Vi phạm về SGK thế nào khiến lãnh đạo NXB Giáo dục bị cảnh cáo?

Google News

Ông Nguyễn Đức Thái vi phạm chính sách pháp luật trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.Ông Nguyễn Đức Thái bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Vi pham ve SGK the nao khien lanh dao NXB Giao duc bi canh cao?
 Ông Nguyễn Đức Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 
Theo đó ông Nguyễn Đức Thái có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới.
Ông Nguyễn Đức Thái cũng được kết luận đã mắc khuyết điểm và sai phạm khác như: Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói chung cũng như quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng và có một số vấn đề cần kiểm tra, làm rõ.
Trước đó, khi dư luận lùm xùm những bất thường về hoạt động kinh doanh của NXB Giáo dục Việt Nam, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2021, cơ quan chức năng đang thanh tra nhiều hoạt động của đơn vị này do có nhiều bất thường về hoạt động kinh doanh.
Nhà xuất bản Giáo dục là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Nhà xuất bản cũng có những vấn đề cần kiểm tra, làm rõ. Vì vậy, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục nói chung và quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%. Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa và các ấn phẩm phục vụ giảng dạy, học tập.
Mặc dù là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định phải công bố thông tin định kỳ, về chiến lược phát triển; kế hoạch sản xuất, đầu tư; báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng...
Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị cách đây ba năm từng tuyên bố nắm 60-70% thị phần phát hành sách cả nước - đã không công bố báo cáo tài chính năm 2020, 2021; kế hoạch kinh doanh năm 2021, 2022 trên website lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giai đoạn trước từ 2016-2020, Nhà xuất bản cũng không công bố các báo cáo này dù có tóm lược số liệu tài chính.
Mới đây, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã công bố "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021", với nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, theo báo cáo, năm 2021, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu hơn 1.828 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ hoạt động phát hành sách (sách giáo khoa, sách tham khảo, xuất bản phẩm khác...) chiếm tới 97%, phần còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.
Đơn vị này gặt hái được lãi ròng sau thuế tới 287 tỷ đồng, tương đương cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và đào tạo (cơ quan chủ quản) giao cho. Đây cũng là mức lợi nhuận cao, vượt qua con số dao động bình quân từ 120 - 150 tỷ đồng của những năm trước.
Về khả năng sinh lời, nhà xuất bản có tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là gần 40%, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) đạt gần 18%. Với các chỉ số này, phía nhà xuất bản cho rằng: "Hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2021 Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam hiệu quả".
Bên cạnh đó, cả 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do nhà xuất bản này nắm quyền chi phối đều báo lãi, với tổng cộng 46 tỷ đồng.
Trước đó, khi chưa thực hiện thay sách giáo khoa mới, năm nào Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng báo cáo lỗ khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Từ năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giá sách giáo khoa mới tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần. Năm nay, mức giá sách giáo khoa cho các lớp 3, 7 và 10 cũng cao hơn 2 - 3 lần so với các bộ sách cũ.
Trong "Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021", Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hé lộ mức thu nhập khủng của dàn lãnh đạo đơn vị này.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận mức lương 544,3 triệu đồng/năm cộng với khoản 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hiểu đúng về sách giáo khoa trong chương trình mới:

(Nguồn: VTV1).


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)