Xung quanh vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng tổng cục Cảnh sát (bộ Công an).
- Thưa Trung tướng, Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính có đề cập tới việc bỏ sổ hộ khẩu. Người dân nên hiểu thế nào về việc này?
Một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ có hiệu lực từ 30/10/2017 và sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân luôn. Hiểu như thế là chưa đúng.
Căn cứ vào luật Cư trú và luật Căn cước công dân thì công dân sinh ra đều phải có giấy tờ tùy thân mà căn cước công dân, chứng minh nhân dân là giấy tờ tùy thân của một con người nên phải giữ.
Liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu hiện nay, Chính phủ giao cho bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó có 15 trường thông tin cơ bản về nhân thân của một con người.
Hiện dự án đã được Chính phủ chính thức phê duyệt, giao tập đoàn Viễn thông Quân đội Vietel phối hợp với bộ Công an thực hiện.
Dự kiến dự án được triển khai và thực hiện trong khoảng 2 đến 3 năm. Khi đó, mỗi người, ngay sau khi sinh ra sẽ có số định danh cá nhân. Số định danh này sẽ trùng với số căn cước công dân. Khi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cần thông tin của người này thì vào số định danh đó để tra ra thông tin nhân thân của người đó.
Hiện sổ hộ khẩu vẫn cần để phục vụ quyền lợi chính đáng của công dân. Ví dụ bây giờ anh đến công an phường, nói tôi là công dân ở phường này, nếu không có hộ khẩu thì lấy gì để chứng minh?
- Vậy còn đối với chứng minh nhân dân thì sao, thưa ông?
Chứng minh nhân dân và căn cước công dân không thể bỏ được. Nhiều khi một người bây giờ phải mang 4-5 loại giấy trong người như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh...
Sau này anh chỉ cần trình chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân ra hoặc nhớ mã số định danh cá nhân thì người ta sẽ vào máy để kiểm tra nhân thân của anh có đầy đủ trường thông tin theo quy định không.
Hiện ở Việt Nam đang tồn tại 3 loại giấy tờ chứng nhận nhân thân, gồm chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số và căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ này đều có giá trị sử dụng như nhau. Hiện căn cước công dân mới làm được cho 16 tỉnh, thành, còn 47 tỉnh nữa. Lộ trình đến 1/1/2020 sẽ triển khai hết.
Còn bây giờ, nếu cá nhân nào đang sử dụng chứng minh nhân dân 9 số mà chưa hết hạn sử dụng hoặc đã đổi chứng minh nhân dân 12 số mà chưa muốn làm căn cước công dân thì các giấy tờ trên vẫn có giá trị bình thường.
Sau này, khi việc cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện trên toàn quốc, nếu cá nhân nào đang sử dụng các loại chứng minh nhân dân đã hết hạn sử dụng và khi đi xin cấp lại thì sẽ đổi sang thẻ căn cước công dân và cơ quan công an sẽ không cấp chứng minh nhân dân mới (12 số) nữa.
|
Trung tướng Trần Văn Vệ. |
- Trung tướng có thể cho biết hiện tại việc thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai đến đâu?
Đến 14/11 này, bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc. Tổ chức tập huấn, tổ chức phát tài liệu để đi thu thập thông tin, rồi cập nhật đưa vào xây dựng phần mềm quản lý, sau đó là đưa vào ứng dụng. Dự kiến với sự quyết tâm vào cuộc của lực lượng công an và các đơn vị liên quan, khoảng 2-3 năm thì dự án sẽ hoàn thiện. Khi dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào ứng dụng thì người dân sẽ được bãi bỏ nhiều thủ tục giấy tờ không cần thiết, không có phiền hà.
Trân trọng cảm ơn ông!