Đối thoại cuối năm với Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp; Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an); Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá giáo dục) và luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông rất quyết liệt khi bàn về vấn đề “lợi dụng quyền lực”.
Cán bộ nên tự soi, tự sửa
- Nhiều cán bộ đã bị xử lý, từ Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành… cho thấy không có vùng cấm, nếu lợi dụng quyền lực. Đây có được xem là bài học cho các cán bộ khác tự soi, tự sửa?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Trước đây Bác Hồ từng răn dạy phải tự soi, tự sửa. Sau này, Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều lần cán bộ phải tự soi, tự sửa lại mình. Có những việc làm chưa đúng theo quy định của pháp luật, làm mất niềm tin của người dân, cần phải sửa ngay, khắc phục ngay, nếu gây ảnh hưởng xấu thì phải bị xử lý.
Việc cán bộ, Đảng viên cần tự biết việc mình làm, khắc phục là điều kiện cần và đủ cho cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay.
Một số quan chức đã lợi dụng quyền lực để trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước như cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái (vụ AIC – Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai); Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh; cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng…(vụ Việt Á); cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng hàng loạt cán bộ (vụ chuyến bay giải cứu)…
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa |
- Năm 2022, bức tranh phòng, chống tham nhũng có nhiều dấu ấn. Kỳ vọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực 2023 sẽ đạt được kết quả tích cực hơn nữa?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất quyết liệt. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất trách nhiệm, tích cực, kiên định bài trừ tệ nạn tham nhũng, cương quyết xử lý nghiêm, dù cán bộ vi phạm là ai, có chức quyền cỡ nào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đã nói: “Xử lý tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai; khi vi phạm xử lý đến nơi đến chốn... Tôi mong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới đi vào thực chất, nề nếp, công tâm, khách quan, xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng để lấy lại uy tín, tín nhiệm của người dân, nhất là đối với cán bộ quản lý.
Ông Lê Như Tiến: Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực có dấu ấn rất sâu sắc, mạnh mẽ, quyết liệt. Nhiều cán bộ cấp cao do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị phanh phui, các vụ việc xử lý khẩn trương kịp thời như vụ Việt Á đến nay, đã khởi tố 29 vụ án với 102 bị can, trong đó có hai cựu Bộ trưởng Y tế, Khoa học và Công nghệ… Dấu ấn đó tạo niềm tin của người dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.
Ngoài xử lý cán bộ, chúng ta đã thu hồi được tài sản tham nhũng. Quan trọng hơn nữa chính là giáo dục cán bộ, đảng viên để không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.
|
Ông Lê Như Tiến. |
Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý là minh chứng rõ nhất
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai". Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất và sắp tới cũng phải làm như vậy; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. Cùng với xử lý nghiêm sai phạm phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: "Có vào, có ra, có lên, có xuống". Đó là việc bình thường.
Kiểm soát quyền lực để không thể tham nhũng
- Qua các vụ đại án như Kit Test Việt Á, chuyến bay giải cứu công dân, Công ty AIC…nhiều lãnh đạo bị xử lý hình sự, khiến dư luận đặt câu hỏi: Vì sao nhiều quan chức bất chấp “lợi dụng quyền lực”?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Họ có thực quyền nhưng tha hóa, biến chất làm mất phẩm chất, đạo đức của cán bộ lãnh đạo, đảng viên do không có sự rèn luyện, tu dưỡng. Một nguyên nhân nữa là do các cán bộ này hám tiền, tham lam nên đã tiếp tay cho các doanh nghiệp vi phạm để trục lợi cá nhân.
Thời gian qua có sự buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý; có hiện tượng dung túng bao che, biết hành vi đó là không đúng nhưng ngại va chạm, không dám có ý kiến do sợ ảnh hưởng đến bản thân.
Ông Lê Như Tiến: Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là một số người có chức vụ lợi dụng quyền lực để quyết định những vấn đề có lợi cho bản thân, cho “nhóm lợi ích” của mình. Nguyên nhân lớn nhất là sự suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất.
Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, việc chưa kiểm soát chặt chẽ quyền lực chỉ là một nguyên nhân quan trọng, nhưng không phải nguyên nhân duy nhất.
- Luật sư Nguyễn Danh Huế: Do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm và giám sát quyền lực chưa được chú trọng, chưa có hiệu quả. Xã hội hiện thiếu những giá trị cốt lõi, chuẩn mực khiến cho xu thế chạy theo lợi ích vật chất lên ngôi, nhiều người coi nặng vật chất, lấy vật chất làm thước đo giá trị con người.
Xã hội rất cần 2 chữ “kỷ cương”, cần đề cao vai trò người đứng đầu, buộc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để ra sai phạm tại cơ quan, tổ chức do mình quản lý.
|
Luật sư Nguyễn Danh Huế. |
- Trung ương đưa ra 10 giải pháp, nhiệm vụ, trọng tâm chính là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Điều nay có bài trừ tham nhũng một cách triệt để?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc quan trọng và cần thiết là tổ chức giám sát, kiểm soát quyền lực bởi quyền lực không được giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến tha hóa. Nhiều cán bộ cao cấp từ Trung ương đến địa phương được phát hiện vi phạm cho thấy họ lộng hành thế nào.
Trước hết, phải siết chặt hệ thống giám sát quyền lực. Tiếp đến, làm rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị…Phải có những quy định của Đảng cũng như quy phạm pháp luật đảm bảo cho mỗi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyền hạn đi liền với trách nhiệm cụ thể.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là đảm bảo cho cơ quan nhà nước hoạt động công khai, minh bạch, để cho người dân giám sát được… Tôi cho rằng, nếu làm được tốt 4 vấn đề đó, chắc chắn sẽ khắc phục cơ bản tình trạng tham nhũng.
|
Thiếu tướng Lê Văn Cương. |
Ông Lê Như Tiến: Đó là sự tự ý thức của các cán bộ, đảng viên; vẫn là tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên thấy được bản thân không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng.
Vừa là nguyên nhân cũng là bài học - chúng ta nên khép kín các hành lang pháp lý, bịt kín những kẽ hở bằng pháp luật “nhốt quyền lực vào vòng cơ chế, pháp luật”, nhất là Luật Đấu thầu, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, làm sao để cán bộ không thể tham nhũng.
Trách nhiệm nêu gương, đặc biệt người đứng đầu không tham nhũng, nghiêm khắc với thực trạng tham nhũng của đơn vị, cơ quan mình thì cấp dưới sẽ không thể tham nhũng được.
Sự phối hợp kịp thời của các cơ quan bảo vệ pháp luật để khi có dấu hiệu, hành vi tham nhũng là bị đưa ra xử lý ngay như thời gian vừa qua. Sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông trong phòng chống tham nhũng rất có ý nghĩa bởi đây là kênh phanh phui ra rất nhiều vụ việc.
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Một trong những giải pháp được đưa ra là thực hiện tốt 4 không trong phòng chống tham nhũng. Singapore là quốc gia đã thực hiện rất tốt các giải pháp này. Tuy nhiên, để thực hiện được 4 không, cần có một giải pháp tổng thế, khoa học và sự quyết tâm rất cao. Chúng ta cần đặt trọng tâm vào công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả của việc giám sát quyền lực, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát tốt việc thực thi pháp luật. Bởi thật khó để những người có chức vụ, quyền hạn tự sửa mình khi mà những cám dỗ vật chất luôn hiện hữu quanh họ trong khi lại thiếu những cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả.
Thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong đó, có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (gồm: 5 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ; 2 Chủ tịch, nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 13 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh; 4 nguyên phó bí thư thường trực tỉnh uỷ; 20 sĩ quan cấp tướng. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương mới của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Các địa phương đã xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng