Xã hội hóa để bảo tồn đa dạng sinh học

Google News

Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài để đóng góp vào các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Sáng 20/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển tổ chức Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.
Xa hoi hoa de bao ton da dang sinh hoc
 Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đất nước ta đang chứng kiến những thảm họa thiên nhiên thường xuyên và nghiêm trọng hơn như bão, lũ lụt và hạn hán. Những thiên tai này đã và đang gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và nền kinh tế của đất nước, thậm chí tính mạng con người.
Mất mát đa dạng sinh học cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Gia tăng dân số, nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đã chia cắt, phân mảnh và làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, đẩy nhiều loài động thực vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng.
Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí và rác thải nhựa ở các khu vực đô thị, đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống cũng đang diễn ra ở khu vực nông thôn khi nguồn nước và đất đai bị tác động mạnh mẽ do các phương thức canh tác lạm dụng hóa chất nông nghiệp, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững.
Xa hoi hoa de bao ton da dang sinh hoc-Hinh-2
 Hội thảo thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.
PGS, TS Phạm Quang Thao nhấn mạnh, để giải quyết các thách thức thời đại này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách từ Chính phủ. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động. Chính vì vậy, chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị các nhà khoa học cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành cùng nhau trao đổi, thảo luận để chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các kiến nghị, giải pháp, thúc đẩy các cơ chế, chính sách, nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về phục hồi thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nói về những bất cập của nguồn lực, tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển cho rằng, đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian. Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, xong các kết quả thường khó có thể đo tính được một cách cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn, chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn...
TS Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị, đầu tư cho đa dạng sinh học cần mang tính lâu dài và cần chiến lược dài hơi có tính linh hoạt cao tạo cơ hội cho tất cả các bên tham gia đóng góp, đầu tư. Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế; tạo cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.
TS Nguyễn Mạnh Hà gợi ý, các cơ chế mới có thể là các hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngoài hệ sinh thái rừng, chính sách khuyến khích đóng góp phần phụ trội thuế của cá nhân và doanh nghiệp cho đa dạng sinh học, các cơ chế chứng chỉ, tín chỉ đa dạng sinh học, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, tín dụng xanh và thiết lập các quỹ về đa dạng sinh học như: Quỹ bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, Quỹ cứu trợ loài...
Xa hoi hoa de bao ton da dang sinh hoc-Hinh-3
 Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Thực tế tại Việt Nam đã và đang có nhiều mô hình, hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ môi trường đạt kết quả tốt như: Mô hình “Câu lạc bộ môi trường” của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Phân loại rác tại nguồn, đổi rác tái chế lấy quà” của Hội Phụ nữ; Mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật” của Hội nông dân, Mô hình “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thông qua việc chủ động đầu tư thay đổi dây chuyền, công nghệ sản xuất giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng, giảm chất thải, phát thải khí nhà kính, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, kéo dài vòng đời sản phẩm, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy, xí nghiệp xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư thu gom xử lý, tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ, đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì, sản phẩm thân thiện với môi trường, tham gia hiệp hội tái chế chất thải, thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp trong thu gom, xử lý bao bì sản phẩm (EPR), nhiều doanh nghiệp tự giác chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo giảm phát thải khí nhà kính, nhiều doanh nghiệp đầu tư vốn sản xuất Điện gió, Điện mặt trời, đầu tư sản xuất bao bì sinh học tự phân hủy, thân thiện với môi trường, đầu tư dây chuyền tái chế chất thải nhựa...
Các đại biểu tại hội thảo đều cho rằng, nhờ có xã hội hóa nguồn lực của cộng đồng và doanh nghiệp mà Nhà nước đã giảm được rất nhiều chi phí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, cái được lớn nhất là làm thay đổi được nhận thức, hình thành ý thức trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cả cộng đồng.
Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động tham gia xã hội hóa. Trong đó, đa dạng hóa nội dung, phương thức truyền thông, hỗ trợ thông tin, tài liệu; tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến tham gia xã hội hóa. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động xã hội hóa nguồn lực cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học bảo đảm đồng bộ, công khai, minh bạch. Cùng với đó, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa; làm rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.
>>> Mời độc giả xem thêm video Những tác phẩm nhiếp ảnh về môi trường truyền cảm hứng năm 2022:

 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)