Khi nào mới bắt đầu “khai tử” Sổ hộ khẩu?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù đã được chính phủ thông qua, thế nhưng để thực hiện việc bãi bỏ hoàn toàn Sổ hộ khẩu trong vài năm tới là không hề dễ dàng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân (*). Câu hỏi đặt ra là khi nào việc này có thể thực hiện?
Khi nao moi bat dau “khai tu” So ho khau?
 Căn cước công dân với mã số 12 chữ sẽ thay thế hoàn toàn vai trò của sổ hộ khẩu và CMND. Nguồn ảnh: Lao Động
Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và trình Quốc hội ban hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định liên quan.
Như vậy, sổ hộ khẩu chỉ chỉ chính thức “khai tử” khi Luật Cư trú và các nghị đinh, thông tư liên quan được sửa đổi, được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, theo Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho hay, cần có lộ trình để có đánh giá cho đầy đủ hơn bởi ở Việt Nam, công tác quản lý, chính sách an sinh xã hội đang gắn theo hộ gia đình. Do đó, đến thời điểm này chưa thể khẳng định bao giờ có thể bắt đầu xóa bỏ Sổ hộ khẩu.
Bên cạnh đó, theo Luật Căn cước công dân, CMND đã được cấp trước ngày 1/1/2016 có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Hiện nay việc cấp thẻ Căn cước công dân thay thế Chứng minh nhân dân đang được Bộ Công an triển khai ở 16 địa phương trên cả nước.
Theo Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ đầu năm 2020 toàn bộ các địa phương trên cả nước phải tiến hành cấp Căn cước công dân thay thế Chứng minh nhân dân.
(*) Theo Nghị quyết 112, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND nữa, mà sẽ chỉ còn thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân.
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số CMND, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.
P.H (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)