Tướng cướp tàn bạo Hồ Duy Trúc: "Chém trước cướp sau"

Google News

Băng cướp do Hồ Duy Trúc cầm đầu từng một thời gian dài gieo rắc nỗi sợ hãi tột cùng cho người dân Sài Gòn. Thế nhưng, phía sau lưng kẻ cầm đầu tội ác là một bức tranh bi kịch với đầy đủ các gam màu u ám.

Trên chuyến tàu rời ga Sài Gòn lúc nửa đêm ngược TP. Phan Rang với chiều dài hơn 300km, tôi khắc khoải cố đi tìm cho mình câu trả lời về chân dung thật sự của “tướng cướp chặt tay cướp SH gây rúng động Sài Gòn” một thời. Trên hành trình ấy, bóng dáng người đàn bà bé nhỏ, gào khóc giữa sân toà khi con trai bị tuyên án tử càng khiến bản thân thêm ám ảnh.
Bởi, phiên tòa 4 năm trước từng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Nhiều tình tiết phía sau vành móng ngựa khiến mọi người tin hơn vào cớ: Tử hình Hồ Duy Trúc là việc thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Mới đây Trúc được Chủ tịch nước ký quyết định ân xá từ án tử hình xuống chung thân. Con đường sống của tướng cướp Hồ Duy Trúc được tái sinh lần nữa. Nhưng 4 năm qua là một bi kịch thật sự trút xuống cha mẹ, anh chị em và ngay cả tổ ấm bé nhỏ không hôn thú của tướng cướp một thời.
Ngày đền tội của phi đội “chém trước cướp sau”
Trước khi gặp gia đình Hồ Duy Trúc- tướng cướp cầm đầu băng nhóm “chặt trước cướp sau”, tôi từng mường tượng kịch bản đa chiều về gia đình thuộc thành phần bất hảo với nhiều hành động lạnh tóc gáy.
20 tuổi, Trúc đã “nổi danh” là kẻ ra tay máu lạnh. Lược trích tình tiết gây án của Trúc, những người mạnh mẽ đến dường nào cũng cảm thấy rùng mình. Trúc và đồng bọn gây tội ác một cách có tổ chức, sử dụng nhiều hung khí nguy hiểm gây hoang mang dư luận.
Trong đó, với vai trò là kẻ lĩnh xướng “phi đội bay”, Trúc cùng đồng bọn thực hiện hàng loạt vụ cướp gây thương tích cho nhiều người. Vụ án dưới chân cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM) là đỉnh điểm của tội ác không thể dung thứ của băng cướp manh động này.
Trên đường trở về nhà, chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý bất đắc dĩ trở thành “con mồi” của Trúc và đồng bọn. Với lý lịch trích ngang từng thực hiện hàng loạt vụ cướp trước đó, Trúc đủ độ liều lĩnh vung mã tấu chém 3 nhát vào tay nạn nhân nhằm cướp xe SH. Bàn tay chị gần đứt lìa. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã nối lại bàn tay nhưng để lại thương tật 47%.
Hồ Duy Trúc, kẻ từng cầm đầu băng nhóm chuyên thực hiện các phi phụ gây hoang mang dư luận tại Sài Gòn. Ảnh: TP 
Thống kê qua con số từ tháng 6 đến tháng 11.2012, Trúc và đồng bọn đã thực hiện tổng cộng 17 vụ, cướp 15 chiếc xe máy, gây thương tích cho 12 người. Con số khô khốc như lột tả được bộ mặt tàn bạo do tướng cướp Trúc cầm đầu. Người dân Sài Gòn một thời gian dài khiếp đảm mỗi khi nhắc đến các “bóng ma” chuyên ẩn dật gây tội ác trong đêm.
Điều khiến nhiều người ghê sợ ở “phi đội bay” không phải vì những vết thương mà chúng gây ra cho các nạn nhân, mà chính cái cách chúng ra tay lạnh lùng đến tàn nhẫn. Những nhát dao vung lên không chỉ chém cho “con mồi” bị thương mà bọn chúng sẵn sàng chém tới 2-3 nhát cố cho đứt hẳn. Trước khi phiên tòa đưa kẻ cầm đầu này ra xét xử, nhiều người dân từng nguyện cầu- kẻ gây tội ác sẽ phải đối diện với bản án cao nhất.
Cuối tháng 12.2013, thời điểm Trúc và đồng bọn đối diện với hàng loạt bản án nghiêm khắc của TAND TP.HCM, gồm: Hồ Duy Trúc (20 tuổi,) mức án tử hình, Trần Văn Luông (25 tuổi)- đồng bọn bị tù chung thân về tội Cướp tài sản. Cũng bị kết án về tội danh này, các bị cáo Nguyễn Hoàng Phương (20 tuổi), Huỳnh Thanh Sơn (31 tuồi, quê Tây Ninh) và Trần Thanh Tuyền phải nhận từ 12 đến 20 năm tù.Liên quan đến vụ án, 3 bị cáo khác nhận từ 9 tháng đến 12 năm tù về các tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Bản án tuyên Trúc nhận mức tử hình đã nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình của nhiều người chứng kiến.
Ngay như mẹ của tướng cướp Hồ Duy Trúc trong các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm khép lại, ấn tượng đọng theo khiến cả cộng đồng mạng, cả những người chứng kiến và những người thực thi công lý đều ngán ngẩm trước phát ngôn của bà trước sân toà: “Ai biểu đi xe tay ga, đeo hột xoàn chi cho nó chém”; “Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH) tại tòa”; “Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”.
Mẹ của Hồ Duy Trúc từng gây náo loạn tại phiên tòa sau phiên xét xử. Những câu nói bộc phát của bà khiến vô tình trở thành tâm điểm bị “ném đá”. Ảnh: Quang Nguyễn 
Người đàn bà tuổi xế chiều, thân hình gầy như ống điếu, mái tóc hoa tiêu từng là tâm điểm của những cuộc “ném đá” không thương tiếc sau hành động chửi bới, gào thét ở sân toà. Bà từng phải hứng chịu những lời chỉ trích cay nghiệt, sỉ vả nhất. “Cộng đồng mạng” vô tư ném đá vì cách bảo vệ con quá mức của bà. Đa số các ý kiến đều lên án, chính sự giáo dục của gia đình không tốt khiến Trúc có những suy nghĩ sai lầm rồi sa chân vào con đường tội ác.
Vòng xoáy tù tội
Nhưng, khi ngược từ Sài Gòn xuôi tận về Ninh Thuận, gặp lại gia đình tướng cướp Hồ Duy Trúc, tôi thật bị “sốc”. Sốc với hoàn cảnh bi đát của người thân kẻ mang trọng án đang phải gánh chịu. Hình ảnh chứng kiến trước mắt khiến những ai dù có trái tim sắt đá cũng phải chạnh lòng. Hiện thực quá phũ phàng!. Phía sau lưng của Hồ Duy Trúc là một bức tranh buồn ít người biết. Và đó cũng chính là nguồn cơn cho mọi lỗi lầm tuổi trẻ Trúc phải trả giá cho đến ngày hôm nay.
Tuổi thơ của tướng cướp liều lĩnh lớn lên trong giông tố, bi kịch và nước mắt. “Hành trang” cuộc đời cha mẹ trang bị cho tất cả gần 10 anh chị em Trúc là bữa đói bữa no, sớm bỏ học ngang chừng lăn lộn mưu sinh giữa cuộc đời. Những đứa con nghèo đói như cỏ dại sống lay lắt trong mái tranh nghèo rách nát nằm cuối con hẻm tại KP1, phường Mỹ Hương, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Gọi là nhà, nhưng thực ra đó chỉ là mấy cột gỗ được dựng lên, phía trên lợp ít tấm tôn, tứ vách tan hoang, nền nhà đất đỏ. Trong “căn nhà” đó, là nơi quần tụ của hơn chục con người không nghề nghiệp, không biết tương lai sáng- tối ra sao, sống cầm cự bằng rau dại, chuối xanh, nước cháo. Trúc lớn lên từ sự nghèo đói. Để đến bây giờ, khi con trai rơi vào lao lý, ông Hồ Duy Tùng (bố của Trúc, 60 tuổi) vẫn tự trách bản thân.
Người đàn ông mái tóc bạc trắng, tất bật thấy khách từ xa đến hỏi thăm, giọng buồn như muốn khóc bảo, giá như: ông không sống trong cảnh nghèo đói, không ngược xuôi kiếm cơm nuôi đàn con, dành thời gian dạy bảo thì giờ đây, Trúc không phải ngày ngày đếm thời gian sám hối trong tù. Hai từ “giá như” ông nói trong thảng thốt, bởi đứa con trai ông bà từng sinh nặng đẻ đau lúc trưởng thành, cố tìm cách thoát khỏi nỗi ám ảnh nghèo đó, mưu cầu cuộc đời tốt đẹp hơn bằng con đường cướp giật đã phải trả giá rất đắt.
Trong cuộc trò chuyện, ông Tùng liên tục hối hận, xót xa khi Trúc rơi vào vòng xoáy tội lỗi.
Hồi còn ở quê, Trúc gia nhập đám bạn xấu chuyên tổ chức ăn chơi, đua đòi. Tuổi trẻ bồng bột lại không được giáo dục đầy đủ, cứ thế Trúc lún sâu vào vũng bùn. Lớn lên trong nghèo khó, Trúc tìm vào Sài Gòn học nghề điện lạnh, nhưng việc học cũng chẳng đầu chẳng đuôi. Trúc kết giao rồi rủ rê bạn bè lập băng nhóm đi cướp nhằm thay đổi phận nghèo.
Trước khi gây ra vụ án chấn động “chặt tay cướp SH” thì Trúc, Phương cùng đồng bọn từng về Ninh Thuận gây ra 2 vụ cướp, bị cơ quan công an tỉnh này truy nã nên cả nhóm tiếp tục bỏ trốn vào Sài Gòn. 20 tuổi, Trúc khoác lên mình bản án 5 năm đầu tiên do TAND TP.Phan Rang - Tháp Chàm tuyên, sau đó mang thêm án tử.
Tuổi thơ thiếu thốn, lớn lên trở thành con ngựa bất kham gieo rắc nỗi sầu đau đến nhiều người, hành trình cuộc đời tuổi trẻ gắn với xã hội của Trúc thật ngắn ngủi. Tôi không cố dùng mọi cách để biện hộ thêm cho Trúc và gia đình của tướng cướp khét tiếng này. Nhưng trong chuyến ngược về vùng đất Tháp Chàm, gặp gỡ từng người trong gia đình, tôi mới thấm thía hơn những bi kịch thật sự của mỗi số phận phía sau.
Theo Ngọc Bình/Saostar

>> xem thêm

Bình luận(0)