Chiều ngày 6/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bế mạc sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 8 diễn ra chiều cùng ngày, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào kỳ họp Quốc hội tới đây. Và nếu Tổng Bí thư được bầu Chủ tịch nước thì có tính đến việc sáp nhập văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước?
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Lê Quang Vĩnh – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, tại hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao (100% Uỷ viên Trung ương biểu quyết tán thành) giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP. |
“Khi biểu quyết ở Trung ương, chỉ có các Uỷ viên Trung ương Đảng chính thức được quyền biểu quyết, còn các Uỷ viên dự khuyết chỉ được dự chứ không được biểu quyết. Kết quả, 175/175 Uỷ viên chính thức của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Chỉ có đồng chí Đinh Thế Huynh duy nhất vắng mặt tại Hội nghị vì đang điều trị bệnh” – ông Lê Quang Vĩnh nói.
Ông Lê Quang Vĩnh cho biết thêm, nhìn rộng ra trên toàn thế giới, người đứng đầu Đảng cầm quyền luôn là người đứng đầu Chính phủ hoặc nguyên thủ quốc gia hoặc cả hai. Không phải chỉ có những nước láng giềng của ta mà ở tất cả các nước trên thế giới, đây là thông lệ, là tập quán chính trị. Ông Vĩnh cũng khẳng định: “Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng lòng dân. Còn các các nhiệm kỳ tới có áp dụng Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước không thì sẽ theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương”.
Trả lời về sự chuẩn bị của Trung ương để khi Quốc hội bầu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, bộ máy sẽ vận hành được trơn tru, ông Lê Quang Vĩnh cho hay: "Trong lịch sử, Bác Hồ đã có hàng chục năm vừa làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Thế nên, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm, truyền thống, không có gì đáng ngại".
Cũng theo Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, 4 văn phòng gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội đều có quy chế phối hợp chặt chẽ để đảm bảo công việc của các lãnh đạo. “Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước” – ông Vĩnh cho biết.
Nói về việc Trung ương có tính tới phương án sáp nhập 2 văn phòng là Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước trong trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, ông Vĩnh cho biết, phương án sáp nhập không được đặt ra vì "thời Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước, 2 văn phòng này vẫn riêng biệt".
Theo sự giải thích của ông Vĩnh, Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, phối hợp, điều hoà hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng. Trong Văn phòng Trung ương Đảng còn có một bộ phận rất quan trọng là văn phòng Tổng Bí thư gồm trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư.
Còn Văn phòng Chủ tịch nước là một chế định trong tổ chức Nhà nước của ta, giúp việc cho cả Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước chứ không riêng Chủ tịch nước. Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh, Chủ tịch nước là một pháp nhân, đồng thời là một thể nhân, vừa là cơ quan, vừa là một người.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, vì sao Trung ương chưa thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng tại hội nghị lần này?, ông Lê Quang Vĩnh cho biết, trong năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ còn tổ chức Hội nghị lần thứ 9 để lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Dự kiến hội nghị này sẽ diễn ra vào tháng 12.
“Theo quy định của Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành sau kỳ họp Quốc hội. Vì vậy, theo đề nghị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 9 để lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Ngoài ra Trung ương sẽ còn xem xét một số vấn đề quan trọng khác tại hội nghị lần thứ 9”, ông Lê Quang Vĩnh cho biết.
Nhiều nội dung quan trọng tại Hội nghị Trung ương lần 8:
Chiều 6/10/2018, ngay khi Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương đã bế mạc sau 5 ngày làm việc, Ban Chấp hành Trung ương đã ra thông báo Hội nghị.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 02/10 đến ngày 06/10/2018, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ tám để thảo luận, cho ý kiến về: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xem xét một số vấn đề về công tác cán bộ và một số vấn đề quan trọng khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
Sau khi xem xét, thảo luận các tờ trình, đề án và các báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết nghị:
1. Thông qua nội dung cơ bản Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, ban hành chính thức và tổ chức thực hiện Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Thông qua Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để ban hành chính thức Kết luận; chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; xem xét, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu bổ sung hai Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Minh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
6. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 7 đến Hội nghị Trung ương 8 khóa XII; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2017; và một số vấn đề quan trọng khác.
7. Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2018 và các năm tiếp theo; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy định của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.