Cần có chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô
Chiều 10/11, phát biểu tại tổ thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thông tin, trao đổi và cũng là đóng góp thêm ý kiến xây dựng Luật thủ đô (sửa đổi), tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình triển khai xây dựng luật bắt đầu từ năm 2021.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại thảo luận tổ chiều 10/11. Ảnh: Mai Loan. |
Khi thành phố tiến hành tổng kết Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2010-2023 và đề xuất với Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 thì thành phố đã tiến hành đồng thời với tổng kết Luật Thủ đô năm 2012.
“Với yêu cầu phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, thời kỳ này cao hơn thời kỳ trước. Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa giáo dục và đào tạo, hợp tác quốc tế…. Phát triển Hà Nội phải tạo động lực để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Một yêu cầu nữa, phát triển Thủ đô là văn hiến, văn minh, hiện đại” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay, khi tổng kết Luật Thủ đô năm 2012, tư tưởng của luật rất tốt, nhiều tư tưởng hay. Nhưng sau khi Luật Thủ đô ban hành năm 2012 thì năm 2023 Quốc hội sửa Hiến pháp, sau đó nhiều luật khác đều thay đổi theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Cùng với đó, việc cụ thể hóa để triển khai Luật Thủ đô chưa đủ, nhiều tư tưởng rất hay nhưng tính khả thi chưa cao, nên chưa thực sự đi vào đời sống. Một số việc khác triển khai thực hiện thì lại không đúng theo tinh thần Luật thủ đô.
Vì vậy, ở lần sửa đổi Luật Thủ đô lần này đưa ra những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, phân cấp phân quyền mạnh cho Thủ đô để Thủ đô triển khai.
“Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là cơ chế chính sách phải đặc thù, vượt trội; tăng quyền, giao quyền. Với Luật này, tinh thần chủ yếu là về phân cấp, ủy quyền, hay nói cách khác là giao quyền cho Thủ đô trên tất cả lĩnh vực. Vì thế, quá trình xây dựng luật đã đưa ra 9 nhóm chính sách” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu quan điểm.
Đề nghị Hà Nội được bỏ tiền xây trường đại học di dời
Đi vào vấn đề cụ thể, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho hay, Hà Nội đã có định hướng quy hoạch thành phố thứ hai ở phía Tây, khu vực Xuân Mai, là đô thị mới về khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo. Trước khi đặt ra vấn đề này trong quy hoạch, Hà Nội đã bắt tay vào việc di dời các cơ sở trong nội đô. Đây là mấu chốt để Hà Nội giải bài toán giảm dân số và những vấn đề gây bức xúc như ùn tắc, ô nhiễm, úng ngập…
|
Tắc đường "không lối thoát" ở phố Đội Cấn, một hình ảnh quen thuộc vào giờ cao điểm ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Mai Loan. |
Tuy nhiên, vấn đề khó là các bệnh viện, trường đại học hiện giờ đều theo cơ chế tự chủ. "Vậy giờ giao đất mới, liệu các đơn vị có tiền xây hay không", Bí thư nêu khó khăn.
Bí thư Thành ủy cho rằng, khi xây dựng dự thảo luật Thủ đô cần giao thêm thẩm quyền mạnh hơn cho thành phố. Hà Nội cần có cơ chế bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường đại học, bệnh viện. Chẳng hạn, Thủ đô thậm chí có thể xây một trường đại học mới, mời trường lên đó. Còn cơ sở cũ có thể trả lại cho thành phố hoặc làm cơ sở đào tạo sau đại học, trung tâm nghiên cứu hợp tác quốc tế để giảm dân cư.
"Khi di dời được hệ thống giáo dục đại học tức là giúp chuyển khoảng một triệu sinh viên ra khỏi nội đô, kéo theo gần bằng từng đó đó dân cư đi theo.Và vùng đó sẽ phát triển theo quy hoạch. Đây chính là mục tiêu trong phát triển quy hoạch thủ đô", ông Đinh Tiến Dũng phân tích.
Bí thư Hà Nội cho hay thành phố cũng đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo trục lên phía Tây, như đường bộ lên Xuân Mai, đường sắt đô thị nối Văn Cao - Hòa Lạc và tiếp tục cải tạo tuyến quốc lộ hiện hữu.
Ông Dũng cho hay, các nước cũng làm như vậy. Để cho Thủ đô đẹp thì Thủ đô phải bỏ tiền ra làm, vì chính thành phố của mình.
Những chính sách này, theo ông Dũng, lẽ ra phải được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tuy nhiên hiện giờ chưa rõ nét. Càng cụ thể hóa, càng rõ thẩm quyền, càng rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát càng tốt.