Ở Sài Gòn chẳng bao giờ thiếu những nghề độc nhất vô nhị để người dân nghèo kiếm tiền mưu sinh. Và nghề đập tivi chính là 1 trong số đó.
Nghề lạ lùng này đã xuất hiện từ gần 30 năm qua. Nói là “đập phá” nhưng thực chất, người làm nghề này sẽ gỡ những chiếc tivi cũ để lấy linh kiện bên trong đem bán.
Để đập và tháo hoàn tất 1 chiếc tivi, người “thợ” sẽ mất khoảng 30 phút.
Sau đó là những công đoạn kiểm tra các thiết bị để tận dụng và phân loại.
Bà Thủy - 1 thợ “đập tivi” lão làng chia sẻ, bà có thể đập phá khoảng 5-10 chiếc tivi cũ/ngày.
Bà Thủy tiết lộ, hằng ngày sẽ có người chở những chiếc tivi cũ đến bán cho bà, sau khi thỏa thuận giá, bà sẽ tháo lớp ngoài và những thiết bị bên trong.
Sau đó nếu bóng đèn tivi, các mấu sắt,... không còn sử dụng được sẽ được đập nát để tận dụng sắt bán phế liệu.
Có lẽ đây cũng là 1 phần nguyên nhân khiến người trong nghề còn gọi vui nghề này là “thợ đập”, “thợ phá”.
Theo bà Thủy bật mí, nghề này còn phụ thuộc vào “hên xui” ngay từ khi mua tivi cũ.
Người bán không chấp nhận việc kiểm tra máy bên trong nên người mua phải quyết định theo linh cảm và sự phán đoán của mình. Bởi người mua phải nhớ từng dòng đời sản xuất của tivi, ở dòng đời đó họ sẽ tận dụng được những gì. Quan trọng nhất là phán đoán xem linh kiện của máy còn sử dụng được hay không, tivi đã bị tháo chưa.
Với những thiết bị được tháo ra đều có dụng cụ để kiểm tra xem còn hoạt động hay không, nếu tận dụng được thì sẽ bán theo món giá từ 3.000 đồng đến 30.000 đồng tùy loại. Nếu hư hỏng sẽ được cân ký để bán phế liệu.
Nghề đập phá tivi không có người dạy, chỉ là những lao động khó khăn dạy nghề cho nhau.
Những linh kiện được gỡ ra từ tivi cũ sẽ được bán lại cho người cần, chủ yếu là những sinh viên ngành điện tử ở Sài Gòn.
Ngoài ra, các khung nhôm cũ còn có thể bán cho những người sản xuất “tivi ngàn mối” - nghĩa là tận dụng tất cả các thiết bị còn xài được của vô số chiếc tivi bỏ đi để ráp lại thành một chiếc tivi hoàn chỉnh bán lại cho những người lao động nghèo.