Chọn nguyện vọng ra sao để có nhiều cơ hội trúng tuyển?

Google News

(Kiến Thức) - Thí sinh cần chọn ngành, trường phù hợp để trúng tuyển trong đợt 1 vì hầu như 75% chỉ tiêu sẽ hoàn thành ngay trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên, 

Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức Quy chế tuyển sinh 2015, nhiều học sinh vẫn còn băn khoăn về một số vấn đề như cách thức xét tuyển nguyện vọng, môn thi thay thế ngoại ngữ, việc bỏ thi một vài môn đã đăng ký trước đó liệu có được xét tuyển vào đại học...
- Hỏi: Cụ thể việc xét tuyển vào đại học năm nay sẽ như thế nào, em nên chọn nguyện vọng ra sao để có nhiều cơ hội trúng tuyển?
- Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, giải đáp: “Sau khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc và có điểm, các sở GD-ĐT sẽ xét tốt nghiệp cho thí sinh dựa trên kết quả các môn các em đăng ký. Sau đó, các trường ĐH, CĐ sẽ xét tuyển theo tổ hợp môn. Theo đó, thí sinh sẽ nhận được 4 phiếu báo điểm khác nhau để tham gia 4 đợt xét tuyển, mỗi đợt được tối đa 4 nguyện vọng. Thời gian xét tuyển mỗi đợt dự kiến 20 ngày. Các em nên đăng ký 4 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nếu trúng tuyển 1 trong 4 nguyện vọng thì thí sinh sẽ được cấp giấy báo trúng tuyển. Trong trường hợp các em không đậu thì tiếp tục sử dụng các phiếu còn lại để xét tiếp. Nhưng các em lưu ý, cố gắng chọn ngành, trường phù hợp để trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên vì hầu như 75% chỉ tiêu sẽ hoàn thành ngay trong đợt đầu tiên, các đợt tiếp theo chỉ còn khoảng 25% chỉ tiêu”.
Chon nguyen vong ra sao de co nhieu co hoi trung tuyen?
 
- Hỏi: Trong việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2015, nếu em trúng tuyển nguyện vọng 1 thì có được đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) trả lời: Sau khi có kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, mỗi thí sinh sẽ được phát 4 phiếu kết quả thi. Thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo.
Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Nếu sau đợt xét tuyển 1 chưa đỗ, thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Bộ Giáo dục yêu cầu thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Và các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
- Hỏi: Khi thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi ĐH sẽ được đăng ký nhiều môn nhưng vì lý do nào đó mà bỏ một số môn không thi thì giải quyết như thế nào?
- PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) trả lời: Tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều. Về nguyên tắc, thí sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ cần hội tụ có đủ điểm của 3 môn (không có điểm liệt) để ghép thành tổ hợp khối của một trường nào đó là được phép tham gia xét tuyển. Việc đăng ký thêm môn trước đó mà không dự thi nhưng không ảnh hưởng đến nguyên tắc nói trên là hoàn toàn được chấp nhận.
Đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT thì điều kiện cương quyết là phải dự thi bắt buộc phải có điểm thi 3 môn Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ (đối với đơn vị không tổ chức thi Ngoại ngữ thì bắt buộc hai môn Toán, Ngữ Văn và điểm thi một môn tự chọn trong các môn còn lại). Đây là điều kiện để xét tốt nghiệp. Nếu thí sinh đăng ký nhiều môn nhưng bỏ thi ở một môn nào đó mà không ảnh hưởng đến điều kiện công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ thì kết quả vẫn được chấp thuận.
Theo một cán bộ tuyển sinh, nếu tình huống đưa ra được giải quyết thì phần mềm tuyển sinh phải lưu ý đến việc quy đổi môn thi thí sinh bỏ thi để tránh việc nhầm lẫn giữa kết quả thi, bị hủy kết quả thi, trừ điểm bài thi...
- Hỏi: Em học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên, không được học ngoại ngữ, vậy em có được chọn môn thi thay thế ngoại ngữ?
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) giải đáp: Với những học sinh không được học ngoại ngữ (học sinh theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên), Giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Điều này đồng nghĩa với việc, đối tượng này được phép chọn 2 môn tự chọn ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn.
Sở căn cứ điều kiện thực tế, quyết định đăng ký không thi ngoại ngữ và báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, đối với những trường THPT không đảm bảo để dự thi ngoại ngữ nhưng thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi thì vẫn được phép.
Những em học không đủ chương trình ngoại ngữ (chuyển trường) tức trước học một ngoại ngữ rồi chuyển trường học sang ngoại ngữ khác thì làm đơn xin thi môn ngoại ngữ phù hợp. Thí sinh có chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ được tính điểm 10 ở mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên về cơ bản các em vẫn phải tham dự kỳ thi THPT để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ (trừ một số trường có thông báo chấp nhận chứng chỉ và quy đổi sang điểm).
Về nguyên tắc, thí sinh được đăng ký dự thi tối đa 8 môn. Tuy nhiên, thầy cô cần tư vấn, nhắc nhở học sinh đăng ký nhiều môn sẽ có cơ hội nhiều nhưng việc ôn tập khó đảm bảo có chất lượng.
Cũng cần lưu ý, với những em muốn học ngành năng khiếu của một trường nào đó mà tổ chức sơ tuyển hoặc tổ chức thi tuyển môn năng khiếu thì thí sinh phải chủ động tìm hiểu thông tin của trường về lịch thi, môn thi năng khiếu nào. Thí sinh ngoài việc đăng ký tham dự kì thi THPT quốc gia thì phải đăng ký thêm tại trường để trường biết và tổ chức môn thi cho các em.

Đông Nhiên (Tổng hợp)

Bình luận(0)