Trong cuộc họp chiều 16/5, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng – Nguyễn Văn Tùng cho biết, qua sự vụ trên, cho thấy, đạo đức, hành vi ứng xử nhà giáo trên địa bàn đang không chuẩn. Để xảy ra sự việc trên đã gây ảnh hưởng không tốt tới đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục. Trước hết trách nhiệm thuộc về Ban giám hiệu nhà trường, tiếp đến là hệ thống chính quyền.
Mời quý vị độc giả xem video: giáo viên Hải Phòng tát và đánh tới tấp khiến học sinh nhập viện?
|
Hình ảnh cô giáo đánh học sinh. |
“Chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm chấn chỉnh lại cách ứng xử của giáo viên với học sinh trong toàn thành phố. Tôi cũng đề nghị cần xem xét đưa ra mức kỷ luật cao nhất đối với giáo viên này; đồng thời xem xét trách nhiệm, kỷ luật với cô giáo Vân, thậm chí cả giáo viên khác nếu có liên quan”, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tùng cũng yêu cầu UBND quận Hồng Bàng chỉ đạo xem xét kỷ luật tập thể lãnh đạo trường Tiểu học Quán Toan về việc này để làm răn đe cho các trường khác, giáo viên khác. Tiếp tục giao CATP kiểm tra, theo dõi tình hình diễn biến sức khỏe của cháu để xem xét xử lý người liên quan.
Trước đó, ngày 8/5, tại phòng học lớp 2A7 trường Tiểu học Quán Toan đã xảy ra vụ giáo viên đánh học sinh. Không chỉ đánh 1 em, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang-người được coi phân công trực giám sát kiểm tra học kỳ 2 của lớp này đã dùng thước, tay đánh, tát vào mặt, đầu học sinh. Trong số những học sinh bị cô Trang tấn công, có học sinh Hoàng Gia Đức bị nặng nhất dẫn đến phụ huynh bức xúc, phản ứng làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Sau khi sự việc xảy ra, cô giáo Trang bị kỷ luật với hình phạt không cho chủ nhiệm 6 tháng, đình chỉ công tác 1 tháng. Tuy nhiên, sau khi xem clip, dư luận phẫn uất tỏ ý không đồng tình với mức kỷ luật trên đối với cô Trang.
|
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - Nguyễn Văn Tùng. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.
“Điều 16 Công ước quốc tế quyền trẻ em nêu rõ: "Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy".
Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm"”, Luật sư Thơm cho biết.
|
Cô giáo Trang khóc nức nở xin lỗi gia đình học sinh và mong có cơ hội sửa chữa. |
|
Cô giáo Trang gục xuống bàn khóc nức nở. |
Luật sư Thơm nêu thêm về Điều 37 Hiến pháp 2013: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".
Còn Điều 4 Luật trẻ em đã giải thích: "Bạo lực trẻ em" là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
“Do đó, sự cần thiết phải dành cho trẻ em sự chăm sóc đặc biệt là một yêu cầu đã được khẳng định trong Tuyên bố Geneva về quyền trẻ em năm 1924, trong Tuyên bố về quyền trẻ em do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1959 và đã được thừa nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đặc biệt là các điều 23 và 24), trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (đặc biệt là điều 10), trong những quy chế và văn kiện có liên quan khác của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế hoạt động vì phúc lợi của trẻ em”, Luật sư Thơm nhận định.
Theo Luật sư Thơm, xét hành vi của cô giáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được vệ về thân thể, sức khỏe của trẻ em khi đã sử dụng vũ lực liên tiếp tiếp tát vào mặt, đầu và cầm thước dài khoảng gần 1m đánh nhiều học sinh, trong đó 2 nam học sinh phải bật khóc, tay ôm chỗ đau. Không dừng lại ở đó, một nữ giáo viên khác sau khi bước vào lớp cũng tát một học sinh.
“Đáng lẽ ra, cô giáo như người mẹ phải chỉ bảo, uốn nắn dạy dỗ cháu nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giáo dục cháu. Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức nghề giáo viên vốn được xã hội tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất.
Hành vi này không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo được xã hội tôn vinh mà còn là hành xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại đến sức khỏe người khác, đặc biệt trẻ em là người yếu thế trong xã hội đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Luật sư Thơm nhận định, tùy theo tính chất mức độ tổn hại về sức khỏe của cháu học sinh thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 BLHS 2015. Trường hợp, tỉ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N. không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác, được quy định tại Điều 140 BLHS 2015.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, tùy theo tính chất mức độ và hậu quả gây ra tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của các cháu học sinh, cần thiết phải có biện pháp xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS hoặc tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS là có căn cứ theo quy định của pháp luật.