Các chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ về việc tại sao cá mập trắng lớn không phát triển mạnh ở vùng biển Nam Phi. Một trong những nguyên nhân lý giải cho điều này đã được chứng minh qua đoạn video mới ghi tại Nam Phi.
Đó là cảnh những con cá voi sát thủ, hung thần đại dương, kẻ thù trong tự nhiên của cá mập trắng lớn, đi săn và giết chết cá mập trắng.
|
Đàn cá voi sát thủ đi săn tấn công giết cá mập trắng lớn |
Hai con cá voi sát thủ bơi gần mặt nước ở vùng biển thuộc vịnh Mossel, Nam Phi thì đột nhiên, một con cá voi sát thủ thứ ba nhô lên từ mặt nước và ngoạm theo cá mập trắng dài khoảng 2,7 mét.
Khi nó tới gần mặt nước, máu loang ra quanh xác cá mập. Bầy cá voi sát thủ lượn vòng tròn xung quanh con mồi. Sau đó, một con trong số chúng mang theo xác cá mập và bơi đi.
Máy bay không người lái đã ghi lại toàn bộ cuộc đi săn của cá voi sát thủ, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn lý do tại sao những kẻ săn mồi đỉnh cao có xu hướng chạy khỏi khu vực từng là thủ phủ của cá mập trắng trên toàn thế giới.
Trước đây, con số ghi nhận cho thấy có khoảng 900 con cá mập trắng trong khu vực nhưng bây giờ đã giảm xuống chỉ còn 522 con và nguyên nhân là do kẻ săn mồi này đã trở thành con mồi.
Những con cá voi sát thủ sau khi giết được cá mập trắng lớn sẽ tìm cách moi gan, nội tạng để ăn. Đây là món ăn khoái khẩu của cá voi sát thủ. Một số bằng chứng trước đây cho thấy xác cá mập trắng dạt vào bờ biển đều không còn gan.
Alison Towner, nhà khoa học chuyên nghiên cứu cá mập trắng ở Nam Phi, cho biết đây là đoạn video quay bằng máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới về cá voi sát thủ giết cá mập trắng, một phần lịch sử tự nhiên đáng kinh ngạc nhất từ trước đến nay.
Cá mập trắng lớn thường tập trung ở các vùng biển xung quanh Nam Phi do số lượng lớn hải cẩu lông Cape là nguồn thức ăn chính của loài động vật ăn thịt này.
Tuy nhiên, những con cá mập trắng đã biến mất một cách bí ẩn khỏi Cape Town, Nam Phi và tất cả các bằng chứng đều chỉ ra rằng điều này trùng khớp với sự xuất hiện của cá voi sát thủ trong khu vực.
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2016, các chuyên gia dò tìm cá mập đã ghi nhận trung bình 205 lần nhìn thấy cá mập trắng lớn mỗi năm trong khu vực Đại Tây Dương. Nhưng đến năm 2018, con số chỉ còn 50.
Ô nhiễm, biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức các con mồi tự nhiên của cá mập trắng cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau vụ mất tích bí ẩn.