Đào Ái Linh đang du học ở Úc, gia đình chị Hoa đã kiến nghị cháu Linh đi khám sức khỏe ở đó, rồi gửi phiếu kết quả về hoặc tháng 11 năm nay cháu về sẽ trực tiếp khám ở Việt Nam và mang phiếu khám sức khỏe đến nhưng cả 2 phương án này đều không được phía công ty chấp nhận.
Chị Hoa thắc mắc với phía công ty: Tại sao chỉ có hợp đồng cháu Đào Ái Linh là yêu cầu giấy khám sức khỏe thì nhận được câu trả lời là: “do phía công ty bốc thăm trúng vào trường hợp của cháu Linh” - chị Hoa cho hay.
Quá bức xúc và cho rằng công ty Prudential đang tìm cách làm khó khách hàng, ngày 1/6 vừa qua, chị Hoa tiếp tục đến trụ sở của Công ty Prudential để khiếu nại nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, thậm chí còn bị bảo vệ đuổi ra bên ngoài….
Dư luận đang đặt câu hỏi: Khi để xảy ra tình trạng khách hàng không đóng bảo hiểm trong nhiều năm, nguyên nhân là do lỗi của nhân viên của Bảo hiểm Prudential quên thu phí và phía Prudential cũng thừa nhận lưu nhầm số điện thoại khách hàng, vậy lỗi này phía Công ty Prudential hay khách hàng phải chịu trách nhiệm? Trường hợp của cháu Đào Ái Linh - nếu chị Hoa trao đổi là đúng - phía Prudential cần giải thích gì? Prudentail lại thiếu chuyên nghiệp và thích gây khó cho khách hàng đến thế thì liệu người Việt có nên tẩy chay bảo hiểm của thương hiệu này hay không? Những gì chia sẻ trên của chị Tạ Như Hoa về Bảo hiểm Prudential là đúng hay chưa đúng - phía Prudential nói gì? Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo…