Thanh Hóa làm rõ việc khách đến sân bay Thọ Xuân bị đi taxi giá “cắt cổ“

Google News

Nhiều người dân phản ứng vì không được vào đón thân nhân ở sân bay Thọ Xuân, ga tàu hỏa mà phải sử dụng dịch vụ đưa đón. Thậm chí, hành khách còn bị ép giá gấp nhiều lần.

Thời gian qua, một số hành khách đi máy bay về Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa phản ánh tình trạng bị "ép" đi xe dịch vụ và trả chi phí cao dù cho bản thân có xe cá nhân nhưng không được sử dụng.
Ép giá gấp ba
Nhiều người muốn được người thân đưa xe đến đón nhưng chốt kiểm soát không cho xe cá nhân vào mà yêu cầu phải đi xe taxi đã được đăng ký ở sân bay với lý do "để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19". 
Ngay cả những hành khách cùng chuyến bay, dù không có hộ khẩu tại Thanh Hóa hoặc muốn di chuyển sang tỉnh khác cũng phải chấp nhận đi taxi tại sân bay.
Thanh Hoa lam ro viec khach den san bay Tho Xuan bi di taxi gia “cat co“
Cảng hàng không Thọ Xuân đã mở lại đường bay. 
Ngoài Cảng hàng không Thọ Xuân, tại ga Thanh Hóa, hành khách cũng phàn nàn việc phải dùng xe theo giới thiệu hoặc tự gọi xe bên ngoài với điều kiện phương tiện phải có vách ngăn và trang bị điều kiện phòng dịch COVID-19.
"Sáng 15/10, tôi đi tàu từ ga Hà Nội về ga Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Khi được cán bộ nhà ga hướng dẫn, do anh không quen biết nhà xe nào bên ngoài nên phải dùng xe do phía nhà ga điều tiết. Chiếc xe anh sử dụng được trang bị như xe cấp cứu chuyên dụng. Lúc đầu, mức giá được đưa ra cho quãng đường hơn 10 km từ ga Bỉm Sơn về thị trấn Hà Trung là 600.000-700.000 đồng, sau khi trả giá nhiều lần, tài xế chấp nhận giảm còn một nửa" - Anh T. (ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) phản ánh đến báo chí.
Trục lợi từ dịch bệnh?
Lý giải việc yêu cầu hành khách đi phương tiện theo quy định tại sân bay Thọ Xuân nhằm phòng chống COVID-19, ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nếu khách đi xe gia đình sau đó không về thẳng địa phương khai báo y tế, cách ly mà di chuyển đâu đó thì rất khó kiểm soát...".
Sau khi đồng ý nối lại hai đường bay nội địa (đi đến từ TP HCM và Đà Lạt), UBND tỉnh Thanh Hóa quy định hành khách đến sân bay Thọ Xuân được sử dụng xe cá nhân, xe hợp đồng, taxi, nhưng tài xế phải chứng minh đã tiêm một mũi vắc xin COVID-19, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, chở không quá 50% số ghế, tuân thủ 5K... Với hành khách từ tỉnh khác, ngoài quy định nêu trên còn phải tuân thủ nguyên tắc "một cung đường hai điểm đến", không được dừng đỗ trên hành trình; không được xuống xe, tiếp xúc với người khác khi đến sân bay.
Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ về từ cảng hàng không Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa quy định chỉ được sử dụng xe của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các huyện thị tổ chức đưa đón hoặc xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, đã được sân bay Thọ Xuân ký hợp đồng vận chuyển. Trường hợp khách cư trú ở tỉnh thành khác chỉ được sử dụng taxi của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã được sân bay Thọ Xuân ký hợp đồng.
Các loại xe chở khách tại sân bay Thọ Xuân phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, có vách ngăn giữa tài xế và hành khách, chỉ chở 50% số ghế mỗi chuyến, được phun khử khuẩn, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn... Lái xe phải được tiêm hai mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn thời hạn 72 giờ.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn, những quy định nêu trên được thực hiện trong giai đoạn một (từ ngày 10/10 đến 20/10) khi thí điểm mở lại chuyến bay nội địa. Sau thời gian này, tỉnh sẽ đánh giá lại, quy định nào chưa phù hợp sẽ điều chỉnh.
Về phản ánh hành khách bị ép giá, ông Vương Quốc Tuấn cho biết: "Sẽ kiểm tra lại để chấn chỉnh". Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh này cũng nói: "Giá đã được niêm yết, kiểm soát và báo cụ thể cho hành khách từ đầu. Hơn nữa, khi hành khách đi xe dịch vụ sẽ có người của ban chỉ đạo đưa đến xe".
Nhiều hành khách cho rằng, ngành GTVT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu sử dụng phương tiện theo quy định là không sai nhưng khá cứng nhắc, khiến hành khách tốn kém cả về tài chính và mất thời gian. Về việc khách bị ép giá, trục lợi của tài xế khi lợi dụng ít lựa chọn phương tiện của hành khách cần được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm. Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ có hay không việc "thông đồng" dẫn khách và thu phí gấp nhiều lần để hưởng lợi của tài xế và cán bộ, nhân viên cảng hàng không, ga tàu?.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: 80% người vi phạm giao thông không đóng phạt nguội 

Nguồn: VTV

Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)