Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) tư vấn cho độc giả Mạnh Đức (TP.HCM) như sau:
Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định trừ người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự. Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên và công dân nữ có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự.
|
Mẹ tân binh Trần Viết Lộc lên tận xe để dặn dò con trai lên đường nhập ngũ năm 2016. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Do đó, việc không đăng ký nghĩa vụ quân sự khi đã có lệnh gọi; không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng… được coi là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 10, Luật nghĩa vụ quân sự.
Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Nghị định số 120/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, người vi phạm có thể bị phạt tiền tới 2,5 triệu đồng, buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Nếu người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Điều 259, Bộ luật hình sự.
Cụ thể, người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình; phạm tội trong thời chiến; lôi kéo người khác phạm tội thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.