Từ ngày mai, 6/11, Quốc hội sẽ tiến hành phiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày. Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhiều kỳ vọng về phiên chất vấn có những đổi mới này.
Hoạt động chất vấn sẽ sâu hơn, sát thực tế hơn
Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, kỳ họp lần này chất vấn giữa kỳ, với nội dung chất vấn là tất cả các lĩnh vực liên quan đến kiến nghị sau giám sát của khóa XIV và kiến nghị của khóa XV tính đến Kỳ họp thứ 4, nội dung dàn trải trong tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Điều đó đòi hỏi tất cả cơ quan hành pháp, kể cả tòa án, viện kiểm sát tham gia trả lời chất vấn.
|
Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
Đặc biệt, theo đại biểu, tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận liên quan báo cáo giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Báo cáo này trước đây thường được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, nhưng đây là lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội thảo luận.
“Đây là báo cáo quan trọng giúp hoạt động chất vấn sâu hơn, đi sát thực chất hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo”, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho hay.
Đại biểu Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, về nội dung chất vấn kỳ này, ông quan tâm đến những vấn đề nóng. Thứ nhất, về giáo dục, sách giáo khoa chỉ là một nội dung, quan trọng hơn là làm sao nâng cao chất lượng đào tạo.
|
Đại biểu Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Ảnh: Mai Loan. |
Thứ hai, ông quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, không chỉ là giường bệnh, chữa bệnh, thuốc. Ông lấy ví dụ, như ở Đồng Nai, vấn đề là nước sạch, ung thư quá nhiều.
Thứ ba là phân tầng xã hội, làm sao để người giàu - người nghèo phân cực hợp lý để không trở thành đối kháng. Có những người không thể thoát nghèo do tàn tật, hoàn cảnh, tai nạn..., xã hội phải có trách nhiệm.
Ngoài ra, cũng còn những vấn đề khác gây bức xúc như an toàn giao thông. Đặc biệt, vấn đề tội phạm có nguyên nhân xã hội, mâu thuẫn trong từng gia đình, gây ra các vụ án đau lòng.
“Chúng ta không đổ trách nhiệm cho ai, nhưng phải tìm ra nguyên nhân. Quốc hội cũng phải quan tâm đến vấn đề này", đại biểu Quản Minh Cường nêu ý kiến.
Trả lời thẳng thắn, tiếp thu tích cực
Đại biểu Dương Khắc Mai, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, tại kỳ chất vấn này, các đại biểu có thể đặt câu hỏi chất vấn về những vấn đề tồn tại, hạn chế trong nửa nhiệm kỳ vừa rồi, và những vấn đề mới có thể phát sinh với từng bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ. Đây là một vấn đề mở.
|
Đại biểu Dương Khắc Mai, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, kỳ chất vấn lần này sẽ rất sôi động và mong muốn của ông là sau khi chất vấn, các trưởng ngành sẽ cầu thị, tiếp thu và làm sao giải quyết được thỏa đáng các câu chất vấn của các đại biểu.
“Tức là sớm trả lời là được hay không được, chứ không được trả lời lòng vòng, dẫn căn cứ theo luật A, B, C… Trong các kỳ họp lần trước tôi cũng đã nêu vấn đề này rồi. Tức là trả lời thẳng thắn, tiếp thu một cách tích cực, cả hai bên phải có sự tương tác với nhau để việc chất vấn có hiệu quả, và cuối cùng, công việc phải trôi chảy”, đại biểu nêu ý kiến.
|
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). Ảnh: Mai Loan. |
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho hay, trong 2,5 ngày chất vấn sẽ đưa ra các nhóm vấn đề. Mỗi ngày sẽ chia ra các nhóm như về lĩnh vực Kinh tế, Xã hội, Tài chính. Các nhóm vấn đề sẽ được Quốc hội đưa ra, khi chất vấn sẽ thể hiện một cách đầy đủ, toàn diện. Số lượng các đại biểu được chất vấn đợt này sẽ rất nhiều trên tất cả các nội dung. Và quá trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội trong suốt thời gian vừa qua đến thời điểm này sẽ được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi.
“Tôi nghĩ rằng đây là cách làm rất đổi mới. Qua phiên chất vấn, tôi hy vọng, những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, đặc biệt những vấn đề Quốc hội quan tâm trong thời gian qua được đưa vào Nghị quyết phải làm sao thực hiện một cách tối đa.
Và những vấn đề gì chưa được thì các trưởng ngành phải đưa ra được các giải pháp, để làm sao Nghị quyết của Quốc hội phải đi vào cuộc sống và phải đạt được mục đích, yêu cầu, cũng như đảm bảo được rằng, Quốc hội, Chính phủ đã có sự thống nhất, phối hợp rất chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc, khó khăn”, bà Ngọc chia sẻ.
Theo dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Dương Khắc Mai, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi kỳ vọng về phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV rằng bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không lòng vòng:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.