Cho đến thời điểm hiện nay, UBND TP Hà Nội đã hoàn thiện đề án xây dựng 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020.
Theo bà bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, thông tin đưa 4 huyện lên thành quận trong thời gian qua đã khiến thị trường bất động sản tại 4 khu vực trên có lượng giao dịch tăng đột biến. Những thông tin đã có từ trước và đến nay về thị trường vẫn nằm trong tiến trình theo dõi của các nhà đầu tư. Những khu vực nào hiện có sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng hoặc có triển vọng sắp tới thì dường như sẽ thu hút đầu tư hơn.
|
Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định, Gia Lâm là khu vực đang nổi lên, có sự tăng trưởng tốt hơn so với các khu vực còn lại do khu vực này đang có những dự án có quy mô lớn đã và đang được triển khai; đồng thời cận kề khu vực Gia Lâm có những tiện ích hạ tầng đã sẵn sàng, giao thông đi lại trên các tuyến đường ở Gia Lâm rất thuận lợi... |
Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, nếu thông tin các huyện được xem xét lên quận là đến năm 2020, nhưng khu vực chưa có nhiều động thái thay đổi thì các nhà đầu tư sẽ còn phải chờ. Bởi thông tin này đã không còn mới nữa và qua thời gian giá bất động sản có sự thay đổi, không phải ở khu vực nào cũng giống nhau. Do đó, những thông tin lên quận của các huyện đó sẽ có những tác động và có những thu hút giới đầu tư khác nhau.
“Chúng tôi nhận thấy những khu vực như Hoài Đức, Gia Lâm là những khu vực đang có sự phát tiển hạ tầng rất tốt. Các khu đô thị đang có từng bước triển khai mạnh mẽ thì sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn đối với các khu vực huyện khác. Giữa huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì; theo nghiên cứu của Savills, Gia Lâm là khu vực đang nổi lên, có sự tăng trưởng tốt hơn so với các khu vực còn lại. Sở dĩ Savills có đánh giá như vậy, có thể do bản thân khu vực đang có những dự án có quy mô lớn đã và đang được triển khai và cận kề khu vực Gia Lâm có những tiện ích hạ tầng đã sẵn sàng, giao thông đi lại trên các tuyến đường ở Gia Lâm rất thuận lợi”, bà Hằng nhận định.
Cũng theo bà Hằng, tại huyện Hoài Đức – nơi đã gần như đón nhận thông tin quy hoạch từ rất lâu, bản thân Hoài Đức cũng đã trải qua những thời kỳ phát triển và có những cơn sốt đất. Tại đây đã có những dự án phát triển nhưng vấn đề để lại gần như là hậu quả của giai đoạn phát triển “nóng” bất động sản trước đó. Chính vì thế, Hoài Đức không phải là khu vực mới để thu hút đầu tư. Hoài Đức là một câu chuyện đã cũ, đã có quy hoạch cho các dự án tồn tại từ trước đây nên việc không thay đổi nhiều trong thời gian gần đây là điều có thể giải thích được.
“Mặc dù Hoài Đức hiện nay đã có những điều kiện phát triển sẵn có vì nền tảng tốt rồi như về cơ sở hạ tầng đã có các tuyến đường lớn, đường sắt đô thị trên cao… Bản thân khu vực này còn thiếu các dự án tầm cỡ, hoặc những sự phát triển mạnh tay đồng bộ để có thể cải thiện được các dự án trước đây đã tồn tại. Đối với khu vực này, đã có nhiều dự án ở thời kỳ trước nên khi các dự án tái khởi động thì cũng cần phải xem lại xem các dòng sản phẩm tại Hoài Đức có thật sự phù hợp với xu hướng thị trường hay không. Nếu để ở thì theo nghĩa khác, còn theo hướng đầu tư thì cũng cần xem xét kỹ”, bà Hằng đánh giá thêm.
|
Mặc dù Thanh Trì được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư, nhưng theo Savills, để tương quan so sánh với các khu vực khác thì Thanh Trì vẫn đứng sau các huyện như Gia Lâm hay khu vực mới khác. |
Đối với khu vực huyện Thanh Trì, theo đánh giá của Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, có thể đây là một khu vực cũng được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư, nhưng để tương quan so sánh với các khu vực khác thì Thanh Trì vẫn đứng sau các huyện như Gia Lâm hay khu vực mới khác.
“Thanh Trì cũng nằm trong xu hướng đã định hình thành một khu vực cận kề những khu đã phát triển dòng sản phẩm trung bình và dòng sản phẩm này bao giờ cũng tạo sức hút cho người sử dụng cuối cùng nhiều hơn. Nếu người sử dụng cuối cùng nhiều hơn thì phải với những điều kiện hết sức thuận lợi để sinh sống thì mới thu hút các nhà đầu tư, bởi lẽ tỷ suất lợi nhuận sẽ không cao như họ kỳ vọng”, bà Hằng nhận định.
Theo khảo sát của PV Infonet, trước thời điểm Hà Nội thống nhất lộ trình 4 huyện lên quận vào năm 2020, thông tin này đã được các môi giới truyền tai nhau và từ cuối năm 2018, giá đất tại 4 huyện được “thổi” lên trên thị trường. Theo đó, có khu vực giá đất tăng đến 30-40%.
Cụ thể, hiện tại Hoài Đức, các lô được chào bán ở An Khánh chủ yếu là đất ngõ, mức giá giao dịch dao động chủ yếu ở ngưỡng 20 - 30 triệu đồng/m2. Một số lô đất cạnh các trục đường có dự án, giá lên đến 40 - 50 triệu đồng/m2. Hay ở thị trấn Trạm Trôi, những lô đất mặt đường giá chào bán trên thị trường ở ngưỡng 120-130 triệu đồng/m2, mức giá này cao hơn tới 30-40 triệu đồng mỗi mét so với thời điểm cuối năm 2017.
Ở huyện Đông Anh, nhiều vị trí đất khu vực đê tả sông Hồng giá đến đã tăng lên trên 30 triệu đồng/m2, thay vì mức dưới 20 triệu đồng/m2 trước đó hơn 1 năm. Giá đất tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 50 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn giá đất cũng có thể lên đến 30 triệu đồng/m2…
Tại khu vực Gia Lâm, đất mặt đường Kiêu Kỵ được giá rao bán từ 25 - 32 triệu đồng/m2, trong khi trước đó giá dao động ở ngưỡng trên dưới 20 triệu đồng/m2. Hay đất mặt đường An Đào A, Đào Nguyên A… giá được môi giới đưa ra trên thị trường ở mức 38 - 45 triệu đồng/m2, thay vì mức 32 – 36 triệu đồng/m2 hồi đầu năm 2018….
Còn tại huyện Thanh Trì, gần đây cũng có nhiều người có nhu cầu ở, thậm chí cả môi giới tìm mua đất nhiều hơn. Theo đó, giá bán cũng tăng hơn so với đầu năm ngoái. Cụ thể, trước đó, những mảnh đất nằm trong ngõ nhỏ rộng chừng hơn 2m được bán với giá 20-25 triệu đồng/m2 thì nay giá những mảnh này đã tăng lên mức 30-33 triệu đồng, tùy vị trí. Những mảnh đất nằm tại mặt đường lớn giá không còn ở mức 40-45 triệu đồng/m2 mà đã tăng lên mức 50-60 triệu đồng/m2.