Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, ông không đồng tình tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam bởi vì phạm nhân do có hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước nên bị kết án phạt tù.
Trong khi đó dự thảo luật quy định quyền, nghĩa vụ, chế độ của phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật lao động, lao động 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, được nghỉ các ngày chủ nhật, lễ, Tết, làm thêm giờ, được bồi dưỡng hiện vật bằng tiền. “Do đó, nếu tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam thì không có sự khác biệt giữa người phạm tội đi lao động cải tạo với lao động bên ngoài xã hội và sẽ không mang tính răn đe”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng, mục tiêu chính là cho phạm nhân lao động cải tạo chứ không phải làm kinh tế, việc phạm nhân chấp hành hình phạt tù là đảm bảo mục đích của hình phạt, trừng trị và giáo dục người phạm tội. Trại giam phối hợp với DN, cá nhân, tổ chức cho phạm nhân lao động cải tạo ngoài trại giam sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, gây tâm lý lo lắng cho người dân xung quanh khu vực lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) tán thành với quy định cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam.
Ảnh: P.Thảo
|
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) cho rằng: “Dự thảo luật thi hành án giao cho trại giam quyền được đưa phạm nhân ra khỏi cơ sở giam giữ thì theo quy định nào của pháp luật. Trại giam cụ thể là chức năng tư pháp nào, ai có thẩm quyền này. Việc này chưa được giải quyết trong dự luật này”.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, các phạm nhân được đi đến để lao động theo một hợp đồng lao động. Vấn đề đặt ra là vấn đề giải quyết các mối quan hệ về lao động giữa người lao động với chủ sử dụng lao động như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) lại khẳng định, Bộ luật Hình sự quy định tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. “Cho nên, việc thiết kế cho phạm nhân đi lao động ở ngoài trại, tôi cho rằng vượt quá quy định của Bộ luật Hình sự”, đại biểu nói.
Bên cạnh các ý kiến không đồng tình, không ít đại biểu ủng hộ việc cho phạm nhân đi lao động ở ngoài trại giam. Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu làm tốt điều này, chúng ta sẽ tận dụng được hàng chục ngàn lao động để đưa vào sản xuất và làm ra của cải vật chất, góp phần xây dựng lại các cơ sở giam giữ, trại giam.
“Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định thật chặt chẽ bởi vì phạm nhân để mà ra ngoài thì đảm bảo vấn đề an ninh trật tự không những cho khu vực sản xuất mà cho cả bên ngoài khu vực sản xuất. Có nhiều phạm nhân rất ăn năn, hối cải, quyết tâm cải tạo để trở về sớm hòa nhập cộng đồng, nhưng có nhiều phạm nhân tìm mọi cách chống đối nên việc quản lý các đối tượng này trong trại giam đã khó, quản lý ngoài trại giam càng khó khăn hơn. Do vậy, đề nghị quy định chặt chẽ, không để trốn, không để xảy ra bạo loạn ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực nơi sản xuất, nơi lân cận”, đại biểu Phạm Đình Cúc nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) tán thành với quy định cho phép kết hợp với DN cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, vì việc này không chỉ nhằm cải tạo họ mà rất cần thiết phục vụ mục tiêu tái hòa nhập sau này bởi có những người tù 10 năm,15 năm nếu không lao động, không tay nghề khi mãn hạn tù sẽ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, mặc cảm, tự ti và dễ tái phạm.
Về nguyên tắc, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, việc tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam là tốt nhất nhưng trên thực tế nhiều trại ở miền Bắc và miền Trung diện tích rất hạn hẹp, nếu làm nông nghiệp thì không có đất để sản xuất, còn làm ngành nghề khác thì điều kiện ngân sách khó khăn rất khó để đầu tư nhà xưởng, máy móc đáp ứng nhu cầu.
Thời gian qua việc kết hợp với DN tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam đã được đặt ra nhưng mới chỉ thực hiện được ở một số trại. Bởi trong 54 trại trên cả nước thì có đến 34 trại đóng ở địa bàn vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, chi phí sản xuất cao nên các DN không đầu tư. Gần đây, Bộ Công an đã tổ chức thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Theo cáo cáo của Bộ Công an, trong 7.000 phạm nhân lao động chỉ có một phạm nhân bỏ trốn.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), lao động của phạm nhân là biện pháp giáo dục được áp dụng bắt buộc cho phạm nhân và cũng là nghĩa vụ của họ. Phạm vi địa điểm lao động được điều luật quy định và cơ quan, người có thẩm quyền quản lý trại giam trên cơ sở luật định đó tổ chức cho phạm nhân lao động mà không phụ thuộc ý chí của họ là đi lao động. Bởi vậy, theo đại biểu, quy định việc đưa phạm nhân lao động ra khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam có sự đồng ý của phạm nhân là không cần thiết.
Liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự khi tổ chức lao động ngoài trại giam, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, cần nghiên cứu thêm các vấn đề như thời gian đi lao động bao lâu? Nếu thời gian lao động kéo dài thì việc học tập của phạm nhân sẽ ra sao? Điều kiện đảm bảo an ninh trật tự nơi sản xuất của DN, tổ chức, cá nhân mà phạm nhân sẽ đến lao động. Những vấn đề này cần cân nhắc thêm.