Núi Sài Sơn (còn gọi là núi Thầy) thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, nằm cách Bờ Hồ Hoàn Kiếm chỉ độ hơn hai chục cây số, là một kỳ quan thiên nhiên, bao đời tao nhân mặc khách đã vãn cảnh, đề thơ trên vách đá. Hoa gạo tháng Ba đỏ rực, chùa tám mái vẫn mộng mơ giữa hồ nước lớn, với hai cây cầu cổ mang tên mỹ miều Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều cùng lợp ngói âm dương khiến bất cứ ai trông thấy cũng nao lòng. Đặc biệt là hang Cắc Cớ nổi tiếng với chín tầng địa ngục hun hút như lỗ đen bí ẩn xuyên lòng núi, dẫn mãi xuống cõi của âm ty.
Trong thăm thẳm bóng đêm bí ẩn đó, người ta vẫn sờ thấy cả núi xương người chất ngất tương truyền hơn ba nghìn bộ, với câu đối khắc vào đá treo ngay cửa treo biển “Bể xương” (tạm dịch): “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/ Bể hận ngàn xương mãi khắc ghi”.
3.600 bộ xương 2.000 năm tuổi trong Hang Cắc Cớ?
Có leo núi Thầy và luồn hang Cắc Cớ thì người ta mới thật sự cảm thán xứng tầm với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của không gian núi, hồ, cầu, chùa, hang động kỳ ảo của nơi này. Chẳng trách từ nhiều đời, dân gian Bắc bộ đã có câu “Gái chưa chồng đi hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Nơi này đông đúc và diễm tình đặc biệt trong mùa lễ hội, có người bảo, hang tối thăm thẳm và sâu hun hút, trai gái chen vai thích cánh “tả tơi đi hội” nên dễ lửa bén với rơm.
Giữa mùa rợp trời hoa gạo đỏ soi bóng xuống hồ nước lớn có thủy đình bát giác cổ kính, qua Nguyệt tiên kiều, lên góc núi thờ thần thơ văn, lên “Chợ trời” bạt ngàn đá phún trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ngắm lúa vàng và dòng sông Đáy “chậm nguồn qua Phủ Quốc”, trai gái đi một lần, nhớ thương hội núi Thầy, hang Cắc Cớ và... thương nhớ nhau cũng là dễ hiểu.
Hang Cắc Cớ đúng là một kỳ quan thiên nhiên với các hình nhũ đá, giếng trời, ánh sáng thần thánh bí ẩn, đủ mâm ngũ quả, ông voi ông ngựa, núi bạc núi vàng, thung lũng tình yêu, các vị thiên thần và vô số ngạ quỷ trừng trị kẻ sống ác... Mỗi bước chân là ngàn hình khối, hang động, các bức tượng nhũ đá kích thích trí tưởng tượng cũng như lòng sùng tín thế giới siêu nhiên của người đời.
Thật ra các hang động và các cách tưởng tượng về thần thánh trời Phật từ hang động ở Cắc Cớ không có gì quá ngạc nhiên. Điều đáng sửng sốt nhất là hệ thống các bộ di cốt người trải khắp chín tầng hang. Nơi mà dân gian từ nhiều năm vẫn bảo đó là chín tầng địa ngục. Độc đáo hơn là có cả bể xương người được treo biển “Bể hài cốt” hẳn hoi. Ai bạo gan có thể nhìn ngó rồi chĩa ống kính quay phim chụp ảnh vào đó, thấy la liệt xương cốt trắng đen tròn méo. Câu đối bằng chữ Hán còn treo ở cửa “Bể xương”, dịch nghĩa rất rành mạch đàng hoàng.
Hướng dẫn viên của khu vực Di tích Quốc gia chùa Thầy, dẫn khách mỗi người cầm một cái đèn pin vào thăm hang, còn nói rõ, dịch rõ nghĩa của câu đối trên: “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/ Bể hận ngàn xương mãi khắc ghi”. Chiết tự hai câu trên là ra hết: Xương ai, xương của ông Lữ Gia và binh tướng, gia nhân hoặc lương dân đi theo ông trong cuộc chống lại quân Hán hơn 2.000 năm trước. Bể này là bể gì, là bể khắc ghi nỗi hận của người ta với kẻ thù, ở đó có hàng nghìn bộ hài cốt.
Từ “bia đá” đó, các câu chuyện cứ được kể rất hồn nhiên, toàn tà ma quái quỷ, ai nghe cũng sởn gai ốc. Trên hành trình tìm một cách giải thích khả dĩ góp phần vén bức màn bí mật bể xương, suối xương chứa hàng nghìn bộ hài cốt kỳ lạ, chúng tôi đã trắc nghiệm phỏng vấn rồi ghi lại trung thực các ý kiến của những người nhiều năm gắn bó với hang Cắc Cớ.
Bà Bùi Thị Hòa, ngót nửa thế kỷ sống ở núi Thầy, nhiều năm bán hàng ngay cửa hang Cắc Cớ ngồi kể chuyện với chúng tôi mà như vẫn còn sợ sệt. “Tôi đang ngồi thì nghe văng vẳng có người nói vào tai mình, “bẩn quá, nhiều rác quá”. Ngày nào “họ” cũng nói thế, bao nhiêu du khách, mỗi mình tôi nghe tiếng. Tôi vào kiểm tra, thì ở tầng địa ngục thứ 4, tối om, đầy rác rưởi do du khách ném rải rác khắp nơi trong bao năm, rồi mưa gió, nước ngầm nó đẩy trôi xuống đáy, mắc ở tầng đó.
Tuyệt đối rác không vào đến “Suối xương” nước trong vắt chảy quanh năm dưới tầng thứ 9, nơi mà ít người có gan xuống. Ở đó có những loài cá kỳ lạ phát sáng, có những loài sâu bọ trắng toát kinh khủng mà các anh chị đã nhìn thấy. Tôi bèn gọi người nhà vào dọn thật sạch rác, đun nước chè tẩy uế cho các bộ xương. Từ bấy, tiếng văng vẳng không còn, người tôi thì khỏe mạnh minh mẫn. Có hai anh thanh niên đều 37 tuổi, người Phú Thọ, đến trước bể xương làm điều gì báng bổ, thế là cứ dập đầu xuống lạy, nằm bẹp đó giãy, không sao dậy được. Chúng tôi phải kỳ công lắm mới cứu được họ”.
Ông Tạ Anh Chính, một nhà thơ trong Hội Văn nghệ sĩ Xứ Đoài, vì mê cảnh đẹp kỳ bí của Hang Cắc Cớ mà đã căng bạt trong vách núi, ngày ngày mắc võng nằm đó sáng tác đã nhiều năm, kể: “Rất nhiều lần tôi đi vào trong Bể xương thắp nhang, thì chạm bóng. Tức là có người đi theo và trêu đùa, tôi rởn tóc gáy. Thắp nhang cầu cúng xong mọi việc lại ổn”.
Bà Nguyễn Thị Lan bao năm hướng dẫn du khách tham quan, nhưng tuyệt đối chưa bao giờ dám vào hang Cắc Cớ. Bởi bà không “hợp” với bể xương. Hồi bé vào một lần, thấy rêu mốc kỳ bí, xương cốt trắng ởn giương các hốc mắt mũi nhìn mình, bà đã ngất xỉu. Bà chứng kiến nhiều người ngất ngay khi ra đến cửa hang. Khắp cả vùng rộng lớn lan truyền các câu chuyện về những người đào cổ vật, phá những cái chum, bới xương người lấy bát đĩa chum vại đi bán, tất cả đều phát điên, chết thảm hoặc sa vào tệ nạn thân tàn ma dại.
Các câu chuyện cứ nửa tin ngửa ngờ thế, có kẻ sợ, có kẻ thấy bình thường. Nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn treo trên vách núi: Có bao nhiêu bộ hài cốt trong hang, họ là ai, đã sống ở thời kỳ nào, vì sao họ chết? Chúng ta cần làm gì với “Bể xương”, “Suối xương” có thật đó? Quan sát bằng mắt thường, leo núi bằng dây thừng và đèn pin cũng có thể kết luận được vài điều. Hang Cắc Cớ đẹp và bí ẩn, “Bể xương” khá to, lại được xây sâu tới 15m (!) như bà con tiết lộ, rộng vài mét, dài vài mét nữa, người ta đã tính: Thể tích bể là khoảng 45m3, chứa cả nghìn di cốt người.
Điều này thật khó để minh định được, vì bể xây đã lâu, hang tối, cũng chả ai dám đào lên để kiểm tra nông sâu nhiều ít. Chỉ biết chắc chắn, bia đá trước bể xương ghi rõ: Khoảng năm 1936 đến 1939, bà con sở tại có tiến hành ra quân tổng lực, đi suốt 3 ngày đêm, gom khắp 9 tầng địa ngục của Hang Cắc Cớ để thu gom xương vào “Bể hài cốt”. Đây là một việc làm tình nghĩa, tử tế. Quy tập xong, họ dựng bia ghi lại sự kiện.
Vừa rồi, chúng tôi cùng đoàn của anh bạn trẻ người Đông Anh tên là Đặng Bá Hiệp xuống khám phá hang Cắc Cớ. Với thiết bị leo núi khá chuyên nghiệp, hệ thống đèn pin khỏe và lòng say mê khám phá kỳ lạ, họ đã đi xuyên ngày đêm, ngủ lại giữa lòng hang, tìm ra bao điều bổ ích từ thế giới bóng đêm vĩnh cửu với các dòng suối và hang động ngầm, các bộ xương bị nhũ đá phủ gần như hóa thạch, các loài côn trùng kỳ dị và đáng rởn người. Họ trở lên trong sự ngưỡng mộ của bà con Sài Sơn, mỗi người cõng một ba lô... xương và sọ đầu lâu người. Họ làm lễ, tẩy uế, cầu nguyện và thả cả vào bể hài cốt.
Bi kịch là: Xương trong bể hài cốt phân hủy quá nhanh. Đặc biệt, chúng tôi chứng kiến nhiều người bán hàng gạ khách mua gạo và muối vào cúng an ủi các vong hồn chết thảm. Muối đã khiến cho các bộ hài cốt rã rục nhanh. Bể xương bí ẩn nằm đó, xương trong lòng núi thì còn rất ít, “họ” nằm rải rác trong mênh mông bóng tối sâu hun hút. Không ai thống kê nổi. Cuộc tranh cãi có mấy nghìn bộ xương, có đúng là 3.600 bộ xương như hướng dẫn viên của khu du lịch chùa Thầy nói không? Mọi người, cả người trong cuộc cũng nghi ngờ.
Gây tranh cãi nhất là niên đại của các bộ xương. Xương của ông Lữ Gia hoặc binh sĩ của ông (“Lữ Gia chống Hán”) đã được khắc vào câu đối dựng thành bia đá ở cửa “Bể xương”? Lúc đầu thì ai cũng tin vào “bia đá” kia. Sách “Sơn Tây tỉnh địa chí” (xuất bản năm 1938) cũng từng viết về lịch sử hang Cắc Cớ, ghi rõ chuyện tướng Lữ Gia và lý lịch các bộ xương theo những gì đôi câu đối và lời dân gian truyền tụng. Thật ra thì dân gian chả biết tin vào đâu, ngoài những bằng cớ kể có vẻ như rất chính quy kể trên.
Xương của binh sĩ và nhiều đời bà con Quanh núi Thầy đi chạy giặc
Tuy nhiên, không khó để thấy “dữ liệu bằng bia đá” và “sách sử chính quy” kia đang gây rất nhiều tranh cãi. Cả nhà sử học, chuyên gia khảo cổ nổi tiếng
Lê Văn Lan và PTS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam, một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về xương cốt và các táng thức, đều không ai chấp nhận lời giải thích: Xương kia của tướng Lữ Gia hoặc binh hùng tướng mạnh chống Hán của ông. Cán bộ ban quản lý di tích Chùa Thầy từng dẫn lời cố GS Trần Quốc Vượng, sau khi khảo sát, ông kết rằng: Nếu là xương của quân tướng ông Lư Gia, thì bây giờ “nó” phải hóa thạch hết rồi. Bởi thời đánh Hán của cụ Lữ Gia đã diễn ra cách này ngay khoảng 2.000 năm. Lịch sử ghi rõ, Lữ Gia không hề chết trong khu vực núi Thầy. Giả dụ quân tướng của ông hy sinh ở hang Cắc Cớ thì cũng đã 2.000 năm trôi qua cho đến khi quy tập di cốt vào “Bể xương” thì làm sao xương toàn vẹn đến nay được?
Cũng không thể tin được rằng, không gian hang đá vôi tối tăm của hang Cắc Cớ có thể bảo quản được xương cốt vĩnh cửu như nhiều ý kiến đã nêu. Bằng chứng là, vẫn trong không gian hang tối và núi đá vôi như cũ, xương nguyên vẹn được di chuyển lên “Bể hài cốt” được có mấy chục năm (từ năm 1939) mà đến nay xương sọ, xương tay xương chân đều rã rục hết rồi. Vậy thì xương đó là của những người nào? Đã bao nhiêu năm rồi?
Ông Lê Văn Lan từng nhiều năm nghiên cứu trong khu vực, khám phá hang Cắc Cớ, quả quyết: Ông từng dùng miệng “nếm” độ mút của xương người để dự đoán tuổi, rồi dựa vào các cứ liệu lịch sử thuyết phục khác nữa, thì chắc chắn xương kia là của những người đến từ thời điểm “không quá thế kỷ 19”. Tức là chỉ dao động khoảng trăm năm đổ lại hoặc đổ lên.
Thời đó, nông dân khởi nghĩa rất nhiều. Quân đội nọ, thống tướng kia, chưởng cơ khác đều hoạt động “dẹp giặc cỏ” ở vùng này. Nhiều cuộc dẹp loạn của triều đình cũ đã diễn ra, số người chết chắc chắn rất nhiều. Đặc biệt là nông dân trong vùng tham gia “dấy cờ”, họ am hiểu địa bàn Hang Cắc Cớ và chạy vào đó hy vọng thoát chết. Ở lát cắt muộn hơn thời điểm trên một chút, là giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, ông ta có đóng quân ở đó và giết chóc rất nhiều. Còn có cả chuyện giặc vây ráp, cả làng chạy vào hang, giặc lấp hang và đốt. “Những sự kiện đó nó phù hợp về mặt thời gian là từ giữa đến cuối thế kỷ 19, tuyệt đối không có chuyện ông Lữ Gia ở khu vực này, kể cả quân lính của ông cũng không hề có. Tôi đã hoàn toàn chứng minh được cái điều đó”, ông Lê Văn Lan nhấn mạnh.
Có người đặt vấn đề: Liệu có phải mấy chục năm trước, khi quy tập xương người từ “chín tầng địa ngục” hang Cắc Cớ về xây dựng “Bể hài cốt” thì người ta đã dựng bia đá và câu đối theo truyền thuyết dân gian chưa có cơ sở? Nhưng các “bia miệng” dân gian bao giờ cũng có nguyên do xuất hiện và tồn tại của nó. Có phải ông Lữ Gia từng đóng quân và chinh chiến ở đây? Có phải binh lính của ông cũng góp không ít bộ xương cũ hoặc xương đã hòa vào đất đá trong hang Cắc Cớ? Để rồi cái cách hiểu đó (xương ông Lữ Gia và binh lính) được bia miệng và bia đá truyền mãi đến hôm nay? Dù thế nào, thì chắc chắn trong vô số các bộ xương kia, có rất nhiều bộ chỉ một hoặc vài trăm năm tuổi thôi.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn Lao Động vừa qua, đã bày tỏ quan điểm quyết liệt: “Cái bể xương kia không đủ lớn để chứa hàng nghìn bộ hài cốt như lời lưu truyền được. Thứ hai là chúng tôi dựa vào quyển “Đại Việt sử ký toàn thư”, từng chữ cụ thể như sau, tôi xin cầm sách đọc cho nhà báo nghe: “Mùa hạ tháng 4, Lộ Văn Luật dấy binh ở Thạch Thất, Lý Bân đánh phá được, Lộ Văn Luật chạy sang Ái Lao (tức là Lào ngày nay), dân chúng thì trốn vào hang núi Phật Tích và An Sầm.
Thì trong này nó giải thích: Phật Tích và An Sầm là hai hang núi thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Núi Phật Tích còn gọi là núi Sài Sơn hay núi Thầy. Quân Minh dỡ nhà, hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết. Người nào ra hàng cũng bị giết và vợ con bị bắt làm nô tì. Mà tôi khẳng định, xương cốt trong hang là của dân, chứ không phải là lính chiến. Vì nếu lính vào hang và chết thì bên cạnh xương cốt của họ phải có vũ khí, không còn nhiều thì nó phải còn ít. Và theo tài liệu trên, thì niên đại của các bộ xương trong hang là thế kỷ thứ 15, cụ thể là năm 1420. Chứ nói đó là di cốt từ thời Lữ Gia hay tất cả mọi cái khác là không đúng”.
Vậy là, dường như đã có chuyện người ta cố đẩy các tình tiết hoang đường và sự khủng khiếp của chín tầng địa ngục cùng bể xương, suối xương lên cho nó huyền bí hoặc để làm du lịch. Chính những người nhiều năm gắn bó, thậm chí cả ông cụ làng nghề cho thuê đèn pin vào khám phá Hang Cắc Cớ hiện nay (trước đây là cho thuê hoặc bán đuốc tre) đều khẳng định: Dù nhiều năm quét tước khu vực, họ cũng chưa bao giờ nghĩ có đến vài nghìn bộ hài cốt trong hang. Số lượng ít hơn nhiều. Nhìn cả xương bé của trẻ con trong hang, lại không thấy vũ khí gì, điều đó chứng tỏ người chết là dân thường và gia đình họ.
Câu đối khắc đá trước bể xương giống như một tác phẩm văn học ghi lại huyền thoại chưa được xác tín, nó có giá trị tham khảo, chỉ giống như hàng chục bia đá khắc trên vách núi Thầy vẫn còn đến hôm nay mà thôi. Chúng ta trân trọng và xót thương cho những phận người nằm xuống trong hang tối. Chính vì thế lại càng phải phân tích, nghiên cứu kỹ để trả lại danh tính cho họ. Quả là câu đối ở trước “Bể xương” rất ý nghĩa, đáng cảm kích và ám ảnh. “Bể hận ngàn xương” vẫn còn đó, nỗi buồn thân phận và thế cuộc “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”, “thành xây xương lính hào đào máu dân” còn đó.
Trong cuộc tranh bá đồ vương của các thế lực nào đó, lương dân rên xiết dưới làn đao kiếm. Kể cả họ là binh sĩ của thế lực nào, họ cũng xuất thân từ lương dân. Kể cả, trong bể xương khổng lồ và bí ẩn đó là nông dân thế kỷ 19 hay là lương dân vô tội trong cuộc chống giặc Minh thế kỷ 15, thì hoàn toàn cũng có thể đặt vấn đề: Từ 2.000 năm trước, binh sĩ của ông Lữ Gia “góp” nhiều xương cốt vào đó cũng nên. Tại sao không? “Bể” có nhiều xương, xương rải từ 2.000 năm trước, khi “Lữ Gia đánh Hán lưu sử sách”, đến thế kỷ 15 như PGS Nguyễn Lân Cường nói, đến thế kỷ 19 trong các cuộc khởi nghĩa nông dân như ông Lê Văn Lan đã kết luận. Có sao? “Đất trăm người ở, ruộng trăm người cày”, làm sao ta dám chắc hang núi chín tầng thăm thẳm kia lại chỉ có một thế hệ người ẩn náu, chiến đấu và ngã xuống?
Núi Sài Sơn đã đẹp, đẹp từ thượng cổ đến trong “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”. Ngay trong cảnh mỹ miều của “Đối mắt người Sơn Tây”, cũng có cảnh chết chóc “những xác già nua ngập cánh đồng”, “bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”. Núi Sài Sơn đẹp với hàng chục bài thơ mà tao nhân mặc khách bao đời đã cảm khái “rút kiếm khắc vào vách đá đề thơ”. Và núi lại cũng ôm trong lòng mình nhiều lớp lang lịch sử hơn, nhờ một “Bể xương”, “Suối xương” đến từ nhiều thời kỳ bi tráng, trùm phủ trong bụng núi là chín tầng địa ngục u tối và kỳ bí của hang Cắc Cớ.