Trận mưa kéo dài hơn một giờ chiều 1/9 khiến nhiều tuyến đường ở TP Đà Lạt ngập nặng. Hàng loạt ôtô không thể di chuyển và một số ngôi nhà, hàng quán cũng chịu cảnh nước tràn vào. Tuy nhiên, tình trạng này không phải lần đầu tiên xảy ra ở phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng).
Đừng nghĩ vùng cao không ngập
TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, người có nhiều nghiên cứu về quy hoạch đô thị Đà Lạt, nhận định hơn 10 năm nay, Đà Lạt có xu hướng phát triển ít bền vững.
Điều này không có nghĩa hệ thống thoát nước không được đầu tư; tuy nhiên, để không ngập thì người làm quy hoạch phải dự liệu kịch bản lượng mưa, đặc biệt là tính toán cho khu vực bê tông hóa nhiều. Và việc những công trình có khối tích lớn nhỏ đều dồn vào trung tâm thành phố đã khiến vùng nội ô Đà Lạt gặp rủi ro trong quá trình phát triển chung.
“Nhiều người hiểu lầm chỉ vùng đất thấp mới ngập, nhưng không, vùng cao vẫn có thể ngập và thậm chí ngập nặng. Điều này tùy thuộc vào cách chúng ta phát triển”, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
Mưa hơn một giờ, Đà Lạt ngập nặng Chiều 1/9, một số tuyến đường tại TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, bị ngập nặng sau trận mưa xuất hiện khoảng 15h cùng ngày.
Theo ông Sơn, địa hình cao như Đà Lạt, khi mưa lớn, với diện tích bê tông hóa như hiện nay cùng độ dốc khiến nước thoát xuống nhanh. Khi nước dồn về một chỗ quá nhanh sẽ không có cống nào thoát kịp.
Chuyên gia cho rằng khi phát triển, nhà quy hoạch phải tính toán không gian nước, đặc biệt với những khu vực bê tông hóa cao. Không gian nước đóng vai trò thu nước khi mưa lớn, và thoát đi khi mưa ngớt.
Không gian này có thể là hồ điều tiết, con kênh, hoặc khu vực nhiều không gian xanh, thung lũng… “Ngược lại, nếu quá tham phát triển và không dành đất cho không gian xanh, không gian nước, chúng ta sẽ phải trả giá”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Quy hoạch chưa hợp lý
KTS Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng, cho biết nhiều năm trước khi quy hoạch TP Đà Lạt, các ngành đã tính toán, cân đối hệ thống thoát nước ở nội thành. Trong đó, hệ thống suối Cam Ly trước đây được Đan Mạch tài trợ, xây dựng nên thoát nước rất tốt.
"Tuy nhiên, ở khu vực thượng nguồn suối Cam Ly, việc quy hoạch nhà kính, nhà lưới chưa hợp lý, và đây là nguyên nhân làm Đà Lạt ngập sau khi mưa lớn", KTS Tứ nói và cho biết ngoài việc quy hoạch không tốt, kèm lượng mưa lớn, các nhà kính che diện tích đất khiến không đủ độ thấm, khi đó nước sẽ đổ thẳng ra suối tạo nên áp lực rất lớn cho hạ nguồn TP Đà Lạt là điều không thể tránh khỏi.
Cùng góc nhìn, KTS Ngô Viết Nam Sơn lý giải thêm những khu vực có nhà kính, bề mặt nhựa nylon làm nhà kính cũng tác động như bê tông, gây nguy cơ ngập nặng.
Theo ông Sơn, chống ngập là một bài toán khoa học. Vì tất cả thông số có thể tính toán. Trong đó bao gồm lượng mưa đổ xuống bao nhiêu, vũ lượng vào những ngày mưa nhiều nhất, thậm chí lượng mưa của cả 100 năm đều tính được.
|
Nhà kính trồng rau, hoa bao vây Đà Lạt tứ phía. Ảnh: Lê Quân.
|
Ngoài ra, giới nghiên cứu cũng hoàn toàn tính được khả năng dung chứa lượng mưa này, hay độ dốc, tốc độ chảy của nước thoát...
“Nhất là trong điều kiện kỹ thuật ngày nay, chúng ta có thể đưa vào mô hình vi tính để tính toán. Khi đó, chúng ta sẽ tính ra không gian cần thiết cho nước là bao nhiêu để dành lại không gian này khi phát triển”, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn nói và nhìn nhận bài toán khoa học này có thể giải quyết nếu có sự quyết tâm của cơ quan quản lý địa phương.
Chuyên gia quy hoạch nhìn nhận khi phát triển quá nhanh, vai trò điều phối, quản lý đô thị của địa phương rất quan trọng. Những nhà quản lý quy hoạch phải có cái nhìn tổng thể, không chỉ dừng cục bộ ở dự án, để đảm bảo kịch bản ứng phó cho những cơn mưa lớn hơn có thể xảy ra. Và tình trạng ngập nặng chiều 1/9 hay từng xảy ra nhiều năm qua sẽ là kinh nghiệm để nhà quản lý đô thị địa phương nhìn lại.
TP Đà Lạt ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Nơi đây hiện có khoảng 18.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng có đến 10.000 ha nhà kính.