Dự kiến, ngày 21/3/2023, TAND tỉnh Bắc Kạn sẽ tuyên án vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các bị can Nguyễn Song Lý, Trần Thị Minh Hằng, Lâm Văn Thông, Vũ Thị Thanh Nga. Đây là vụ án đã kéo dài từ năm 2018 đến nay và thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận. Vụ án đã hai lần bị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Ngày 16/3/2023, TAND tỉnh Bắc Kạn mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên. Mở đầu phiên tòa, cả 3 bị cáo Hằng, Lý, Thông đều mong muốn HĐXX được thay đổi KSV Dương Thị Dư, vì cho rằng vị KSV này đã không hoàn thành trách nhiệm, làm sai lệch hồ sơ vụ án, không khách quan, có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng…
Bị cáo Nguyễn Song Lý đưa ra lý do, qua đối chiếu bản ghi hình có âm thanh thì nhận thấy điều tra viên Phương đã ghi sai lời khai của bị cáo , có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ nhưng Kiểm sát viên Dương Thị Dư, người được phân công thực hành quyền công tố và giữ vai trò giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật có mặt tại buổi hỏi cung cũng ký vào bản ghi lời khai của điều tra viên. Tại phiên tòa ngày 21/7/2020, khi trả lời về vấn đề này, KSV Dương Thị Dư cho : “Giữa văn nói và văn viết đôi khi khác nhau”! Bị cáo Lý cho rằng việc khác nhau giữa văn nói và văn viết làm sai bản chất sự việc, có thể đẩy người khác vào tù có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án… vì vậy bị cáo yêu cầu thay đổi KSV tại tòa. Tuy nhiên, yêu cầu này không được HĐXX chấp thuận.
|
Đại diện VKS tại tòa. |
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Kạn ban hành ngày 3/10/2022, năm 2012 bà Lê Thị Kiêm cùng chị gái là Lê Thị Lơ gặp Nguyễn Song Lý là công nhân tại Điện lực huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) để trao đổi về việc muốn xin cho cháu Lý Thị Linh (con gái bà Lơ) đi làm trong ngành Điện lực.
Sau đó Lý gặp nói chuyện và được Trần Thị Minh Hằng là công nhân điện lực TP Bắc Kạn đồng ý.
Quá trình công tác, biết Lâm Văn Thông đang công tác tại phòng Pháp chế của Công ty điện lực tỉnh Bắc Kạn, nên Hằng đã đặt vấn đề xin việc của Linh với Thông và được Thông đồng ý.
Thông tiếp tục nhờ Vũ Thị Thanh Nga (thời điểm đó Nga đang làm tại Trường ĐH Điện lực) và đã được Nga đồng ý.
Được Nga đồng ý, Lâm Văn Thông đã thông tin lại cho Hằng về việc sẽ xin cho Linh vào làm việc, biên chế chính thức trong ngành điện tại tỉnh Cao Bằng. Hằng tiếp tục truyền đạt lại cho Lý, đồng thời yêu cầu Lý thu của gia đình người xin việc số tiền 200.000.000 đồng. Sau đó Lý thống nhất với bà Kiêm và bà Lơ giá tiền xin việc là 230.000.000 đồng.
Theo thỏa thuận, ngày 19/9/2012, bà Kiêm và bà Lơ cầm số tiền 170.000.000 đồng đến nhà Lý, Lý sau đó đã viết giấy vay nợ và hẹn trong vòng 3 tháng thì trả để làm tin. Ngày 24/12/2012, gia đình Linh tiếp tục đưa thêm 60.000.000 đồng
Ngày 26/9/2012, lý ra ngân hàng chuyển 190.000.000 đồng cho Hằng, số tiền còn lại Lý giữ lại coi như tiền công, sử dụng vào việc cá nhân. Ngày 12/11/2012, Hằng đưa 180.000.000 đồng cho Thông và giữ lại 10.000.000 đồng, sau đó Thông ra ngân hàng chuyển hết số tiền trên cho Nga (hai lần chuyển).
Tháng 5/2014, Linh được Công ty Điện lực tỉnh Cao Bằng gọi đến để ký hợp đồng thử việc khoán việc ba tháng một lần, được phân công tại điện lực huyện Bảo Lâm. Do lâu không được ký hợp đồng chính thức, bà Kiêm cùng gia đình nhiều lần đã có ý kiến với Lý nhưng chưa được giải quyết.
Đến năm 2017, Công ty Điện lực tỉnh Cao Bằng thông báo hiện không còn nhu cầu ký hợp đồng khoán việc, nên công ty không tiếp tục ký hợp đồng khoán việc với Linh.
Thấy Linh không được đi làm như thỏa thuận với Lý, bà Kiêm và bà Lơ đã nhiều lần đến tìm gặp Lý để đòi lại số tiền 230.000.000 đồng nhưng không được. Ngày 18/4/2018 bà Kiêm đã làm đơn trình báo ra cơ quan CSĐT Công an huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
Quá trình làm việc tại cơ quan công an, Lý và Hằng đã nộp lại số tiền đã giữ trước đó. Nga sau đó cũng đã nhờ người chuyển lại số tiền 180.000.000 đồng cho bà Kiêm.
Theo kết luận của cáo trạng, mặc dù không có nhiệm vụ về công tác tuyển dụng, nhưng những người trên đã đưa ra thông tin không có thật là xin được việc làm hợp đồng không thời hạn cho Linh. Hành vi của các bị can là vi phạm quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền quản lý tài sản cá nhân, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương.
Trong phần thẩm vấn, TS.Luật sư Trần Đình Triển đặt nhiều câu hỏi với điều tra viên Hà Anh Tuấn (Công an huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn). Mặc dù là điều tra viên của vụ án, song đa số câu hỏi của luật sư đặt ra điều tra viên đều trả lời “tôi không nhớ”!
|
Luật sư Trần Đình Triển đặt nhiều câu hỏi với ĐTV Hà Anh Tuấn nhưng ĐTV đa phần trả lời "tôi không nhớ!". |
Tại phần tranh luận, luật sư Đặng Xuân Cường, một trong bốn luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Song Lý và Trần Thị Minh Hằng bày tỏ quan điểm, dựa trên các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, về sự thật khách quan, cùng với bản chất quan hệ mà phía các bị cáo thiết lập với gia đình bà Lê Thị Kiêm thì có thể khẳng định đây chỉ là một mối quan hệ pháp luật dân sự về việc nhờ và nhận xin việc cho nhau.
Bản thân quan hệ này không hề vi phạm bất cứ điều cấm nào của pháp luật, thực tế KSV đã không viện dẫn được bất cứ quy định nào rằng các bị cáo đã vi phạm, chỉ nói chung chung rằng “các bị cáo không có chức năng nhiệm vụ mà nhận tiền của gia đình nạn nhân, như vậy là gian dối”. Điều này hoàn toàn không đúng với sự thật khách quan.
|
Luật sư Đặng Xuân Cường tranh tụng tại phiên tòa. |
Về những chứng cứ, chứng minh tội phạm có trong vụ án này, phía cơ quan công an điều tra, VKS không thu thập được bất cứ chứng cứ vật chất nào để khẳng định bị cáo Nguyễn Song Lý có cam kết với bà Lê Thị Lơ rằng xin việc cho Linh bằng hợp đồng dài hạn hoặc viên chức.
Dù cơ quan công an đã khởi tố vụ án, tuy nhiên trong văn bản đối chất vẫn ghi bị cáo Lý và Hằng chỉ là bị đơn, các bị cáo chưa được giải thích quyền và nghĩa vụ cho các bị cáo theo quy định tại điều 61, của Bộ luật Tố tụng Hình sự thay vì giải thích cho các bị cáo theo quy định tại Điều 57 của bộ luật này.
“Đó là sự xâm hại nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”- LS Cường khẳng định.
Ngoài ra, tại bút lục số 128, do cơ quan CSĐT thu thập được đối với bà Hứa Thị Vẹn, người tiếp nhận hồ sơ xin việc của chị Linh ban đầu vào làm việc có trình bày như sau: “Vào cuối năm 2017, Linh đến gặp tôi và trình bày rằng cháu sắp sinh đứa thứ hai, nên không thể tiếp tục làm hợp đồng được nữa, cho cháu được thanh lý làm hợp đồng. Tôi có báo cáo trình lãnh đạo sau đó ký thanh lý hợp đồng”.
Do đó, có đủ căn cứ bị hại đã tự nguyện xin thôi việc, đây là sự khước từ một cơ hội công việc trong tương lai. Do đó lỗi hoàn toàn không nằm ở bị cáo Lý.
“Với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, cũng như đại diện VKS đưa ra không đủ buộc tội các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản”- LS Cường trình bày.
|
TS. Luật sư Nguyễn Văn Điệp tranh luận tại tòa. |
Luật sư Trương Anh Tú tranh luận thêm: “Đây là loại hợp đồng dịch vụ khoán việc, một loại hợp đồng dân sự, hai bên cùng có nghĩa vụ với nhau. Yếu tố tiền ở đây đương nhiên phải xuất hiện trong hợp đồng song vụ, do vậy nếu nói cứ có tiền ở đây là vi phạm pháp luật thì điều này không thỏa đáng. Ở Việt Nam có rất nhiều vụ án vấn đề nhận tiền chạy việc, nhưng lại bùng, không giúp cho người xin việc đi làm được. Nhưng đây là vụ án đã đi làm, thì không thể buộc tội được các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều phủ nhận việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bản thân bị hại đã đi làm được hơn ba năm sau đó tự ý xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị phạt ba bị cáo Lý, Hằng, Thông hình thức phạt tù bằng thời gian tạm giam; bị cáo Nga từ hai đến ba năm tù với cùng tội danh nêu trên. Dự kiến, ngày 21/3/2023, TAND tỉnh Bắc Kạn sẽ tuyên án.