ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Bộ GD&ĐT làm SGK là quay lại thời độc quyền

Google News

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nếu giao Bộ GD&ĐT làm SGK thì chắc chắn lại quay trở về thời độc quyền, chỉ có một bộ sách và “phá sản” một chương trình nhiều SGK.

Liên quan đến việc có nên giao Bộ GD&ĐT làm sách giáo khoa (SGK), và liệu chỉ cần một bộ SGK chuẩn thay vì nhiều bộ sách như hiện nay, PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hải Dương bên hành lang Quốc hội.
DBQH Nguyen Thi Viet Nga: Bo GD&DT lam SGK la quay lai thoi doc quyen
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hải Dương trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về SGK. Ảnh: Mai Loan.
Lý do Bộ GD&ĐT đã không thể biên soạn SGK
Mới đây, sau ý kiến của Đoàn Giám sát, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK, đã có rất nhiều tranh luận trái chiều, “nóng” dư luận. Bà nhìn nhận thế nào, thưa đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga?
Qua theo dõi, tôi thấy có nhiều ý kiến liên quan tới việc Bộ GD&ĐT có nên làm SGK hay không. Tuy nhiên, các ý kiến dường như mới chỉ chạm tới bên ngoài của việc biên soạn SGK của Bộ GD&ĐT, chưa đi vào cốt lõi, hiểu bản chất vấn đề.
Tôi tham gia Quốc hội từ khóa XIV, việc ban hành Nghị quyết 51 của Quốc hội về thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông năm 2018, tôi cũng là một trong những thành viên bấm nút thông qua.
Trong Nghị quyết 51 đã nêu rất rõ việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, đây là thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Chúng ta có một chương trình nhiều bộ SGK, trong đó có một bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn và phát hành, nội dung này có trong Nghị quyết.
Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện Bộ GD&ĐT báo cáo Quốc hội những khó khăn, vướng mắc và xin điều chỉnh nội dung của Nghị quyết.
Vướng mắc đó là gì, thưa bà?
Lý do là vì, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thứ nhất, ở thời điểm đó đã có những bộ SGK được Bộ thẩm định và đã xuất bản đủ điều kiện để dạy cho học sinh, nghĩa là có hơn một bộ SGK lúc bấy giờ.
Thứ hai, do triển khai hơi chậm cho nên Bộ GD&ĐT bị động trong vấn đề mời các tác giả viết sách và chủ biên SGK. Bởi lúc đó, các tác giả viết sách và chủ biên SGK đã và đang tham gia với các tổ chức, cá nhân khác để biên soạn các bộ SGK khác nhau. Cho nên, dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực thiếu. Nếu như vẫn tiếp tục yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK ngay trong thời điểm đó thì vô cùng khó cho Bộ.
Hơn nữa, đấy là thời điểm chúng ta bắt tay vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho nên còn quá nhiều nhiệm vụ khác nhau mà Bộ phải triển khai.
Điều đó để trả lời cho câu hỏi vì sao ban đầu có nội dung Bộ biên soạn SGK.
Năm 2023, có cuộc giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông". Trong kết luận nêu rõ Bộ GD&ĐT chưa thực hiện được nội dung biên soạn SGK và yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.
Sau kết luận này, có nhiều ý kiến được đặt ra xung quanh việc là “Bộ GD&ĐT có nên ban hành bộ sách này hay không?”
Chắc chắn quay về thời độc quyền SGK
Nhiều ý kiến lo ngại, nếu Bộ GD&ĐT làm sách giáo khoa thì sẽ rơi vào tình trạng độc quyền như trước. Ý kiến của bà thế nào?
Tôi cho rằng, nếu giao Bộ GD&ĐT làm sách giáo khoa chắc chắn sẽ lại rơi vào độc quyền, chắc chắn quay trở về thời chỉ một bộ SGK.
Vì sao bà lại có nhận định “chắc chắn” như vậy?
Chính phủ và Bộ GD&ĐT vẫn đề nghị không ban hành với lý do hiện nay chúng ta đã có nhiều Bộ SGK, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giảng dạy cho học sinh, đủ cho các trường lựa chọn nên Bộ không cần thiết phải biên soạn một bộ sách.
Ngoài ra, nếu Bộ GD&ĐT làm SGK thì rất dễ rơi vào độc quyền. Bởi, cơ sở giáo dục, các nhà trường được quyền chọn sách, không tránh khỏi tình trạng giáo viên để an toàn họ sẽ chọn ngay bộ sách của Bộ.
Vì công việc chọn SGK không đơn giản. Giáo viên buộc phải đọc tất cả các bộ SGK, sau đó so sánh đối chiếu với nhau để tìm ra một bộ SGK ưu việt nhất, phù hợp nhất với đối tượng học sinh của mình. Do đó rất mất thời gian, vất vả, có bao nhiêu bộ SGK giáo viên bắt buộc phải đọc hết.
Vậy, nếu có một bộ sách của Bộ GD&ĐT thì không tránh khỏi việc sẽ nhất loạt giáo viên chọn sách của Bộ để đỡ phải đọc nhiều. Và theo niềm tin của người trong ngành thì sách của Bộ biên soạn chắc chắn tốt rồi, trong quy định cũng không quy định các trường không được dạy các bộ SGK giống nhau. Vậy thì sẽ không tránh khỏi độc quyền.
Vậy theo bà có cần thêm một Bộ SGK nữa không?
Quan điểm của tôi là vẫn cần có thêm một bộ SGK (ở đây không phải nói tới sách của Bộ). Vì trong Nghị quyết, chủ trương thực hiện một chương trình nhiều Bộ SGK chúng ta không nói 5,6,7 hay 10 bộ.
SGK dù sao cũng là một mặt hàng, dù nó là một mặt hàng đặc biệt đi chăng nữa. Vậy, khi càng có nhiều nhà cung cấp, càng có nhiều mặt hàng thì càng có nhiều sự chọn lựa phong phú khác nhau.
Cũng như người đi mua hàng, khi không có sự chọn lựa nào thì bắt buộc phải mua một mặt hàng duy nhất được cung cấp. Nhưng, khi có nhiều sự lựa chọn thì quyền chọn lựa sẽ tốt hơn. Từ đó, tạo ra thế cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách. Vậy ai là người hưởng lợi? Chính là học sinh, giáo viên, phụ huynh.
Như vậy, chúng ta không chốt bao nhiêu bộ là đủ, nhiều cũng được không sao cả nhưng bắt buộc các tổ chức cá nhân phải có sự cạnh tranh với nhau.
Vướng mắc lớn nhất là nhận thức của người dân
Trên nhiều diễn đàn, rất nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn được quay trở lại dùng một bộ SGK “chuẩn”. Cùng với đó, là phản ứng dữ dội đối với những nội dung được cho là “lệch chuẩn” trong SGK mới. Liệu đây có phải là một trong những khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thưa bà?
Qua quá trình đánh giá, giám sát cũng như tìm hiểu, theo đánh giá của cá nhân tôi, vấn đề vướng mắc nhất hiện giờ đối với SGK, với chọn lựa SGK và thực hiện Chương trình giáo dục mới là nhận thức của xã hội nói chung về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thực tế, có một phần lớn người dân chưa hiểu được tại sao phải có nhiều bộ SGK, rằng nhiều làm gì cho phức tạp. Và chưa hiểu được sự ưu việt khi một chương trình có nhiều bộ SGK, tức là xây dựng một chuẩn chương trình cần đạt được cho học sinh.
Cụ thể, ưu việt của việc một chương trình có nhiều SGK là gì, thưa bà?
Chuẩn chương trình này rất quan trọng. Ví dụ, chuẩn chương trình yêu cầu học sinh học hết lớp 1 phải đọc thông viết thạo đối với bộ môn Tiếng Việt. Hay với môn Toán là cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 10.
Để thực hiện được chuẩn chương trình đó, giáo viên có quyền lựa chọn bất cứ bộ SGK nào để dạy cho học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông mới không quan trọng việc dạy bộ SGK nào, mà quan trọng là hết lớp 1 học sinh được “nghiệm thu” để xác định các em có đọc thông viết thạo, có làm phép tính thành thạo được trong phạm vi 10 theo đúng chuẩn chương trình hay không?.
Khi học sinh đạt được đúng chuẩn chương trình đó thì SGK không quan trọng nữa mà quan trọng là học sinh đạt được chuẩn kỹ năng. Đây là điều ưu việt.
Để thực hiện được điều đó, chất lượng của giáo viên rất quan trọng?
Đúng vậy. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh, có năng lực. Bởi thay vì được cung cấp sẵn một bộ SGK để dạy thì giáo viên phải tự chịu trách nhiệm để tìm tòi và lựa chọn SGK phù hợp để dạy cho học sinh.
Như vậy, giáo viên phải am hiểu về đối tượng học sinh của mình, bởi không phải học sinh nào cũng như nhau. Chẳng hạn năm nay dạy lớp 6 này, nhưng sang năm dạy lớp 6 khác, hai đối tượng học sinh đã khác nhau.
Khi có năng lực, bản lĩnh, thậm chí giáo viên phải tự biên soạn tài liệu để dạy cho học sinh, trong trường hợp giáo viên thấy tất cả các SGK không đáp ứng được yêu cầu mà mình mong muốn.
Hiện nay, chúng ta đang sử dụng một đội ngũ giáo viên đang giảng dạy mấy chục năm chương trình cũ để chuyển sang chương trình mới. Chỉ đơn giản là đưa cho họ SGK mới và vài ngày tập huấn thì toàn bộ tư duy của giáo viên chưa chuyển kịp giữa thực hiện chương trình cũ sang chương trình năm 2018.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nếu các cơ sở giáo dục đều chọn SGK của Bộ GD&ĐT thì sẽ lại quay về thời chỉ có một bộ SGK, dẫn đến “phá sản” việc thực hiện nhiều bộ SGK. Vậy, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư để biên soạn SGK sẽ sống như thế nào?
Một vấn đề nữa đặt ra là chính sách xã hội hóa SGK, chương trình giáo dục phổ thông một chương trình nhiều bộ SGK sẽ thực hiện ra sao?
Cùng với đó, hiện chúng ta có rất nhiều bộ SGK để lựa chọn rồi. bây giờ lại lấy ngân sách nhà nước để biên soạn thêm một bộ sách thì liệu có lãng phí hay không? Rất ngổn ngang!
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)