Kiểm điểm đơn vị chậm báo cáo
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện, thị xã và sở, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện công tác tổng hợp báo cáo tình hình thiên tai, thiệt hại... Và sẽ đề xuất UBND thành phố kiểm điểm đơn vị không báo cáo kịp thời.
|
Hà Nội tăng cường ứng phó thiên tai. |
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã và sở, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện công tác tổng hợp số liệu, thông tin báo cáo tình hình thiên tai, thiệt hại, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để tổng hợp; trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến các báo cáo nhanh ngay sau khi xảy ra thiên tai, sự cố, thể hiện đầy đủ, chi tiết các thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra, như: Số lượng điểm bị úng ngập, độ ngập sâu, số lượng hầm chung cư bị ngập, số lượng xe ô tô bị ngập... Các đơn vị, địa phương không để xảy ra tình trạng cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn không nắm được thông tin, báo cáo không đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các thông tin nóng được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai liên quan cơn bão số 3, các đơn vị, địa phương phải báo cáo kết quả triển khai trước 7h và 16h30 hằng ngày về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố. Sau thời gian trên, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sẽ tổng hợp danh sách các đơn vị chưa báo cáo, báo cáo chậm, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo, kiểm điểm theo quy định...
Sẵn sàng ứng phó thiên tai
Năm 2021, Thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão. Đặc biệt trong tháng 10/2021, xuất hiện liên tiếp cơn bão số 7 và 8, gây mưa lớn nhiều ngày trên địa bàn thành phố.
Cũng trong năm 2021, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 15 đợt mưa với tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 219,2 - 695mm. Ngoài ra, Thành phố còn chịu tác động của 15 đợt không khí lạnh và 9 đợt nắng nóng (trong đó có đợt nắng nóng gay gắt từ ngày 30/5 - 3/6/2021), gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.
Đánh giá chung của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2021 có sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Từ đó đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân so với năm 2020.
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy cho biết, tình hình thiên tai năm 2022 có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, nắng nóng, mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn… có thể xảy ra, gây ngập úng cục bộ cho các khu vực đô thị, vùng trũng thấp
Khu vực Đồng bằng Bắc bộ (bao gồm cả TP Hà Nội) có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Mùa mưa đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Toàn mùa có khả năng xuất hiện 6 - 8 đợt mưa lớn diện rộng, tập trung từ tháng 6 - 9/2022. Trên các sông chảy qua thành phố có khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ, thời gian xuất hiện lũ khoảng từ tháng 7 đến tháng 9.
Mùa hè năm nay, Hà Nội có khả năng xuất hiện 6-8 đợt nắng nóng, trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt… “Trong những năm khí hậu chuyển pha, từ lạnh sang trung tính, các hiện tượng thời tiết, thủy văn thường có những diễn biến trái quy luật”, ông Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến, mực nước các sông trên địa bàn TP nhiều năm qua xuống thấp, cạn kiệt. Nhiều sông trong thời gian dài không có dòng chảy. Do đó, để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, Bộ NN&PTNT cần sớm có nghiên cứu, đưa ra giải pháp bền vững để cải thiện mực nước sông Hồng và các sông nội địa trên địa bàn Hà Nội, nhằm phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cảnh quan, môi trường và phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, Hà Nội đề nghị các bộ ngành tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách để triển khai thực hiện các giải pháp công trình nhằm xoá bỏ các trọng điểm phòng chống lụt bão, vị trí đê điều xung yếu. Đồng thời, có giải pháp tổng thể, nghiên cứu các ứng dụng, biện pháp cụ thể đối với những khu vực chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang như lưu vực sông Bùi, sông Tích thuộc địa phận các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai…
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp vời tình hình, thực tiễn tại địa phương, có tính đến yếu tố bất thường của biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19.
Quán triệt công tác chỉ đạo theo nguyên tắc cơ bản “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, và theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, chủ động dự trữ thuốc men, cây con giống, hàng hoá, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống của người dân, cũng như đáp ứng yêu cầu khắc phục sớm hậu quả thiên tai có thể xảy ra.
Trước thực trạng một số đơn vị, địa phương còn có tâm lý chủ quan, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh cần tuyệt đối tránh tâm lý này trong ứng phó, tuyệt đối không để “nước đến chân mới nhảy”, nhất là khi thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới thực hiện đồng bộ các giải pháp trong mùa mưa lũ 2022.