Đây là trường hợp được điều trị tại Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (đóng ở Bệnh viện Quốc tế City). Cơ sở này mới đi vào hoạt động được 3 tuần gần đây.
Theo PGS.TS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, thai phụ này mắc hội chứng ARDS, phổi hư hỏng nặng, phải đặt ống nội khí quản. Các thiết bị y tế không có tác dụng với thai phụ khiến điều dưỡng phải liên tục bóp bóng.
"Chúng tôi đã bàn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương về phương án tối ưu để cứu trường hợp này. Khi đó, chúng tôi cũng không dám nói ra sự vô vọng của bệnh nhân", PGS Khôi chia sẻ.
|
Các y bác sĩ làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực đặt ở Bệnh viện Quốc tế City. Ảnh: Nam Thái.
|
May mắn, thai phụ - cũng là bệnh nhân diễn biến nặng đầu tiên tại trung tâm này - đã được cứu trong gang tấc. Giữa đêm, các bác sĩ hội chẩn liên tục, hối hả giữ lại hy vọng cứu bệnh nhân. Cuối cùng, các chức năng sống của thai phụ cũng dần hồi phục.
Theo PGS Khôi, đây là kỳ tích đầu tiên các bác sĩ tại trung tâm hồi sức này lập được. Dẫu vậy, thai nhi khi đó được 29 tuần tuổi đã vĩnh viễn không thể chào đời.
Thai phụ trên là một chủ nhà trọ tại TP.HCM. Khi thành phố giãn cách, người này quyết định không thu phí trọ, cung cấp bữa ăn miễn phí cho sinh viên. Không may, thai phụ này bị lây nhiễm nCoV từ một sinh viên ở trọ và diễn biến nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo thống kê của Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong tuần qua, 21/101 người bệnh tại đây đã được điều trị và đưa về tuyến dưới. Cơ sở này còn 50 bệnh nhân thở máy và 49 người phải thở oxy dòng cao (HFNC).
PGS Khôi chia sẻ khó khăn: "Lúc này, chúng tôi rất cần các bác sĩ hồi sức tích cực. Thông thường, ngành y tế phải mất 5-7 năm để đào tạo một bác sĩ hồi sức tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian này, chúng tôi phải chọn nhân lực, đào tạo trên mô hình và đưa vào làm thực tế ngay, cầm tay chỉ việc họ".
Bên cạnh những khó khăn ở thời điểm hiện tại, PGS Khôi cho hay nhiều người đã gửi thư riêng cho ông và xin vào trung tâm làm việc. Một số nhân viên y tế ở những nơi xa xôi cũng sẵn sàng nghỉ không lương để lên đường.
"Tinh thần ấy giống những liều "doping" với người làm việc ở tuyến đầu chống dịch như chúng tôi", PGS Khôi nói.