Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét lại các văn bản liên quan và đề nghị thu hồi văn bản của UBND. TP Hạ Long vì trái thẩm quyền.
Xem xét lại các văn bản
Ông Nguyễn Công Bằng - Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, sau khi rà soát các văn bản mà Bộ GTVT phát ra liên quan đến hoạt động vận tải ở khu công nghiệp Cái Lân (Quảng Ninh) thì cho thấy không có văn bản nào đồng ý hay không đồng ý cho việc xe quây thành, cơi nới thành thùng hoạt động tại đây.
|
Văn bản của Bộ GTVT không thể hiện việc đồng ý cho xe quây thành, cơi nới thùng hoạt động tại khu công nghiệp Cái Lân. |
Vụ phó Vụ Vân tải cho rằng, việc UBND tỉnh Quảng Ninh ra văn bản số 3674/UBND-GT1 ngày 24/6/2016 có nội dung: “Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giao Công an tỉnh phối hợp với UBND TP Hạ Long kiểm tra, yêu cầu Công an TP Hạ Long dừng ngay việc kiểm tra và không xử lý đối với các xe ô tô quây thành để chở dăm gỗ trên các tuyến đường nội bộ thuộc Khu công nghiệp Cái Lân nhưng vẫn giữ đúng trọng tải và đảm bảo an toàn giao thông theo đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 3374/UBND-TH1 ngày 12/6/2015 và văn bản 3389/UBND-TH1 ngày 12/6/2015” là “hơi quá”.
Văn bản 3674/UBND-GT1 ra đời sau khi có văn bản số 3374/UBND-TH1 về việc “Xử lý xe ô tô quá tải, quá khổ, vi phạm kích thước thành thùng xe” của UBND tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, địa phương này lấy văn bản số 15842/BGTVT-VT ngày 11/12/2014 và Thông báo số 136/TB-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ GTVT để làm căn cứ cho phép xe tải quây thành, cơi nới thành thùng hoạt động công khai tại khu công nghiệp Cái Lân và nghiêm cấm lực lượng CSGT dừng, kiểm tra xử lý đối với các xe này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Bằng khẳng định, văn bản số 15842/BGTVT-VT ngày 11/12/2014 và Thông báo số 136/TB-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ GTVT không thể hiện việc đồng ý hay không đồng ý cho xe quây thành hoạt động như nội dung UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra.
Theo đó, văn bản số 15842/BGTVT-VT về việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển năm 2014 (lần 2). Nội dung văn bản ghi rõ: “Bộ GTVT đã tổng hợp các câu hỏi và kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ xin giải đáp, trả lời tại Trang thông tin điện tử Bộ GTVT (địa chỉ http:/www.mt.gov.vn). Đối với các kiến nghị nằm ngoài thẩm quyền của Bộ GTVT, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có những chính sách, giải pháp phù hợp để tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp”.
Theo kèm với văn bản số 15842/BGTVT-VT là bảng tổng hợp câu hỏi và trả lời hội nghị đối thoại. Trong đó thể hiện rõ nội dung câu hỏi của Công ty CP Cảng Quảng Ninh là: Để đạt tải trọng cho phép, tránh rơi vãi nên các xe đã phải quây thêm thành trong quá trình vận chuyển nhằm tránh rơi vãi, mất vệ sinh môi trường. Nhưng nếu thực hiện việc kiểm soát không cho xe quây thành trong quá trình vận chuyển nội bộ cảng thì không đạt được tải trọng và phải huy động nhiều xe vận chuyển cùng lúc, làm tăng mật độ xe lưu thông trong cảng gây ảnh hưởng tới an toàn, diện tích trong khai thác cũng như năng suất giải phóng tàu giảm đáng kể và làm tăng chi phí đầu tư xe cho doanh nghiệp... Do vậy, doanh nghiệp đề nghị được sử dụng xe quây thêm thành để chở các mặt hàng có tỷ trọng nhẹ trong khu vực nội bộ cảng.
Trả lời vấn đề trên, Bộ GTVT nêu rõ: “Xe cơ giới khi tham gia giao thông phải có thông số phù hợp với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để bảo bảo tính năng động học, động lực học, khả năng ổn định và an toàn giao thông.
Các tiêu chí chuẩn về thùng chở hàng của xe cơ giới đã được quy định tại Thông tư 42/2014/TT-BGTVT ngày 15/9/2014 của Bộ GTVT quy định về thùng xe của xe tự đổ, xe xi tức, xe tải tham gia giao thông.
Việc xếp hàng trên ô tô, đề nghị doanh nghiệp tham khảo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT ngày 21/10/2013 quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
Ngoài ra, nội dung trong Thông báo số 136/TB-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ GTVT cũng chỉ nêu: “Việc sử dụng xe quây thành chở các mặt hàng có tỷ trọng nhẹ trong khu vực nội bộ cảng Cái Lân; Bộ GTVT đã đồng ý tại văn bản số 15842/BGTVT-VT”.
Vụ phó Vụ Vận tải đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát, kiểm tra lại các văn bản liên quan để làm rõ vấn đề trên.
Đối với văn bản số 2251/UBND của UBND TP Hạ Long ban hành ngày 22/3/2021 về việc: “Tiếp tục cho các doanh nghiệp thực hiện việc vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu theo văn bản số 3674/UBND ngày 24/6/2016 của UBND tỉnh đối với đoạn từ hàng rào nhà máy đóng tàu Hạ Long đến Khu công nghiệp Cái Lân thuộc tuyến đường nối khu Công nghiệp Cái Lân – khu công nghiệp Việt Hưng”, Vụ phó Vụ Vận tải khẳng định đây là văn bản trái thẩm quyền và cần phải thu hồi. Bởi lẽ, tuyến đường nối khu Công nghiệp Cái Lân – khu công nghiệp Việt Hưng là tuyến đường giao thông, bất kỳ phương tiện quá tải, thay đổi kích thước thành thùng đều không được phép hoạt động. Hơn nữa đây là tuyến đường do Sở GTVT Quảng Ninh quản lý nên UBND TP Hạ Long không có thẩm quyền.
Không được cấm CSGT
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành thì nhiệm vụ, thẩm quyền của CSGT rất rộng, bao trùm cả nhiệm vụ xử lý các vi phạm luật giao thông đường bộ đối với người và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đấu tranh với hành vi xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội… Trong đó, không loại trừ trường hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông trong đường bên trong khu công nghiệp, không hạn chế khu vực đường trong khu công nghiệp thì không được kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ.
|
Xe quây thành, cơi nới thành thùng tung hoành tại khu công nghiệp Cái Lân. |
Luật sư Tùng nhấn mạnh, Khoản 1 Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, đường nội bộ cũng là đường thuộc đường bộ:
Điều 87 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về việc kiểm tra, tuần sát của cảnh sát giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
CSGT đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ.
Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Luật sư Tùng cũng cho biết, tại Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ thì CSGT đường bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm bảo vệ trật tự an toàn giao thông và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát để phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp kịp thời các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự; nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và góp phần giữ gìn an ninh, trật tự.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 4 Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT ngày 21/10/2013 quy định: “Việc xếp và vận chuyển hàng hóa phải thực hiện đúng quy định về trọng tải thiết kế của xe ô tô, tải trọng và khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường”.
Thông tư 35 cũng đã giao trách nhiệm cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này theo thẩm quyền.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Ẩn khuất trong công tác xử lý xe quá khổ, quá tải