Lập khống 57 vụ án ảo…chỉ bị khiển trách
Mới đây, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông ra thông cáo về quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với 2 lãnh đạo và thẩm phán đang công tác đang công tác trong ngành tòa án vì để cấp dưới lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự ở thời điểm họ đang là lãnh đạo TAND huyện Đắk Song.
Theo đó, ông Phạm Văn Phiếm, Chánh án TAND huyện Tuy Đức, nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song; bà Nguyễn Thị Hải Âu, Phó chánh án TAND huyện Krông Nô, nguyên Phó chánh án TAND huyện Đắk Song; ông Nguyễn Xuân Triệu, thẩm phán TAND huyện Tuy Đức, nguyên thẩm phán TAND huyện Đắk Song cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
|
Cán bộ TAND huyện Đắk Song lập khống 57 hồ sơ vụ án. |
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, năm 2016, cán bộ TAND huyện Đắk Song đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế. Việc làm này vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Các vụ án sau đó đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện.
Đáng chú ý, trong số hồ sơ vụ án lập khống này, một thẩm phán tên Dung (đã nghỉ việc) lập khống 20 hồ sơ, còn bà Nguyễn Thị Hải Âu lập 12 hồ sơ, các ông Phạm Văn Phiếm và Nguyễn Xuân Triệu lập 8 hồ sơ. Việc lập khống hồ sơ vụ án là để hoàn thành chỉ tiêu, khai thêm thành tích.
Trong đó, thẩm phán tên Dung lập khống 20 hồ sơ với mục đích để được xác nhận thành tích, bổ nhiệm lại chức danh thẩm phán. Bà Dung cũng là người tự bỏ tiền túi đóng án phí 57 hồ sơ khai khống.
Khiển trách là chưa thỏa đáng
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc cán bộ TAND huyện Đắk Song (Đắk Nông) lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự để hoàn thành chỉ tiêu, kê khai thành tích là hành vi sai phạm nghiêm trọng.
“Cán bộ tòa mà có hành vi vi phạm như vậy kỷ luật khiển trách là rất nương tay. Lẽ ra phải xử lý nặng gấp 2 đến 3 lần. Đảng và Nhà nước đã giao trách nhiệm, hiến pháp, luật cho tòa để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Công chức, viên chức, người có thẩm quyền cao cỡ nào đi nữa khi ra tòa, tòa đều có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, những hành vi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức tòa án như vậy, không thể chỉ khiển trách mà cần xử lý nghiêm ở mức cao để làm gương. Tòa là cán cân công lý, khi nhìn vào tòa án, người ta biết là nơi chính trực, nghiêm minh, công bằng để xử lý theo quy định pháp luật. Do đó không thể chấp nhận hành vi vi phạm như vậy”, Đại biểu Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Ông Hòa cho rằng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thường xuyên giám sát những hành vi vi phạm này và có kiến nghị để xử lý.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói rằng, ông rất bất ngờ trước sự việc trên, bởi nhiều tòa án làm không hết việc thì lại có tòa án “bịa việc” ra là mình đã làm.
Luật sư Cường cho rằng, có thể nguyên nhân tử chỉ tiêu thụ lý, xét xử của thẩm phán trong mỗi năm công tác. Từ chỉ tiêu đầu vụ mà thẩm phán giải quyết hàng năm này sẽ liên quan đến công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ cũng như chế độ tiêu chuẩn định mức về tài chính đối với tòa án địa phương. Tuy nhiên, cũng không loại trừ động cơ cá nhân của một số cán bộ, cá nhân của cơ quan này nhằm hưởng lợi, trục lợi từ nguồn ngân sách nhà nước.
Do đó, cần phải làm rõ động cơ, mục đích việc lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự, dù là sai phạm như thế nào cũng phải xem xét những chế tài mà pháp luật đã quy định để xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật. Đồng thời, xem xét phẩm chất đạo đức, ý thức, trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo trên cũng như những người liên quan để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư Cường cho rằng, với sai phạm nghiêm trọng như trên, việc xử lý kỷ luật đảng ở mức khiển trách là chưa thỏa đáng.
Luật sư Cường đặt khả năng đây chỉ là bước đầu của quá trình xử lý sai phạm chứ chưa phải là kết quả cuối cùng. Bởi nguyên tắc khi cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, ngoài việc xử lý kỷ luật đảng, sẽ xử lý kỷ luật về mặt chính quyền. Ngoải ra sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
“Vụ việc sai phạm, là rất nghiêm trọng, vụ việc này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chứ không đơn giản chỉ là vi phạm kỷ luật cán bộ để nhận hình thức kỷ luật khiển trách là xong”, luật sư Cường nói.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Cường cho rằng, để thụ lý đến 57 vụ án “giả mạo”, tòa phải ban hành các quyết định về việc thụ lý, quyết định phân công thẩm phán thụ lý giải quyết, quyết định đình chỉ... nộp tạm ứng án phí, phải có đơn thư, chữ ký, chữ viết của đương sự. Đồng thời, để có một hồ sơ vụ án sẽ bao gồm rất nhiều tài liệu, chứng cứ trong đó có các giấy tờ của các cơ quan, tổ chức... và các đơn thư văn bản tài liệu của các đương sự trong vụ án. Những vụ án này đã được cơ quan chức năng xác định là không có thật nên các giấy tờ làm căn cứ để thụ lý, giải quyết và đình chỉ sẽ được xác định là các giấy tờ, tài liệu giả.
Do đó, những người làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức là cá nhân, tổ chức không có chức vụ quyền hạn sẽ bị xem xét xử lý hình sự về Tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng giấy tờ tài liệu giả theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Những người có chức vụ quyền hạn mà lại làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức sẽ bị xử lý hình sự về Tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp làm giả các giấy tờ tài liệu để được hưởng lợi, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.
Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để ban hành các quyết định, bản án, lập các hồ sơ trái pháp luật cũng là hành vi vi phạm về chức vụ gây thiệt hại cho nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên có thể xem xét xử lý hình sự về Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngoài ra, hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật, không theo đúng trình tự thủ tục luật định, không có căn cứ thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật... thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, sự việc này là nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự của nhiều tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 nên cơ quan chức năng cần chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét xử lý đối với sai phạm của một số cán bộ, cá nhân có liên quan trong vụ việc nêu trên.
Trường hợp có căn cứ cho thấy có cán bộ toà án đã thực hiện các hoạt động tố tụng sai pháp luật, xâm phạm hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật, gian dối, không trung thực trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, đến dư luận xã hội, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân phải xử lý bằng các chế tài hình sự thì mới phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp hậu quả về vật chất chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng phải xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật cán bộ nghiêm khắc có thể ở mức cao nhất là cách chức, buộc thôi việc.
“Với sai phạm nghiêm trọng mà chỉ khi luật khiển trách là chưa thỏa đáng. Bởi sai phạm trên có thể gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội làm ảnh hưởng đến uy tín vào các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như uy tín của ngành tòa án”- luật sư Cường một lần nữa nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt cán bộ Ban Dân tộc, lập khống hồ sơ ăn chặn tiền
Nguồn: Truyền hình TP Cần Thơ.