Sáng 27/10, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về SGK - vấn đề đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là việc giao Bộ GD&ĐT làm SGK.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi về SGK với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội sáng 27/10. Ảnh: Mai Loan. |
Nguy cơ quay trở lại độc quyền sách giáo khoa
Sau những vụ việc ồn ào liên quan tới ngữ liệu trong SGK vừa rồi, vấn đề về SGK lại tiếp tục “nóng” dư luận với những ý kiến trái chiều, trong đó là tranh luận về việc có nên có nhiều bộ SGK. Đồng thời là một nhà giáo, quan điểm của ông thế nào, thưa đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường?
Nghị quyết 88 khóa XIII được ban hành với chủ trương thực hiện một chương trình nhiều SGK. Theo đó, SGK không còn là một tài liệu độc quyền, bắt buộc để người học phải học thuộc, nói như sách, tuân thủ từng câu, từng chữ. Thay vào đó, tạo cơ chế cho người học được lựa chọn kiến thức và tạo kiến thức cho mình.
Hiện nay, ít nhất chúng ta đã có ba bộ SGK. Mặc dù, ba bộ sách đó còn có những điểm hạn chế, khiếm khuyết, chưa hoàn hảo. Tuy nhiên, như tôi vừa nói, khi SGK không còn là một tài liệu bắt buộc, thì trong quá trình giảng dạy giáo viên cần biết lựa chọn, và có thể kết hợp rất nhiều bộ sách cho một giờ giảng.
Tôi cho rằng, Nghị quyết 88 hết sức tiên tiến, thể hiện nhận thức tiến bộ trong việc tạo ra một môi trường giáo dục khai phóng, tạo ra tự do cho người học. Và chủ trương một chương trình nhiều SGK hoàn toàn đúng đắn.
Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây có ý kiến yêu cầu làm một bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn. Có đại biểu cho rằng, việc chi 400 tỷ giao Bộ GD&ĐT làm một bộ sách vừa lãng phí vừa không phù hợp về pháp lý. Ông nhìn nhận thế nào?
Tôi có 2 e ngại nếu giao Bộ GD&ĐT phải làm thêm một bộ SGK. Thứ nhất, chúng ta đang có một lộ trình thực hiện, mới bước sang năm thứ 4. Nếu giớ dừng lại để theo chính sách mới có thể gây gián đoạn.
E ngại thứ hai, đó là về vấn đề tâm lý. Chúng ta đang xã hội hóa sách giáo khoa. Giờ lại có một bộ sách của Bộ GD&ĐT biên soạn, ban hành thì có thể sẽ dẫn tới suy nghĩ, bộ sách của Bộ GD&ĐT mới là chuẩn mực, chính thống, gần như chỉ định và lại trở thành độc quyền SGK.
Như vậy, tất cả tinh thần đổi mới bị phá vỡ. Chính vì thế, theo tôi cần phải hết sức cân nhắc. Và quan điểm của tôi cho rằng, không nên giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ SGK.
Đây không phải là chuyện liên quan tới lãng phí, mà quan trọng nhất là chúng ta đang hướng tới mục tiêu của giáo dục là gì. Chúng ta phải xác định hướng đi của chúng ta đã đúng hay chưa, và hãy kiên định với hướng đã lựa chọn. Nếu bỏ dở giữa chừng thì sẽ phá vỡ chương trình.
Quan trọng nhất là đào tạo giáo viên đáp ứng đổi mới
Vậy theo ông, vấn đề lớn nhất của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay là gì? Như ông phân tích, thì vai trò của giáo viên sẽ là rất quan trọng?
Theo tôi, quan trọng nhất hiện giờ là chúng ta phải tìm ra xem quá trình thực hiện đang hổng ở chỗ nào. Tôi cho rằng, cái hổng lớn nhất là năng lực của đội ngũ giáo viên, liệu họ có đủ năng lực để chuyển tải được tinh thần của đổi mới hay chưa?
Tinh thần của việc có nhiều bộ sách là giáo viên đến lớp không phải lệ thuộc vào một quyển sách nhất định nào cả, mà phải dạy theo nội dung chương trình. Thậm chí, hôm nay đến lớp có một sự kiện ở xã hội đang nóng, thì giáo viên có thể dùng ngay nội dung đó để đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, phải chuyển tải được tinh thần về mặt tri thức là gì.
Như vậy, năng lực của giáo viên rất quan trọng. Và vì thế, chúng ta đừng quá chạy theo chuyện phải sửa SGK. Quan trọng nhất là phải đào tạo, tăng cường năng lực của giáo viên.
Về phía xã hội và người học cũng cần tiếp nhận được tinh thần đổi mới này, thưa ông?
Đúng vậy, tôi cho rằng cần phải tăng cường được năng lực của xã hội về tư tưởng của đổi mới giáo dục. Đặc biệt, bản thân người học cũng phải có tư tưởng đổi mới. Đừng học theo kiểu, cứ đến lớp, thầy dạy thế nào thì học đúng như thế, xong hôm sau lại viết lại bài đúng vậy để trả lại cho thầy và lấy được điểm cao.
Nếu như thế thì nền giáo dục của chúng ta sẽ không bao giờ tạo ra được sự sáng tạo, phát triển.
Có một thực tế, học sinh Việt Nam rất giỏi, thông minh, nhưng khi ra thực hành nhiều khi lại không sáng tạo được. Lý do là vì, các em đã được dạy theo một khuôn mẫu, tư duy đã đi theo khuôn mẫu đấy, từ đó dẫn tới việc không dám cởi mở, không dám sáng tạo.
Vì thế, tôi cho rằng, hiện tại, chúng ta không nên quá quan tâm đến chuyện là phải có một bộ SGK mới của Bộ GD&ĐT hay không mà nên tập trung vào việc làm sao để tăng cường năng lực của đội ngũ giáo viên và những nhà quản lý, cùng với đó là thay đổi nhận thức của xã hội và người học.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 24/10, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu quốc hội Đà Nẵng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, băn khoăn về căn cứ khoa học, pháp lý và thực tiễn của đề xuất nghiên cứu giao Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK. Đề xuất này được nêu trong báo cáo của Đoàn Giám sát quốc hội về đổi mới chương trình, SGK ở phổ thông hồi tháng 8.
"Không hiểu vì sao Đoàn Giám sát có thể đưa ra một kết luận quan trọng như vậy về SGK khi chưa có và chưa hề nghiên cứu về chính sách SGK của các nước", bà Thúy đặt vấn đề.
Từ nhiều phân tích, bà Thúy cho rằng nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách thì vừa gây lãng phí vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Bà lo ngại việc này làm nhà đầu tư giảm niềm tin vào chính sách của Nhà nước.
Trước đó, tại phiên giám sát về thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK phổ thông do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát cân nhắc, bỏ đề xuất của Đoàn giám sát Quốc hội với Chính phủ cuối tháng 7 về việc giao Bộ biên soạn một bộ của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dường như đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới.
Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đặt câu hỏi.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6 với PV Tri thức và Cuộc sống về nguy cơ nếu giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện thêm bộ sách giáo khoa. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.