Đó là câu chuyện “đổi tình ái lấy biên chế” ở tận Tây Nguyên xa xôi giữa một cô giáo hợp đồng và anh Hiệu phó một trường tiểu học. Vì mong muốn được vào biên chế chính thức mà cô giáo hợp đồng này phải chiều lòng anh Hiệu phó. Song, khi muốn chấm dứt “hợp đồng tình ái” này thì cô bị khủng bố bằng cách hình ảnh nhạy cảm của mình bị tung lên mạng, bị đánh, bị đe dọa,...
|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Vụ việc này là đỉnh điểm của tình trạng “chạy” biên chế vào ngành Giáo dục, trước nay, dư luận lúc âm ỷ, lúc sôi sục, đề cập đến khoản tiền cho một suất hợp đồng hay biên chế giáo dục và hầu như ai cũng biết là không có tiền thì đừng mong làm giáo viên.
Thực trạng thấy rõ, không thể che giấu, xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau là người ta tuyển hàng trăm giáo viên vào làm hợp đồng rồi sau đó “cắt” hợp đồng rồi lại tuyển tiếp. Đời ông Chủ tịch huyện sau sẽ xóa “thành quả” của người tiền nhiệm và tạo khoảng trống nhân sự để ông ta ký hợp đồng tiếp.
Không ít các giáo viên hợp đồng bị đẩy ra khỏi cổng trường trong tình trạng “tiền mất, tật mang” và để lại các hệ lụy xấu cho xã hội phải giải quyết. Vị thế của một giáo viên đứng lớp hết sức mong manh.
Câu chuyện “đổi tình ái lấy biên chế” này là sự tiếp nối một tình trạng đã quá ư quen thuộc trong ngành Giáo dục là “đổi tình lấy điểm” đã làm dư luận bức xúc một thời gian dài. Tuy nhiên, câu chuyện này khác ở chỗ hành xử đê tiện của người được gọi là thầy, hơn nữa, lại là một vị Hiệu phó. Đó là một hành vi tráo trở, tống tình, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của đồng nghiệp. Hành vi này cũng chứng tỏ sự xuống cấp đạo đức của người thầy đã chạm đến đáy. Rất đáng báo động!
Câu chuyện này đã như một giọt nước làm tràn ly nỗi buồn có tên “biên chế giáo dục” và buộc phải xem xét cách quản lý nhân sự của ngành này. Trải qua một quá trình đào tạo những người thầy tương lai một cách quá dễ dàng, những ai không có khả năng theo học ở ngành khác thì đều có thể vào sư phạm.
Có cả những cơ sở không có chức chức năng đào tạo sư phạm mà vẫn chiêu sinh, đại học sư phạm được mở đến các Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện, các cô mẫu giáo làng có trình độ cử nhân không phải là ít,...
Vì thế, cung nhiều hơn cầu làm cho tình trạng chen chân, xếp hàng, mai phục, chạy chọt,... xảy ra là điều tất yếu. Và, tất yếu nữa là trình độ, phẩm chất cần phải có của một ông thầy đâu có được coi trọng trong khâu đào tạo cũng như tuyển chọn dẫn đến đạo đức người thầy xuống cấp, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, hình ảnh người thầy bị méo mó, ít được xã hội tôn trọng như truyền thống xưa kia.
Một điều nữa là trong quy định của pháp luật thì chỉ những người quản lý giáo dục là công chức, thuộc biên chế nhà nước, các giáo viên là viên chức theo hợp đồng làm việc, nhưng dường như quy định này không được áp dụng triệt để khiến “biên chế” trở thành bảo bối, quyền lợi đến nỗi khi chỉ có ý định thí điểm bỏ biên chế (để làm đúng theo pháp luật quy định) mà đã bị phản ứng dữ dội rồi.
Nghề thầy giáo khác biệt hoàn toàn với các nghề khác bởi kiến thức và phẩm chất, trình độ và đạo đức song hành, làm nên giá trị của nghề nghiệp được coi là “cao quý”. Không đủ những tiêu chí đó làm sao có thể thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy là đào tạo nên thế hệ mai sau!