Sau một năm bỏ trốn và bị truy nã, ngày 31/7, ông Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966) – Nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã ra đầu thú. Trước đó, tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trịnh Xuân Thanh và nhóm cán bộ có liên quan của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Việc nguyên chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú khiến dư luận quan tâm. Liệu rằng, bị can có được hưởng tình tiết giảm nhẹ?
|
Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Đ.V. |
Theo luật sư công ty luật Minh Khuê, trong thời gian qua, khi giải quyết một vụ án hình sự có dấu hiệu người phạm tội tự thú và đầu thú, các Toà án hiểu và áp dụng tình tiết này rất khác nhau. Theo Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2/6/1990 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp "Hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú" thì các trường hợp này đều được coi là tự thú.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Thông tư này khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nhất là sau khi BLHS năm 1999 có hiệu lực pháp luật, Toà án thấy nếu trường hợp người phạm tội tự thú và đầu thú đều được áp dụng khoản 1 Điều 46 BLHS là không thoả đáng. Vì thế, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 hướng dẫn các Toà án chỉ áp dụng khoản 1 Điều 46 BLHS đối với tình tiết người phạm tội tự thú, còn tình tiết người phạm tội đầu thú chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS.
Đối với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sẽ có thể được áp dụng tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự hoặc khoản 2 điều 46 BLHS tùy theo cách hiểu của thẩm phán theo Công văn 81/2002/TANDTC.
Mời độc giả xem video "Vụ Trịnh Xuân Thanh: Kỷ luật Bí thư Hậu Giang "(nguồn: VTC):
Luật sư của công ty luật Trần Gia nêu rõ rằng, trong trường hợp này cần phân biệt tự thú và đầu thú để áp dụng các điều khoản quy định trong luật. Nếu người phạm tội tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ tự thú quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
“Trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh là người đã biết hành vi phạm tội và biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì có thể áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999” - luật sư cho hay.