Mới nhất là khoản nợ hơn 450 tỷ đồng có TSBĐ là quyền thu phí phát sinh tại dự án đầu tư nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT vừa bị LienVietPostBank "siết" nợ.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) mới đây đã gửi thông tin thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của là quyền thu phí BOT cao tốc TP HCM - Trung Lương. Dự án này do công ty Yên Khánh của bà chủ 8x Vũ Thị Hoan đã bị bắt làm chủ đầu tư.
LienVietPostBank "siết" nợ công ty Yên Khánh
Theo thông báo phát đi, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - Chi nhánh Hồ Chí Minh – PGD Nam Sài Gòn (LienVietPostBank) đang có nhu cầu xử lý bán Khoản nợ hơn 450 tỷ đồng có tài sản bảo đảm (TSBĐ).
Cụ thể, khoản nợ tính đến này 2.4.2019 có tổng dư nợ hơn 457,6 tỷ đồng. Trong đó, 435,6 tỷ đồng là dư nợ gốc, lãi quá hạn là gần 22 tỷ đồng.
Khoản nợ này có tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền thu phí phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT do công ty Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan làm chủ đầu tư. Được biết, TSBĐ hiện đang trong quá trình thi công và ngân hàng đang khởi kiện khách hàng tại TAND Quận 1 để yêu cầu thanh toán khoản nợ.
Giá bán nợ đối với toàn bộ khoản nợ trên theo thảo thuận tuy nhiên không thấp hơn nợ gốc và lãi của khoản nợ tại thời điểm bán.
Ngân hàng cũng yêu cầu tổ chức được lựa chọn là tổ chức/bên mua nợ phải nộp đủ 100% số tiền mua/bán nợ chậm nhất sau đúng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc đàm phán và ký hợp đồng bán nợ (dự kiến sau 5 ngày làm việc kể từ ngày 18.4.2019).
Về cách thức lựa chọn Tổ chức mua Khoản nợ, Lienvietpostbank sẽ mời các Tổ chức đã gửi Hồ sơ chào mua vào đàm phán giá mua/bán nợ và các điều kiện thanh toán. Bên cạnh đó, LienVietPostBank sẽ lựa chọn Tổ chức mua nợ theo nguyên tắc là Tổ chức gửi đầy đủ hồ sơ hợp lệ, có giá mua Khoản nợ cao nhất sau khi đàm phán và đáp ứng các điều kiện thanh toán do LienVietPostBank đề nghị.
|
Nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 mới chỉ làm xong phần mố, chưa tiếp đất thì dừng thi công gần một năm nay. Ảnh: Lưu Đức. |
Lienvietpostbank bảo lưu quyền chấp nhận hoặc từ chối các Tổ chức chào mua nợ, trước hoặc sau khi đàm phán, mà không có trách nhiệm thông báo lý do cho các Tổ chức đã gửi Hồ sơ chào mua Khoản nợ.
Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) được đầu tư theo hình thức BOT do Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP HCM – Trung Lương thực hiện. Dự án được động thổ từ tháng 10.2015, do chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan, người bị bắt tháng 11 năm ngoái.
Vòng xoáy đen đủi
Không chỉ là nhà đầu tư của dự án BOT cao tốc TP.HCM – Trung Lương, công ty Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan còn được biết đến với nhiều dự án BOT đình đám khác như cao tốc Việt Trì, Trung Lương – Mỹ Thuận, “thâu tóm” nhanh chóng quyền thu phí cao tốc dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Thế nhưng, công ty Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan cũng dính không ít tại tiếng liên quan đến những dự án BOT này như chậm tiến độ dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hay việc dây dưa thanh toán tiền mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào năm 2015 khi đã quá hạn thanh toán.
Ngày 22.11.2018, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam bà Vũ Thị Hoan, nguyên Giám đốc công ty TNHH Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Được biết, bà Vũ Thị Hoan có chị gái là bà Vũ Thị Hoa, từng giữ chức thành viên HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC (tính đến tháng 6.2017) và là cháu ruột ông Đinh Ngọc Hệ, tức "Út trọc", cựu thượng tá quân đội, vừa bị kết án 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 2 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
|
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau thời gian tạm ngưng đang được tái khởi động sau khi thay nhà đầu tư Yên Khánh. Ảnh: I.T. |
Sau vụ “lùm xùm” của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan, vừa qua công ty Yên Khánh tiếp tục bị vận đen đeo bám khi công ty CP BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có văn bản kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT chấp thuận cho nhà đầu tư mới thay thế Công ty Yên Khánh tham gia góp cổ phần, để tháo gỡ những khó khăn, chậm tiến độ dự án đang gặp phải.
Theo công ty này, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công từ năm 2009, hiện tại dự án nguy cơ không thể triển khai tiếp do một trong các nhà đầu tư là Công ty Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan vướng nhiều "lùm xùm" thời gian qua. Nguy cơ tiến độ tới hết năm 2020 cũng khó hoàn thành.
Cũng phải nói thêm rằng, sau thời gian dài đàm phán, tháng 6.2018, hợp đồng tín dụng trị giá 6.850 tỷ đồng để triển khai dự án này được ký với 4 ngân hàng: Vietinbank, BIDV, VP Bank và Agribank. Trong 20 điều kiện vay vốn, có 6 điều kiện phải được Bộ GTVT và Thủ tướng chấp thuận.
Tuy nhiên, việc Công ty TNHH Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà đầu tư khác tham gia dự án. Các ngân yêu cầu phải thay thế Yên Khánh mới giải ngân vốn.
Cũng theo kiến nghị của Công ty CP BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, để tăng cường năng lực quản trị, điều hành và thực hiện dự án, doanh nghiệp dự kiến mời Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành dự án. Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT cho phép Tập đoàn Đèo Cả mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan trong liên danh đầu tư.
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau thời gian tạm ngưng đang được tái khởi động sau khi loại bỏ nhà đầu tư Yên Khánh.