Vỉa hè như miếng bánh ngọt, khó tránh “kiến bu, ruồi bậu”
“Dẹp loạn vỉa hè” - chuyện tưởng như đã cũ và nhiều người cho rằng đó là chuyện không dễ dàng nhưng cũng không phức tạp như việc dẹp những công trình sai phạm. Nhưng mới đây, câu chuyện Phó chủ tịch UBND Quận 1, TP HCM, ông Đoàn Ngọc Hải đích thân xuống đường với thái độ kiên quyết đập bỏ, tháo dỡ những công trình, đồ vật lấn chiếm vỉa hè lại khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Và chuyện giành lại vỉa hè cho người đi bộ bỗng trở nên vô cùng nóng bỏng.
Nếu ở TP HCM câu chuyện “dẹp loạn vỉa hè” chỉ nóng ở mức “toát mồ hôi” thì mới đây tại Hà Nội, việc giành lại vỉa hè ở mức “mồ hôi đẫm áo”, “tim đập chân run” khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung trong hội nghị quán triệt kế hoạch của thành phố về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm trật tự giao thông, đô thị sáng 4/3 đã tiết lộ những thông tin “động trời”.
|
Cảnh "dẹp loạn vỉa hè" ở TP Hà Nội. |
Nhiều người không “tim đập chân run, mặt mày tái nhợt” sao được khi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung công khai chỉ thẳng tình trạng quán bia, bãi đỗ xe có người “chống lưng”, mà còn cảnh báo cấp dưới sẽ bị “nhấc đi chỗ khác” nếu không duy trì được trật tự đô thị.
Câu nói thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung “Ngày tôi còn làm Giám đốc công an, tôi đã thống kê 180 quán bia vỉa hè thì có 150 quán là có công an đứng đằng sau. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch ngồi đây có dám cam đoan với tôi là không có bãi đỗ xe của người nhà không? Có đấy, đều có cả” chắc hẳn khiến nhiều người “sốc”. Bởi có những việc ai cũng biết nhưng ít ai dám làm, dám nói thẳng thắn như vậy.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiên quyết: “Nếu lần này không làm, tôi sẽ chỉ đích danh từng người, chỗ nào có Bí thư, Chủ tịch nào, chỗ nào có trưởng phường, kể cả lãnh đạo Sở cũng có người nhà…” và câu nói quy thẳng trách nhiệm: “Chủ tịch UBND quận, Trưởng Công an quận, Chủ tịch các phường, Trưởng Công an phường phải chịu trách nhiệm chính. Nếu không triển khai nghiêm túc, làm không hiệu quả, làm không kiên trì để tái lấn chiếm, các đoàn kiểm tra công vụ của TP mà phát hiện lần thứ 3 sẽ xem xét trách nhiệm”. Những câu nói thẳng thắn ấy sẽ khiến nhiều người giật mình đến “thót cả tim gan”. Bởi xung quanh câu chuyện “dẹp loạn vỉa hè” tưởng như khá dễ dàng nhưng lại vô cùng phức tạp.
Nói như chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội), Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: “Vỉa hè là miếng bánh ngon nhất trong các miếng ngon, ví dụ như chỉ trông một cái xe thôi đã thu 30 ngàn đồng/lượt, và người ta thường nói vui, phường nào có nhiều vỉa hè buôn bán sầm uất thì phường đó không nghèo”.
Còn nạn “bảo kê”, “chống lưng” thì khó “dẹp loạn vỉa hè”
Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung công khai khẳng định hơn trăm cơ sở kinh doanh bia hơi đều có người “chống lưng”. Ngay bản thân ông Chung thời làm giám đốc công an cũng đã thống kê 180 quán bia ở vỉa hè, có hơn 150 quán bia có công an đứng sau và hơn nữa là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nếu lần này không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, sẽ chỉ đích danh những bí thư, chủ tịch quận, huyện bảo kê cho sai phạm… đã bộc lộ một thực tế “dẹp loạn vỉa hè” không khó nếu tiên quyết dẹp những “thế lực bảo kê, chống lưng cho sai phạm”.
Phát ngôn của ông Nguyễn Đức Chung khiến nhiều người dân cảm thấy phấn chấn trước sự thẳng thắn quyết tâm của ông. Nhưng vẫn còn nhiều người băn khoăn khi cho rằng, thời điểm ông Nguyễn Đức Chung làm giám đốc CATP Hà Nội, ông biết có nạn chống lưng ấy mà im lặng đến tận bây giờ mới nói ra? Hay là ông cũng từng phải cân nhắc, từng phải e dè khi ở cương vị trước chưa thể chỉ thẳng mặt, nói thẳng thắn “những nhóm lợi ích” đan xen nhau trên vỉa hè đường phố như bây giờ?
Clip lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung:
Nói về những phát ngôn thẳng thắn của ông Nguyễn Đức Chung, một luật sư cho biết: “Tôi rất thích bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung. Bởi ít có bài phát biểu nào chi tiết, cụ thể rõ ràng và chân tình như vậy. Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói thật sẽ luôn tạo cảm giác rất ổn. Qua những lời nói, hành động, ông Chung cho thấy đang cố làm cái gì có tốt nhất cho dân. Chỗ nào làm được là làm rất mạnh để dẹp dần những chỗ khác. Nhiều ý kiến nói đến việc khi ông Nguyễn Đức Chung làm Giám đốc CATP Hà Nội không nói thẳng như bây giờ nhưng phải xét ở thời điểm đó, cái gì cũng phải có lý do của nó”.
Còn chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định: “Chủ trương của UBND TP Hà Nội là đúng nhưng giờ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới thẳng thắn, cương quyết là hơi muộn. Bởi ông Nguyễn Đức Chung trước đây cũng là Giám đốc công an TP, cũng hiểu hết những điều công khai diễn ra trên vỉa hè và “thế giới ngầm” đằng sau câu chuyện vỉa hè.
Bản thân tôi đã từng cảm thấy đau đớn khi một chuyên gia tiến sĩ về đô thị có nói rằng: “Chúng nó ăn tàn, phá hại vỉa hè” đến mức không còn chỗ cho người đi bộ mà nhà nước không thu được gì. Việc ông Nguyễn Đức Chung tuyên bố bao nhiêu công an đứng sau các quán bia vỉa hè như thế bộc lộ ông Chung muốn làm cương quyết. Nhưng để làm được cương quyết thì ngoài quyết tâm thì phải làm trong sạch bộ máy, những người mà ông Chung đang ám chỉ, nếu không sẽ chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” bởi nhóm lợi ích đã xâu xé ở các vỉa hè trong suốt thời gian qua.
Nếu chỉ tính riêng như lời ông Chung nói “180 quán bia vỉa hè thì có 150 quán là có công an đứng đằng sau” thì quả thật là có một bộ phận không nhỏ tiêu cực. Chính có những người “chống lưng” như thế thì người ta mới thản nhiên lấn chiếm vỉa hè”.
Cần cách chức ngay “những kẻ chống lưng”
Thưa chuyên gia Vũ Vinh Phú, ông từng nói “vỉa hè là một miếng bánh ngọt”, tuy nhiên để chiếm được vỉa hè không đơn giản, bởi vỉa hè là nơi công khai, những người lấn chiếm vỉa hè được nghi có người chống lưng, bảo kê. Ông nghĩ sao về điều này?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Vỉa hè là miếng bánh ngon nhất trong các miếng ngon. Trên thực tế, để chiếm được vỉa hè không hề đơn giản. Chỉ cần kê một cái bàn bán bún, người không có “thân giao” sẽ không bao giờ kê được trên vỉa hè chưa nói hoạt động thêm được thời gian. Nhưng nếu có sự chống lưng thì có mở cả “quán bia” trên vỉa hè thì cũng không ai chạm đến. Thực tế ngay cả bà bán xôi trên vỉa hè với một cái thúng thì muốn tồn tại cũng phải “làm luật”. Hồi tôi làm giám đốc siêu thị trên đường Đinh Tiên Hoàng, treo một phướn sát siêu thị mà giao thông công chính còn đến hỏi: “Ai cho chú treo”. Như thế chứng minh, ai cũng biết cả đấy chứ.
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. |
Những phát ngôn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho thấy sự quyết tâm của Hà Nội trong việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm trật tự giao thông, đô thị, trong đó có vấn đề “dẹp loạn vỉa hè”, ông có tin sẽ dẹp được?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thực hiện phải dứt điểm, lần này mà không làm được nữa thì rất khó có lần sau làm. Bởi hiện nay đang thành phong trào từ TP HCM rồi đến Hà Nội được dư luận quan tâm, nhưng nếu phong trào tắt lịm thì sẽ rất khó để thực hiện nghiêm. Phải có tư duy khoa học về vỉa hè. Những cái tiêu cực cần dẹp bỏ, nghiêm trị. Những người dân nào vô tổ chức, những cán bộ nào tiêu cực thì phải xử lý. Trong phát ngôn của mình, ông Nguyễn Đức Chung đã biết những “kẻ chống lưng” cho nạn lấn chiếm vỉa hè. Nếu biết rồi cần lôi họ ra, cách chức những người vi phạm như thế mới giải quyết được. Chứ “biết rồi” chỉ mang ra “dọa” thì sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc”.
Nhưng quan trọng nhất phải sắp xếp một số phố bởi nhu cầu mua bán người ta vẫn có.
Sắp xếp tuyến phố, có nghĩa là tuyến phố sẽ làm nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè, bên cạnh đó sẽ có tuyến để cho kinh doanh trên vỉa hè?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Kinh nghiệm ở các nước, không phải vỉa hè nào cũng cấm bán. Nhưng phải điều tra, lựa chọn những tuyến phố nào hè trên 5 mét và phù hợp với vị trí không vi phạm, có điều kiện kinh doanh thì phải hướng dẫn cho người ta kinh doanh. Bởi cái này nó gắn với cuộc sống rất đời thường. Trong triết học có câu “phủi sạch trơn thì coi như hỏng", phải có kế thừa. Hà Nội là thành phố du lịch, những khu phố cho phép kinh doanh vỉa hè thì phải làm sao cho khoa học, họp đúng giờ, vệ sinh sạch sẽ và trong khoảng thời gian nhất định. Ngay cả tôi sang Tây Ban Nha, ngay tòa Thị chính người ta cũng có điểm bán đồ cũ khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nếu ở Hà Nội mà dẹp tất cả là chưa phù hợp với thực tế, phố nào nghiêm cấm bán trên vỉa hè thì phải làm nghiêm quyết liệt không cho bán. Những phố nào cho bán thì bán tử tế và bán đúng khoa học, nộp phí.