|
Giáo dục nghệ thuật là tạo niềm vui cho trẻ em.
|
Người ta, tức là chúng ta gồm giáo viên, học sinh, phụ huynh, quan chức và dân thường, các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học đang soạn sách và các nhà báo đang điều tra và bình luận, suốt mấy năm qua liên tục than phiền về các bất cập giáo dục do không chịu đổi mới gì cả nhưng đồng thời bất kỳ một cải tiến nào khi được nêu ra và nhất là khi bắt đầu thực hiện thì cũng chính chúng ta lại đồng loạt chỉ trích, thậm chí kêu gọi quay về như cũ dưới khẩu hiệu: “Chúng tôi không phải là chuột bạch!”.
Tình trạng giật cục tiến một bước lùi một bước, tưng tưng tại chỗ này còn được khuếch đại méo tiếng đi bởi truyền thông và mạng quá hăng hái bức xúc. Không phải người sắt, siêu nhân khó mà chịu nổi áp lực bùng nhùng này và chắc chắn chúng ta đang và sẽ cùng thua trong “trận đánh lớn”. Mới rao lên cần học tích hợp lập tức môn sử bị cho là bị khai tử, đòi quay lại nhồi thêm các số liệu, sự kiện và bài học nâng nó lên ngang với văn, toán vì lịch sử dân tộc rất vẻ vang và ta đang phải quyết liệt bảo vệ chủ quyền! Thế là hết bàn cãi. Cần phổ cập tiếng Anh, dạy bằng tiếng Anh nhưng sách song ngữ vừa ra lập tức bị đả phá kịch liệt. Cần nhiều nhóm biên soạn sách giáo khoa nhưng lập tức sách mới bị ném đá. Giảm tải bằng cách nhận xét nhiều hơn cho điểm thì cả một dàn đồng ca ba bè: phụ huynh, giáo viên và “người khác” đòi quay lại cho điểm vì học sinh sẽ lười hơn, giáo viên khổ hơn và phụ huynh không biết con mình học được cái gì. “Ông thành phố” quyết cho trẻ con nghỉ hè đủ 3 tháng để vui chơi nhưng “Ông Bộ” vẫn cho tựu trường sớm, con trẻ vẫn sẽ học thêm 1,5 tháng để giáo viên có thu nhập mà không mang án dạy thêm! Lý do chính đáng đơn giản là không ai tổ chức cho chúng vui chơi được và phụ huynh thích đưa đón con hơn để chúng ở nhà không thể quản nổi… Trong hệ thống GDĐT này sức ỳ và mâu thuẫn quyền lợi mọi bên quá lớn để có thể cải cách. Tình trạng hệt như việc cải tạo các chung cư tăm tối bẩn thỉu, sắp đổ sập ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Rõ là khổ, là nguy hiểm là phải thay đổi nhưng phương án nào cũng không “khả thi” và tối ưu tạm thời là cứ ở nguyên như cũ!
Đơn cử việc “nhỏ và dễ” nhất là việc dạy nhạc họa cho trẻ con. Mấy năm trước rầm rộ phản bác kêu than về sự vô bổ, vô lý, phản giáo dục của chương trình hành trẻ, lãng phí, ảo tưởng, bắt mọi trẻ con thành nhạc sĩ, họa sĩ với các bài tập mà “bố chúng nó cũng không làm nổi”. Giờ lại thống thiết không kém về việc “Con tôi chẳng học được gì, không biết nhạc cũng chẳng biết vẽ. Giờ nhạc họa chỉ là giờ chơi, dạy hình thức, cho có”. Thầy cô nhạc họa lại đòi thêm giờ để nhồi thêm kiến thức và rèn thêm kỹ năng. Cả hai lần hai bên đều cũng đúng có điều cả hai lần trẻ con đều chán (môn này). Khi môn văn thuần tính tuyên giáo và lịch sử, hoàn toàn mờ nhạt về “cái đẹp”, thì nhạc họa là môn mỹ dục duy nhất, quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách, phát hiện chính mình, là chính mình của học sinh. Ngoài xã hội đã xuất hiện và bùng phát nhu cầu giáo dục nghệ thuật với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, di sản, quảng bá nhãn hàng, vui chơi giải trí… cho người lớn và trẻ con. Nhà trường đang tụt hậu về mặt này. Môn học Nhạc họa nên được cải tiến thành môn chơi Giáo dục nghệ thuật đúng nghĩa, ít nhất ngang với môn Giáo dục công dân bởi môn chơi này giúp hình thành nhân cách, phẩm chất, đạo đức, nâng chất lượng sống của học sinh lên… Mục đích không phải kiến thức, kỹ năng mà niềm vui, cảm xúc và giải trí, tự phát hiện và hòa nhập cộng đồng. Dạy chơi, tổ chức chơi, dụ được trẻ chơi khó hơn nhưng thiết thực hơn so với dạy kiến thức và rèn kỹ năng. Người lớn cần công nhận trẻ em là những người bé đang có cuộc sống hàng ngày của riêng họ không phải là cầu thủ dự bị của tương lai hay bán thành phẩm cần được thiết kế thành người lớn “hoàn chỉnh”.
Chuyện ngay tháng này là hãy biến 3 tháng hè thành 3 tháng chơi, ba tháng mỹ/ thể dục, ba tháng của các câu lạc bộ: đá banh, tập võ, đánh cờ, e-sport, vẽ nặn, ca múa, diễn kịch... Mỗi trường cùng phụ huynh cần nghiêm cấm dạy khoa học tự nhiên xã hội trong hè, chỉ tổ chức các CLB thể mỹ tại mỗi trường, khuyến dụ bằng được con em tham gia tùy theo sở thích mỗi đứa. Giáo viên mọi môn đều tăng kỹ năng tổ chức các CLB, các cuộc chơi cho chúng. Thể mỹ thiết thực thì giáo viên vẫn có thu nhập, phụ huynh vẫn đưa đón con và an tâm, còn trẻ con sẽ đỡ bệnh chán, chán văn, chán toán, chán sử, chán nhạc họa hay chán cả hè…!