Ông Tất Thành Cang đối diện mức án 14 năm tù

Google News

VKS nhận định bị cáo Tất Thành Cang đã tạo điều kiện cho SADECO bán cổ phần giá rẻ, gây thiệt hại của Nhà nước là 669 tỉ đồng.

Ngày 4-1, TAND TP.HCM bắt đầu tranh luận vụ án Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) cùng đồng phạm liên quan đến sai phạm tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn - SADECO.

Đại diện VKS mở đầu bản luận tội với nhận định thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung liên tục xét xử các vụ án xâm phạm tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí mà những người thực hiện hành vi phạm tội là lãnh đạo chủ chốt. Hành vi sai phạm này đã gây thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng… VKS nhấn mạnh việc đưa vụ án ông Cang và đồng phạm ra xét xử là cần thiết, không có vùng cấm.

Vai trò của bị cáo Tất Thành Cang

VKS nhận định bị cáo Tất Thành Cang với vai trò là phó bí thư thường trực Thành ủy, người có chức vụ cao nhất trong vụ án, buộc phải biết việc phát hành vốn của SADECO phải theo quy định về quản lý vốn nhà nước. Trước khi chuyển nhượng phải thông qua thẩm định giá, bán đấu giá...

Tuy nhiên, bị cáo đã bút phê “đồng ý” để phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Kim không qua đấu giá... Việc này đã tạo điều kiện cho SADECO bán cổ phần giá rẻ, gây thiệt hại hơn 1.103 tỉ đồng, trong đó thiệt hại của Nhà nước là 669 tỉ đồng.

Ong Tat Thanh Cang doi dien muc an  14 nam tu

Bị cáo Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) tại tòa. Ảnh: HY

VKS nêu quá trình xét xử, bị cáo Cang cho rằng bút phê của mình là đúng quy trình, chỉ thống nhất về chủ trương chứ không phải là chỉ đạo có tính quyết định để thực hiện việc phát hành cổ phần dẫn đến thiệt hại của Sadeco nên không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại tòa cho thấy “có đủ căn cứ xác định bị cáo là người có tầm quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành của SADECO”.

VKS dẫn lời khai của Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) về quá trình xin ý kiến, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo chỉ được phát hành cổ phần khi có ý kiến của Thành ủy. Từ đó, VKS xác định vai trò của bị cáo Cang là quan trọng nhất.

“Tại tòa, bị cáo Cang có thái độ khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi sai phạm nên cần có mức án nghiêm khắc” - VKS nêu quan điểm. Tuy nhiên, VKS cũng ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Cang như gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho TP...

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 12-14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí.

Chủ tịch và tổng giám đốc SADECO thành khẩn

Đối với bị cáo Tề Trí Dũng, VKS xác định với vai trò chủ tịch HĐQT SADECO, Dũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và ký nghị quyết thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Quá trình điều tra, xét xử, bị cáo khai không lựa chọn doanh nghiệp này làm đối tác chiến lược nếu không có sự chỉ đạo của ông Cang.

Theo VKS, bị cáo Dũng buộc phải biết việc chuyển nhượng cổ phần của Sadeco có vốn nhà nước phải qua đấu giá, xác định theo giá thị trường. Tuy nhiên, Dũng đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC (doanh nghiệp không có chức năng thẩm định), thông qua quyết định bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không qua đấu giá gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước 669 tỉ đồng.

Ngoài ra, Dũng còn đề ra chủ trương, chỉ đạo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu tổng giám đốc SADECO) và cấp dưới tổ chức chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa đi “tham quan, khảo sát” trái quy định, gây thất thoát hơn 2,1 tỉ đồng của Nhà nước.

Ngoài ra, cựu chủ tịch HĐQT Tề Trí Dũng và cựu tổng giám đốc SADECO cùng các thành viên HĐQT đã lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao, duyệt chi nhiều khoản tiền từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty trái quy định rồi chiếm hưởng hơn 4,6 tỉ đồng. Đến năm 2018, khi bị thanh tra, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới tiêu hủy chứng từ.

VKS nhận định bị cáo Dũng là người giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt các hành vi sai phạm tại SADECO.

Quá trình xét xử, bị cáo Dũng thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi và đồng ý tội danh bị truy tố, ăn năn hối cải. Số tiền tham ô không sử dụng chi tiêu cá nhân mà chi thăm hỏi, từ thiện (có giấy xác nhận) và đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền chiếm hưởng, gia đình có nhiều cống hiến…

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Dũng 11-12 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí; 9-10 năm tù về tội tham ô tài sản, tổng hợp 20-22 năm tù.

Đề nghị thu hồi tiền chi cho các cá nhân đi du lịch

Theo VKS, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc có vai trò quan trọng sau Dũng trong các hành vi sai phạm. Đồng thời, bị cáo Phúc cũng thành khẩn khai báo. Từ đó, VKS đề nghị tuyên 10-11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí; 9-10 năm tù về tội tham ô, tổng hợp 19-21 năm tù.

17 bị cáo còn lại bị VKS đề nghị tòa phạt từ hai năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 21 năm tù về hai tội danh trên.

Về trách nhiệm dân sự, VKS nêu Công ty Nguyễn Kim đã hoàn trả toàn bộ 9 triệu cổ phần cùng tiền lãi phát sinh cho SADECO. Đối với số tiền 4,6 tỉ đồng, bị cáo Tề Trí Dũng và đồng phạm tham ô đã khắc phục hết. Còn số tiền hơn 3,5 tỉ đồng thiệt hại của SADECO, trong đó có 2,1 tỉ đồng của Nhà nước chi cho các cá nhân đi du lịch, VKS đề nghị HĐXX tuyên thu hồi.


Theo Hoàng Yến/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)