Không chất vấn vấn đề vụn vặt, chất vấn lại chất vấn
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội việc làm sao để phiên chất vấn có chất lượng, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho hay, ông có mấy lưu ý đối với việc chất vấn và trả lời chất vấn.
|
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) trả lời PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
Theo đó, đối với bộ máy giúp việc cho người điều hành chất vấn phải có dữ liệu, tệp vấn đề, là quá trình giải quyết các vấn đề đã từng được chất vấn và trả lời chất vấn trước đó. Chẳng hạn, về vấn đề tiền lương cho giáo viên, phải có tệp dữ liệu của mấy nhiệm kỳ, và biết vấn đề này đã trả lời chưa, tránh “tua” lại.
Đối với đại biểu Quốc hội, theo đại biểu Lê Thanh Vân, là không nên hỏi những vấn đề vụn vặt, nhất là những vụ án, những vụ việc cụ thể. Quốc hội là nơi bàn về quốc sách, nên phải hỏi những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của đất nước, quốc gia, dân tộc. Có chăng, chỉ nên lấy ra những vụ việc cụ thể để minh họa cho việc làm của bộ trưởng hay trưởng ngành là không đúng.
Ví dụ, như việc dạy thêm học thêm là tệ trạng phổ biến, có thể lấy ví dụ ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) hay Liên Chiểu (Đà Nẵng) … để minh họa, chứ tuyệt đối không được lấy một vụ việc cụ thể ra chất vấn.
Nếu lấy vụ việc cụ thể ra chất vấn sẽ có hai bất cập: Thứ nhất, các đại biểu Quốc hội chưa muốn nghe một vụ việc cụ thể, ở một địa bàn cụ thể, cho nên, mất thời gian. Thứ hai, người đứng đầu bộ ngành không thể nắm hết được, mà do bộ máy giúp việc nắm.
"Có hàng trăm nghìn việc làm sao lại chất vấn những vụ việc quá cụ thể được. Mà đã là đại biểu Quốc hội thì phải chất vấn đúng tầm. Chất vấn làm rõ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ mà bộ trưởng, trưởng ngành đó điều hành.
Tại sao chức năng, nhiệm vụ như thế mà lại không làm? Điều kiện của anh không khác gì người khác nhưng anh lại không làm được, vậy có phải do năng lực, hay không ý thức được công việc? Hoặc là anh nhận ra nhưng không chịu làm, thì đó là trách nhiệm. Hoặc để hậu quả xảy ra, thuộc hoàn toàn phạm vi của anh, nhưng anh lại đổ lỗi, vậy thì, tôi phải truy anh tới tận nơi, đến chốn”, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.
Cũng không có quy định nào cho phép đại biểu Quốc hội này được tranh luận với chất vấn của đại biểu kia. Nếu có, thì đoàn chủ tọa phải nhắc nhở ngay, tránh tình trạng như ở Quốc hội khóa XIV, khi đại biểu này vừa mới chất vấn thì đại biểu kia khác đã “nhảy” lên tranh luận và trả lời thay cho thủ trưởng của mình, cũng là đại biểu Quốc hội. Đây là điều tối kỵ.
Phòng ngừa bằng… không làm gì cả cũng là vi phạm pháp luật
Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, tại phiên chất vấn ở Kỳ họp thứ 6 này, ông quan tâm tới việc chấp hành pháp luật và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành trung ương.
Nhấn mạnh lại tính tuân thủ nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, ở vai người đứng đầu bộ ngành, trước tiên phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Những gì liên quan đến công việc ngành đó đảm nhiệm để xảy ra sự cố thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thế nào.
Có hiểu được như thế thì mới biết được giới hạn, phạm vi của mình để mà phòng ngừa trước. Tất nhiên, nếu phòng ngừa bằng cách không làm gì cả thì cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật bởi không thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật trao cho.
Về ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn là “quy trình ngược”, theo đại biểu Lê Thanh Vân, không chỉ vì một lần chất vấn mà đánh giá được năng lực cán bộ, từ đó làm căn cứ bỏ phiếu. Bởi các bộ trưởng, trưởng ngành đã có nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ pháp luật trao cho rồi.
Đại biểu Quốc hội phải có nghĩa vụ theo sát hoạt động của những người thuộc đối tượng giám sát của mình, chứ không phải vì qua 1-2 câu hỏi mà thể hiện năng lực.
Chỉ chất vấn những vấn đề có trong Nghị quyết
Trả lời câu hỏi làm thế nào để các câu hỏi chất vấn có thể đúng trọng tâm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho hay, Ủy ban Thương vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghiên cứu nội dung này, và trong báo cáo của UBTVQH gửi các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung vào những vấn đề lớn nổi lên ở phiên chất vấn. Đây là những vấn đề mà UBTVQH cho rằng sẽ được những vấn đề đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, quyền của đại biểu Quốc hội là có thể chất vấn tất cả những vấn đề nằm trong các lời hứa của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trong các nghị quyết của QH và UBTVQH.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) trả lời bên hành lang Quốc hội về chất vấn. Ảnh: Mai Loan. |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, tại phiên chất vấn này là chất vấn về lời hứa của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ tại các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về chất vấn, giám sát chuyên đề, chứ không phải giám sát tất cả các vấn đề.
Bởi có những vấn đề không đưa vào Nghị quyết thì có thể không được chất vấn tại Kỳ họp này và chủ tọa có thể từ chối, yêu cầu đại biểu Quốc hội chất vấn riêng thành viên Chính phủ ở nội dung khác, chương trình khác. Đây cũng là cách để chúng ta đã tập trung vào những vấn đề mà Quốc hội đã đưa ra tại Nghị quyết này.
Ông Sơn cho hay, khi Quốc hội đã đưa ra Nghị quyết này, có nhiều vấn đề đã được giải quyết, tháo gỡ rồi, thì vấn đề còn lại sẽ được các đại biểu tiếp tục chất vấn.
Khi đăng ký thì có thể tới 2-300 đại biểu, nhưng số lượng được trả lời có thể hạn chế hơn. Các đại biểu chưa được chất vấn có thể gửi phiếu chất vấn cho UBTVQH yêu cầu các trưởng ngành trả lời.
Và tính chất pháp lý cuối cùng là nghị quyết của kỳ họp, của phiên chất vấn, đây sẽ là cơ sở pháp ý để yêu cầu các trưởng ngành, thành viên Chính phủ tiếp tục thực hiện cam kết của mình.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nói về phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.