Xe cơi nới thùng, thành lộng hành ở Quảng Ninh: “Cần thu hồi các văn bản"

Google News

Theo các chuyên gia pháp lý, việc tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản cho xe cơi nới thành, thùng hoạt động có dấu hiệu trái luật, cần thu hồi.

Bày tỏ quan điểm về việc Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long cho phép xe tải quây thành, cơi nới thành thùng chở dăm gỗ hoạt động trong KCN Cái Lân và tuyến đường giao thông nối KCN Cái Lân - KCN Việt Hưng, TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho rằng các văn bản trên đều có hiện tượng trái Luật Giao thông và Luật Công an Nhân dân...
"Có thể dẫn đến vấn đề tiêu cực, khuất tất"
Loạt bài “Xe cơi nới thùng, thành lộng hành ở Quảng Ninh” mà Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh đang thu hút nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia, luật sư về tình trạng xe tải quây thành, cơi nới thành thùng chở dăm gỗ được phép hoạt động và không bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý lỗi cơi nới xe vì có “lá bùa” là các văn bản do Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hạ Long ban hành.
Theo đó, các văn bản của Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh đều đồng ý cho các xe chở gỗ dăm quây thành, cơi nới thành thùng. Thậm chí, UBND tỉnh Quảng Ninh còn “yêu cầu Công an TP Hạ Long dừng ngay việc kiểm tra và không xử lý đối với các xe ô tô quây thành để chở dăm gỗ trên các tuyến đường nội bộ thuộc Khu công nghiệp Cái Lân”.
Đầu năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Hữu Nhã ký, ban hành văn bản số 2251/UBND với nội dung: “Đồng ý đề nghị của Cảng container Quốc tế Cái Lân và Cảng Cái Lân về việc tiếp tục cho các doanh nghiệp thực hiện việc vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu theo văn bản số 3674/UBND ngày 24/6/2016 của UBND tỉnh đối với đoạn từ hàng rào nhà máy đóng tàu Hạ Long đến Khu công nghiệp Cái Lân thuộc tuyến đường nối khu Công nghiệp Cái Lân – khu công nghiệp Việt Hưng”. Tức là ngoài đường nội bộ trong KCN Cái Lân mà Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thì UBND TP Hạ Long lại tiếp tục “mở đường” cho loại xe quây thành, cơi nới thành thùng hoạt động ra tuyến đường giao thông do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh quản lý.
Xe coi noi thung, thanh long hanh o Quang Ninh:
Loạt xe tải quây thành, cơi nới thành thùng được Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long cho phép hoạt động tại KCN Cái Lân và tuyến đường giao thông nối khu Công nghiệp Cái Lân – khu công nghiệp Việt Hưng.
TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, tất cả các mạng lưới giao thông đều phải tuân thủ Luật Giao thông chứ không thể nằm ngoài Bộ luật này. Khi phương tiện vận tải đã chạy ra ngoài đường, không kể là đường nội bộ hay đường giao thông thì đều phải chịu sự giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông. Trừ trường hợp Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về vấn đề an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia và có văn bản đặc biệt thì Công an mới không được kiểm tra.
“Xe chở dăm gỗ hay chở bất kỳ loại hàng hóa nào cũng không được quá tải trọng, không được quây thành, cơi nới thành thùng và phải luôn đảm bảo tính an toàn, các điều kiện bắt buộc về quy chuẩn thiết kế, đăng ký, đăng kiểm... không gây mất an toàn, cản trở giao thông” - TS. Nguyễn Xuân Thủy nói và nhấn mạnh lực lượng Công an có quyền kiểm tra các loại phương tiện này mà không bị ai ngăn cấm.
Xe coi noi thung, thanh long hanh o Quang Ninh:
TS. Nguyễn Xuân Thủy. 
TS. Nguyễn Xuân Thủy cũng cho biết, Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long hay bất cứ đơn vị, cá nhân nào cũng phải tuân thủ Luật Giao thông. Việc đưa ra các văn bản có nội dung không đảm bảo quy định chung thì có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực, khuất tất. Bộ GTVT, tỉnh Quảng Ninh không có quyền quy định riêng về đường nội bộ, cho xe quây thành, cơi nới thành thùng hoạt động.
“Không nên có những quy định riêng biệt khuất tất như vậy. Xe chở dăm gỗ nếu vi phạm giao thông thì vẫn có khả năng gây tai nạn giao thông, cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng người lái xe và người đi đường. Và đó cũng là trách nhiệm của lực lượng Công an, họ có quyền kiểm tra tất cả các loại xe đi trên đường, kể cả đường nội bộ, chỉ trừ đường quốc phòng có các văn bản đặc biệt” – chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói.
“Các văn bản trên đều có hiện tượng trái Luật Giao thông và Luật Công an Nhân dân. Có ý trốn tránh việc bảo đảm ATGT, cháy nổ phương tiện” - TS. Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng cần tuân thủ luật pháp
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, tình trạng xe vận tải cơi nới thùng xe nhằm mục đích chở thêm nhiều hàng hóa khá phổ biến. Thậm chí việc cơi nới thành thùng cũng đã trở thành một trong những nguyên nhân của các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến bị thương, tử vong cho những người xấu số khi tham gia giao thông. Thế nhưng, đó là những trường hợp tự ý vi phạm, nguyên nhân có thể cho chủ xe, tài xế chủ quan, thiếu hiểu biết pháp luật hoặc coi thường pháp luật, nhưng đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn việc xe tải quây thành, cơi nới thành thùng xe diễn ra tại cảng Cái Lân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thì “ngược lại” khi những chủ xe, tài xế này “được phép”, “được quyền” làm như vậy. Điều này thật khó hiểu vì pháp luật đã quy định về quy cách chở hàng hóa của phương tiện vận tải khi tham gia giao thông cũng như chế tài xử phạt. Cần phải xem xét tính đúng đắn của các văn bản được xem là “lệnh bài” ban cho các doanh nghiệp vận tải được phép quây thành xe chở gỗ dăm tại cảng Cái Lân.
Xe coi noi thung, thanh long hanh o Quang Ninh:
Luật sư Hoàng Tùng. 
Luật sư Hoàng Tùng dẫn giải, theo Thông tư 35/2013/TT-BGTVT quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ tại Điều 4 Quy định về nguyên tắc chung về xếp hàng hóa thì việc xếp và vận chuyển hàng hóa phải thực hiện đúng quy định về trọng tải thiết kế của xe ô tô, tải trọng và khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Tại điểm đ, khoản 3 Điều 16 quy định về “Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông”: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe ô tô tải lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, rõ ràng pháp luật đã quy định về nguyên tắc cũng như chế tài đi kèm với hành vi vi phạm khi chủ phương tiện, tài xế có hành vi cơi nới, không tuân thủ thiết kế của phương tiện vận tải. Thật khó hiểu tại sao cơ quan quản lý giao thông đường bộ cấp Trung ương (Bộ GTVT) cũng như địa phương (UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long) lại ban hành các văn bản có dấu hiệu trái quy định pháp luật?.
“Việc cơi nới phương tiện để chở hàng hóa không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể gây nguy hiểm cho giao thông đường bộ. Cơ quan ban ngành chức năng muốn “tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu trong khu vực cảng, tránh rơi vãi, hao hụt hàng của các doanh nghiệp và gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển”, vậy tính mạng của những người tham gia giao thông khác thì ai sẽ chịu trách nhiệm?. Chưa kể việc cơi nới sai quy chuẩn của phương tiện chở hàng hóa thì có giữ được vệ sinh, ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển hay không?. Cần thiết phải đặt ra câu hỏi cho việc ban hành các quyết định có dấu hiệu trái pháp luật như vậy” – Luật sư Hoàng Tùng bày tỏ.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Luật sư Hoàng Tùng, hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp áp dụng đã phải thu hồi hoặc đã ban hành và bị bãi bỏ gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Chưa kể những văn bản tồn tại lâu dài, gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc quản lý của các ban ngành quản lý xã hội khác. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm đối với những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng hoặc trái luật.
Những văn bản quy phạm pháp luật có sai xót có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, hoặc làm cho bộ máy điều hành nhà nước trở lên lúng túng. Ngoài trách nhiệm xử lý kỷ luật theo Luật Công chức, cần có chế tài xử lý hình sự và buộc cá nhân, cơ quan ban hành văn bản sai phải thức hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Bất lực với xử phạt xe quá tải
Thiên Tuấn - Đức Thuận

>> xem thêm

Bình luận(0)