Chỉ cần làm việc nhà, chăm con sẽ thành “soái ca”
Chỉ cần một bức ảnh như tỉa móng chân, nấu cơm, sấy tóc, đi giày, chăm con cho vợ… khi đăng lên mạng xã hội là các ông chồng mặt búng ra sữa sẽ được dân mạng tung hô làm "soái ca".
Những hình ảnh ấy sau khi chia sẻ được người xem, đặc biệt là cánh chị em, đón nhận nhiệt tình và họ không ngớt lời khen ngợi. Thậm chí còn có chút ghen tỵ với những bà vợ đó. Các anh hùng bàn phím thì nhanh tay chia sẻ, tung hô các “soái ca” không tiếc lời. Họ nổi như cồn chỉ nhờ một bức ảnh làm việc nhà.
Nhưng khi bị lật tẩy “làm màu” thì cư dân mạng quay lại “ném đá” dữ dội vì cho rằng, “soái ca” là người đạo đức giả. Các chuyên gia xã hội học nhìn nhận, nhiều người trẻ đang bất chấp tất cả để lấy cái danh hão trên mạng ảo.
Dạo qua một số trang mạng, PV không khỏi ngỡ ngàng trước những ông bố mặt non choẹt, búng ra sữa cũng đang thể hiện trách nhiệm rất đàn ông của mình. Không những thế, họ còn lập ra hội “soái ca” chuyên đăng ảnh làm việc vặt cho vợ để nhiều người vào xem và bình luận.
Phúc Hoàng (SN 1990, Cầu Giấy, Hà Nội) hào hứng kể với chúng tôi. Cách đây không lâu, thấy dân mạng tung hô một ông bố sinh năm 94 chăm vợ đẻ trong viện và đương nhiên người này được phong làm soái ca, vậy là Phúc nghĩ "trăm phương nghìn kế" để không phải trông con nhưng vẫn có những bức ảnh ưng ý.
|
Nhiều ông bố đang cố "làm màu" để... lấy danh ảo trên mạng. Ảnh minh họa. |
Mỗi lần thấy vợ chăm con, làm việc nhà, Phuc Hoang lại gần “tự sướng” nhưng sau khi đăng lên thì bị dân mạng ném đá “đã không giúp gì được cho vợ lại còn check in”.
“Sau đó, tôi nghĩ ra cách, giả vờ xin vợ cho được chăm con và muốn vợ lưu lại những khoảnh khắc “vàng” mình giúp vợ. Vậy là vợ mắc mưu luôn.
Mình chỉ cần cầm thìa cháo bón cho con, thay quần cho con, sấy tóc cho con… là có được một bức ảnh từ vợ. Nhưng không ngờ, bố mẹ tôi lại là người bóc mẽ tôi trên facebook. Các cụ thường xuyên vào và bình luận “nó làm màu đấy, ở nhà lười như ma. Vậy là tôi bị tẩy chay, thậm chí còn bị rêu rao là sói… ca”, Phúc Hoàng kể.
Dựng cảnh để lấy danh hão
Để bạn bè phải lác mắt, Mạnh Hùng thường xuyên tải những bức ảnh ông bố đang chăm con, làm việc nhà trên mạng xã hội sau đó chỉnh sửa, cắt ghép hình của mình vào rồi đăng trên một nick ảo. Trong khi anh chàng này chẳng bao giờ làm việc nhà giúp vợ, chỉ biết ăn ngủ và nhậu nhẹt.
Vì thế, Hùng đã lên kế hoạch để có bức ảnh mình đang chăm con ốm. “Có được bức ảnh này thì bạn bè chẳng ai “soái ca” hơn mình nữa rồi. Lần này, tôi không copy ảnh cũng chẳng chỉnh sửa. Tôi liền đi mua mấy miếng dán hạ sốt, vài viên thuốc.
Con chẳng ốm đau gì nhưng cũng đắp lên trán con rồi pha thuốc như thật. Sau đó để điện thoại ở chế độ "tự sướng". Có được ảnh, tôi vội vàng đăng lên những mong nhận được lời khen mình đảm từ bạn bè.
Nhưng, không biết từ bao giờ, vợ tôi có nick facebook này. Thấy tôi đăng ảnh con ốm sốt. Cô ấy vội vã gọi điện cho bố mẹ tôi, sao lại để cháu ốm sốt như vậy mà không biết. Bố mẹ tối cuống cuồng chạy tới xem thì hoàn toàn không phải. Chỉ là do tôi ham làm “soái ca" nên con mình mới ốm trên mạng ảo như vậy”, Hùng tâm sự.
Trước hiện tượng nhiều ông bố muốn làm “soái ca” trên mạng ảo, trao đổi với PV, T.S Bùi Hồng Quân (Sở Lao động thương binh & xã hội TP.HCM) cho rằng: “ Hiện nay, mạng ảo đang tác động quá lớn đến giới trẻ. Trong cơn lốc này nhiều bạn trẻ đang cố chứng tỏ mình trên mạng. Hơn hết, họ có lối sống a dua, luôn muốn mình thành người nổi tiếng ảo bằng đủ trò, muốn được nhiều người bàn tán, nhắc đến.
Những bức ảnh cố dàn dựng để câu like, được phong làm “soái ca” thì đáng lên án. Trước khi đăng lên mạng, hãy làm soái ca trong mắt vợ, hãy là người đàn ông yêu con, tự nguyện chăm sóc, chơi với con, thậm chí “dành” với vợ để có niềm vui đó. Chứ không phải là ông bố vô trách nhiệm ngoài đời thực nhưng làm màu mình là một “soái ca” trên mạng ảo”.
>>> Mời quý độc giả xem video Chuyện ăn mặc phản cảm của giới trẻ (nguồn Youtube):