Trà Ô long Tea+ Plus của Pepsico dùng nguyên liệu Trung Quốc
Công ty Pepsi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trà Ô long Tea+ gắn với thương hiệu Nhật Bản khiến người tiêu dùng Việt lầm tưởng tin mua, nhưng sự thật nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
Trước những nghi ngờ của dư luận và người tiêu dùng về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất trà Ô long Tea+Plus của Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory Pepsico (PepsiCo Việt Nam), trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "Công ty Suntory Pepsico Việt Nam đã có văn bản giải trình về nguồn gốc nguyên liệu để sản xuất Trà Ô long Tea+ Plus. Trong văn bản báo cáo với Cục An toàn thực phẩm, Suntory Pepsico Việt Nam thừa nhận trà Ô long Tea+ Plus của Pepsi nguyên liệu Trung Quốc”.
|
Trà Ô long Tea Plus được quảng cáo là chất lượng Nhật Bản nhưng lại nhập nguyên liệu Trung Quốc. |
Nhờ “mác” Nhật Bản cộng với chiến dịch quảng cáo rầm rộ đến người tiêu dùng rằng trà Ô Long TEA+ Plus gồm có “3 điểm cộng”: một là “chất lượng Nhật Bản”, hai là “Đem đến lợi ích cho sức khỏe”, ba là “Hình ảnh đẳng cấp” nên dù mới xuất hiện trên thị trường, trà Ô Long TEA+ Plus đã được nhiều người biết đến và sử dụng rộng rãi.
Với số lượng nguyên liệu bột trà ô long được nhập từ Trung Quốc như được thể hiện trong tờ khai nhập khẩu trên, câu hỏi đặt ra là phải chăng Suntory PepsiCo Việt Nam đã lừa dối người tiêu dùng bấy lâu nay, khi các quảng cáo, tiếp thị cho trà Ô Long TEA+ Plus luôn khẳng định sản phẩm "made in Việt Nam" chất lượng cao, được sản xuất với công nghệ Nhật Bản?
Thừa nhận trên không chỉ niềm tin người tiêu dùng bị ảnh hưởng, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp “lập lờ”, không minh bạch nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm.
Nước khoáng Aquafina của Pepsico có thể được sản xuất từ... nước máy
Cách đây không lâu, vào cuối tháng 10/2015, dư luận cũng một phen bàng hoàng không kém khi dấy lên nghi vấn sản phẩm nước khoáng Aquafina của Pepsico Việt Nam có thể được sản xuất từ... nước máy.
Như đã đưa tin từ hãng thông tấn RT của Nga, Michelle Naughton - người đại diện của PepsiCo tại Mỹ đã lên tiếng thừa nhận rằng, chính xác là họ đã sử dụng nguồn nước công cộng để sản xuất nước đóng chai tinh khiết Aquafina. Trong khi đó tại Việt Nam, Aquafina được người tiêu dùng khá ưa chuộng khi chiếm được tới khoảng 30% thị phần, dù giá thành sản phẩm cao hơn hẳn so với mặt bằng chung các loại nước tinh khiết khác trên thị trường hiện nay.
|
Đại diện của PepsiCo tại Mỹ đã lên tiếng thừa nhận rằng họ đã sử dụng nguồn nước công cộng để sản xuất nước đóng chai tinh khiết Aquafina. |
Chính vì vậy mà rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã không khỏi bị sốc và hoang mang, bởi việc Aquafina thừa nhận lấy nước lã công cộng để đóng chai thì không khác gì họ đang mua nước máy để uống với mức giá đắt gấp khoảng 2.000 lần giá trị thực.
Để nhằm giải đáp câu hỏi của người tiêu dùng, PV đã liên hệ ngay tới Pepsico Việt Nam, tuy nhiên câu trả lời nhận được lại chỉ vỏn vẹn rằng: do hiện nay chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía trụ sở chính của hãng và công ty vẫn đang tiếp tục liên hệ với đại diện ở các khu vực khác để xác nhận lại thông tin nên Pepsico Việt Nam xin "chưa đưa ra bình luận gì" về việc này.
Đại diện truyền thông của Pepsico Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ phản hồi lại ngay khi có thông tin từ phía công ty mẹ, tuy nhiên đã sau nhiều tháng mà họ vẫn "bặt vô âm tín". Điều này đồng nghĩa với việc Pepsico vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào tới người tiêu dùng cho tới thời điểm này, không khẳng định cũng không phủ định việc nước tinh khiết Aquafina là nước máy đóng chai, lại càng không nói rõ thực chất sản phẩm này được lấy từ nguồn nước nào.
Chỉ đến khi Cục An toàn thực kiểm tra đột xuất 4 nhà máy trên khắp cả nước của Công ty Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tại Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai và Cần Thơ, thì lúc này mọi chuyện mới được làm rõ.
TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, chi nhánh Công ty PepsiCo Việt Nam tại Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP – Phù Chẩn, huyện Từ Sơn) đã sử dụng nguồn nước ngầm là nước giếng khoan để sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai.
Từ đánh giá của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) và báo cáo kiểm tra thì nguồn nước này do Khu công nghiệp VSIP cung cấp theo các chứng nhận của Bộ Tài nguyên Môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước giếng này vẫn có thể có nguy cơ nhiễm các tạp chất hóa học từ khu công nghiệp ngấm vào đất nếu như không được xử lý tốt.
Hàng loạt sản phẩm của Pepsico chứa vật thể lạ
Hồi tháng 3/2015, ông Lê Tấn Cọp ở Tây Ninh phát hiện dị vật bên trong chai Sting khi mua từ một quán ven đường. Ông Cọp cố gắng quan sát thật kỹ phía bên trong chai nước Sting này rõ ràng nhận thấy một dị vật khó xác định là thứ gì, theo như phán đoán của ông Cọp thì đó có thể là con sâu hay một vật gì đó. Dị vật này nổi và mắt thường có thể quan sát một cách dễ dàng…
|
Vỏ chanh màu xanh nằm phía trên chai cam ép nhãn Twister của Pepsi. |
Trình bày với phóng viên, ông Cọp cho biết: “Khi tôi phát hiện thấy chai nước có dị vật cũng chẳng biết suy diễn nguyên nhân là từ đâu. Tôi mua cả thể ba chai nhưng hai chai kia hết sức bình thường. Từ trước đến nay, tôi là một người không uống cà phê nên khi đi ngồi với bạn bè đều uống các loại nước ngọt, cũng đã có lần uống Sting và chưa có lần nào phát hiện ra dị vật cả”.
Cũng hồi tháng 3/2013, Chủ một quán cà phê nằm trên địa bàn quận Bình Tân (TP. HCM) phản ánh việc anh có mua được vài két nước ngọt đóng chai loại nước cam ép hiệu Tropicana - Twister của hãng Pepsico, trong đó có chai chứa "vật thể lạ" bên trong. Quan sát bằng mắt thường, PV phát hiện bên trong chai nước cam ép có nhãn hiệu Twister, thể tích 240ml, có hình dáng 1/2 trái chanh trong chai, 1 miếng cao su dùng để đóng nắp bị mục rơi lẫn vào nước vấy đen.
Chưa hết, lẫn trong nước cam có rất nhiều xác kiến đã chết. Bên trong quanh miệng chai nhiều vệt ố vàng, đen "phong tỏa". Chai nước ngọt vẫn còn nguyên, nắp chưa có dấu hiệu khui, cạy mở ra, hạn sử dụng ngày 18/6/2013.
Tóm lại, hàng loạt sản phẩm của Pepsi dính nghi án thiếu minh bạch, kém chất lượng trước đó, cộng với thông tin Pepsico Việt Nam "treo đầu dê bán thịt chó" trong sản phẩm trà Ô Long TEA+ Plus lần này, liệu có phải người tiêu dùng trong nước đang bị công ty Pepsico Việt Nam "đánh lừa" một cách ngoạn mục?