Đánh cờ thành đánh bạc?
Ngày 26/1/2021, TAND TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) sẽ mở lại phiên tòa xét xử vụ án “đánh bạc” sau nhiều lần hoãn xử kéo dài hơn 2 năm.
Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Long (SN 1969) - một trong những bị cáo của vụ án cho biết, suốt hơn hai năm qua, việc bỗng nhiên bị cơ quan điều tra kết tội “gá bạc” và “đánh bạc” khiến cuộc sống của ông và 6 người khác bị đảo lộn hoàn toàn. Do không thể đi khỏi nơi cư trú làm ăn nên cuộc sống gia đình ngày càng kiệt quệ.
Theo ông Long, vào khoảng 3h ngày 12/10/2018, trong căn nhà của mình tại tổ 36, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang, ông cùng với ông Nguyễn Xuân Thế ngồi đánh cờ tướng. Lúc này, các ông Cao Duy Khánh, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Duy Thảo, Trương Ngọc Dũng và Lê Công Tuân cũng có mặt, có người ngồi xem, có người nằm ngủ thì bị Công an TP Tuyên Quang ập vào kiểm tra.
Lực lượng công an đã khám người, thu hết tiền của 7 người và cho vào từng phong bì. Ông Phạm Thanh Tâm, Phó trưởng Công an TP Tuyên Quang (hiện là Trưởng công an huyện Chiêm Hóa) xuống tầng một rồi gọi từng người xuống ký vào biên bản bắt người phạm tội quả tang “đánh bạc” do ông Nguyễn Ngọc Trãi (cán bộ Công an TP Tuyên Quang) viết biên bản.
Lúc này, có các ông Triệu Kim Thúy (tổ phó tổ nhân dân 36) và ông Đỗ Mạnh Hùng (cán bộ phường Minh Xuân) tham gia với tư cách người làm chứng.
Ngay khi lập biên bản, ông Thảo, ông Thế không ký vào biên bản và khẳng định mình không có hành vi đánh bạc. Trong khi đó, ông Tuân, ông Nghĩa và ông Dũng ký vào biên bản nhưng ghi ở dưới với nội dung “Tôi không đồng ý”. Sự việc xảy ra có sự chứng kiến của hai nhân chứng là ông Triệu Kim Thúy (tổ phó tổ 36) và ông Đỗ Mạnh Hùng (cán bộ phường Minh Xuân, hiện ông Hùng đã qua đời).
|
Bị cáo Long cùng các bị cáo gửi đơn cầu cứu đến Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Viện kiểm sát nhân dân tối cao) |
Tại phiên xét xử ngày 16/7/2019, ông Long cùng các bị cáo đều một mực cho rằng mình không “đánh bạc”, việc truy tố các bị cáo với tội danh trên là oan sai.
Ông Lê Công Tuân cho biết, theo biên bản phạm tội quả tang được lập vào hồi 3h30 ngày 12/10/2018 mà ông đã ký dù ghi vào nội dung “tôi không đồng ý” là do điều tra viên Nguyễn Ngọc Trãi lập, nhưng biên bản này lại không thấy trong hồ sơ vụ án, thay vào đó lại xuất hiện biên bản phạm tội quả tang do điều tra viên Nguyễn Đức Anh lập.
“Biên bản do điều tra viên Đức Anh lập là hoàn toàn không chính xác, có dấu hiệu ngụy tạo, thời điểm lập biên bản điều tra viên Đức Anh không có mặt tại hiện trường. Biên bản của ông Đức Anh đưa ra khác hoàn toàn biên bản ông Nguyễn Ngọc Trãi lập và chúng tôi đã ký. Về sự sai lệch này, chúng tôi đã lập biên bản xác nhận ngày 6/7/2019, có chữ ký xác nhận của ông Triệu Kim Thúy (tổ phó tổ nhân dân 36) và ông Đỗ Mạnh Hùng (cán bộ phường Minh Xuân) và chúng tôi đã gửi cho TAND TP Tuyên Quang”, ông Tuân nói.
Thậm chí, ông Long còn tố cáo cơ quan điều tra cố tình hợp thức hóa hồ sơ khi biên bản khám xét nhà ông vào hồi 5h30 ngày 12/10/2018 đã bị làm giả vì bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Xuân không có mặt tại nhà ông ở thời điểm khám xét mà vẫn ký nhận là người tham gia.
Tuy nhiên, cả cơ quan điều tra và VKSND TP. Tuyên Quang đều phủ nhận những nội dung tố cáo trên mặc cho những người làm chứng từng được họ mời đến ký xác nhận đều “đồng quan điểm” với các bị cáo.
Theo đó, Cảnh sát điều tra và VKSND TP. Tuyên Quang cho rằng: “Người lập biên bản bắt người phạm tội quả tang là cán bộ Nguyễn Đức Anh, có ông Đỗ Mạnh Hùng, cán bộ phường UBND phường Minh Xuân và ông Triệu Kim Thúy, tổ phó tổ nhân dân 36 là người chứng kiến…Điều tra viên Nguyễn Ngọc Trãi không lập biên bản bắt người phạm tội quả tang tại nhà ông Long”.
“Biên bản khám xét hồi 5h30 phút ngày 12/10/2018 tại gia đình ông Trần Ngọc Long do điều tra viên Nguyễn Quang Chiến lập biên bản, có sự chứng kiến của ông Triệu Kim Thúy. Còn bà Nguyễn Thị Hạnh không phải là người trực tiếp chứng kiến việc thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại nhà ông Trần Quang Long, việc bà Hạnh ký và đóng dấu vào biên bản khám xét với tư cách là người đại diện cho chính quyền địa phương xác nhận ông Đỗ Mạnh Hùng và ông Triệu Kim Thúy được Chủ tịch UBND phường Minh Xuân cử phối hợp với công an thành phố…”, VKSND TP. Tuyên Quang lý giải.
Có lẽ, những người làm chứng như ông Triệu Kim Thúy đang phải “quay cuồng” và cảm thấy bị “vượt mặt” khi hình ảnh điều tra viên Nguyễn Ngọc Trãi ngồi “sừng sững” trước mặt để viết biên bản trong ngày 12/10/2018 lại bị “biến mất” thay vì điều tra viên Nguyễn Đức Anh như lời khẳng định của cơ quan điều tra, VKS.
Nhưng người “chạnh lòng” hơn có lẽ là bà Nguyễn Thị Hạnh khi thừa nhận “đang ở nhà và nghe công an kể lại rồi ký xác nhận”.
Điều tra viên thừa nhận không bắt “quả tang”
Để chứng minh nội dung tố cáo cơ quan điều tra và VKSND TP. Tuyên Quang cố tình làm sai hồ sơ vụ việc, ông Nguyễn Duy Thảo đã cung cấp cho PV đoạn ghi âm nói chuyện qua điện thoại giữa ông và điều tra viên Nguyễn Quang Chiến (nay là Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an TP. Tuyên Quang). Trong đoạn ghi âm, ông Chiến có nói: “Quả tang thì không có”.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Duy Thảo cũng đã cung cấp cho HĐXX một đoạn ghi âm mà theo bị cáo là cuộc nói chuyện giữa bị cáo với điều tra viên Nguyễn Đức Anh. Đoạn ghi âm nói về việc điều tra viên Nguyễn Đức Anh đã yêu cầu bị cáo Thảo ký vào một biên bản phạm tội quả tang khác trong quá trình bị tạm giữ. Lý do được điều tra viên Đức Anh đưa ra là biên bản này không khác biên bản trước (biên bản do ông Nguyễn Ngọc Trãi lập).
Trong khi đó, bị cáo Lê Công Tuân cũng cho rằng, tại các biên bản lấy lời khai, mặc dù bị cáo Tuân chưa bao giờ gặp đại diện Viện KSND TP Tuyên Quang là ông Phạm Mạnh Cường nhưng tại các biên bản trong hồ sơ vụ án lại có chữ ký của ông Cường nên đã đề nghị HĐXX làm rõ.
Cuộc nói chuyện với kiểm sát viên Phạm Mạnh Cường cũng đã được bị cáo Tuân ghi âm, lưu vào chiếc USB.
|
Quyết định trả hồ sơ vụ án của TAND TP. Tuyên Quang vì xét thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trong thủ tục tố túng |
Theo kết luận số 4925/C09-PC ngày 15/11/2019 của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đối với giọng nói trong chiếc USB mà bị cáo Lê Công Tuân cung cấp không có dấu hiệu cắt ghép, làm thay đổi nội dung ghi âm trong các tệp tin ghi âm mẫu cần giám định. Tất cả các tiếng nói trong đoạn ghi âm đều đúng với tiếng nói của ông Nguyễn Duy Thảo, Lê Công Tuân (bị can), Nguyễn Đức Anh (điều tra viên), Phạm Mạnh Cường (kiểm sát viên).
Bị cáo Nguyễn Duy Thảo cho biết, từ khi vụ án bị khởi tố và đưa ra xét xử đã có 13 lần ra tòa và hoãn. Đặc biệt, ngày 14/10/2020, TAND TP. Tuyên Quang có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì xét thấy “Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra và có phát sinh tình tiết mới tại phiên tòa sơ thẩm mà HĐXX không làm rõ được”. Đồng thời, TAND TP. Tuyên Quang đề nghị VKS “Có việc lập lại biên bản bắt người phạm tội quả tang hay không?”; “Làm rõ lý do việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang nhưng không thể hiện diễn biến quá trình bắt và không đề cập đến tài liệu, đồ vật của vụ án”.
Luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng luật sư Vì Dân (người bào chữa cho các bị cáo) cho biết, đây là vụ án không có hành vi phạm tội. Bởi vì, cái gọi là bắt quả tang là khi các bị cáo đang ngủ và trên chiếu bạc không thu được tiền là không hợp lý.
"Biên bản phạm pháp quả tang được cơ quan công an lập tại nhà bị cáo Long, sau đó được lập lại bằng một biên bản khác ở một địa điểm khác. Đây là dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án nhằm khởi tố, truy tố oan sai đối với các bị cáo", luật sư Triển nhấn mạnh.
Theo luật sư Triển, hiện nay, các bị cáo đã có đơn tố cáo đối với hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, VKS TP. Tuyên Quang đến Cục điều tra của VKSND tối cao.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo cáo trạng, các đối tượng đã đánh bạc bằng hình thức chơi xóc đĩa ăn tiền tại nhà ông Long và bị tổ công tác Công an TP Tuyên Quang phát hiện, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang vào khoảng 3h ngày 12/10/2018, tạm giữ tổng số tiền là 44.870.000 đồng. Đến khoảng 5h30 ngày 12/10/2018, cơ quan công an lập biên bản khám xét khẩn cấp nhà ở của ông Long và tạm giữ 1 bát sứ, 1 đĩa sứ, 4 quân vị hình tròn, 1 chiếu nhựa, 32 quân cờ, 1 bàn cờ tướng… Quá trình điều tra xác định được số tiền các bị cáo sử dụng vào việc đánh bạc là 13.070.000 đồng.