Tồn tại từ những năm 1990 từ những khu trọ cho bệnh nhân ngoại tỉnh lên Hà Nội chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai, con hẻm số 121 phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) thường được nhắc đến với cái tên “xóm chạy thận”. Đối lập với cảnh sầm uất, nhộn nhịp phía ngoài đường lớn, bước vào xóm chạy thận làm người ta cảm giác như bước vào một thế giới khác – xác xơ tiêu điều và tĩnh lặng. Khu trọ này đang là nơi cư ngụ của khoảng 129 bệnh nhân đang chống chọi từng ngày với thần chết.
|
Không khí Tết đã về đến "xóm chạy thận" |
Những người ở nơi này độ tuổi nào cũng có, từ người đầu xanh đến người đầu bạc. Họ có một điểm chung là điều mắc chứng suy thận giai đoạn cuối. Làm bạn với bệnh viện với tần suất trung bình vài ngày 1 lần, nếu thiếu lần nào thì chân tay sẽ run, tụt huyết áp, sức khỏe kiệt quệ... có thể dẫn đến tử vong.
Ngót hơn 20 năm, “xóm chạy thận” đã chứng kiến nhiều người đến và “đi”. Xóm có khoảng 50 phòng ẩm thấp, mỗi phòng chưa đến 10 mét vuông với giá không hề rẻ so với túi tiền của đời chạy thận. Trung bình mỗi phòng dành cho 2 người có giá rẻ nhất là 1,5 triệu đồng. Ai có điều kiện hơn thì thuê được phòng rộng hơn với giá 2,5 triệu đồng/tháng.
Ở giai đoạn cuối, không ít người không còn sức mưu sinh kiếm tiền. Một số người khác vẫn còn sức, thì tiếp tục mưu sinh để trang trải cuộc sống qua ngày. Chị Nguyễn Thị Thuận (quê Phú Thọ) – có “thâm niên” 13 năm chạy thận ở xóm là một trong số đó.
“Từ lúc cảm thấy mệt mỏi với hay buồn ngủ, rồi đi khám tôi mới biết la suy thận. Giờ phải lo mưu sinh từng ngày chứ không có tiền thì chả biết nương tựa vào ai nữa. Chi phí 1 tháng có bảo hiểm trả tầm 10 triệu, còn lại tiền thuốc men, ăn uống, thuê nhà, sinh hoạt thì phải tự lo. Cứ mỗi tuần là phải lên viện 3 lần. Nhiều lúc vừa truyền xong, rút kim là phải đi ngay để chuẩn bị tối ra ngồi bán nước trong bệnh viện. Cũng chả kiếm được mấy. Nhiều lúc bảo vệ cũng đuổi nhưng biết mình là bệnh nhân ở Bạch Mai nên cũng mắt nhắm mắt mở cho qua" - chị Thuận chia sẻ.
|
Chị Nguyễn Thị Thuận với cánh tay sưng to vì kim đâm vào tĩnh mạch suốt 13 năm. |
Chị Thuận trầm ngâm: “Được cái ở đây mọi người con nhau như anh chị em trong nhà. Giả sử, có bị làm sao thì người đầu tiên cậy nhờ đến là hàng xóm đưa ra viện, người thân thì tính sau. Người trong xóm đa phần chạy thận ở Bạch Mai, còn có người chạy ở nhiều chỗ khác như 108, viện Bưu điện, Thanh Nhàn.
Nhiều người chả làm được gì vì mất hết sức khỏe rồi, có thì cũng chỉ làm mấy việc như đánh giày, bán nước, làm thuê ở quán ăn, nhà hàng… Giờ nói thật là Tết cũng chỉ cầu mong có sức khỏe thôi, chả cần gì khác”.
Bà Vi Thị Lành (quê ở Yên Thế, Bắc Giang) chia sẻ: “Mấy năm trước có lần tôi còn bị chết lâm sàng, tụt huyết áp, mặt cứ tím tái đi. May mà được người ta đem đi cho bác sĩ hô hấp kịp chứ không đã đi rồi”.
Rồi bà chỉ vào một người đàn ông tên Nguyên gần đó: “Trước anh này to cao khỏe mạnh lắm, nhưng giờ suy thận nên nhìn người chả còn gì, đi lại hơi bị gù lưng nữa. Nhiều khi nó nói với tôi bảo nhìn người khác khỏe mạnh mà thèm khát. Giờ mỗi sáng ra mấy quán cà-phê đánh giày kiếm ít cháo cho qua ngày thôi”.
|
Thần chết có lẽ cũng không ngăn được tiếng cười của bệnh nhân "xóm chạy thận". |
Nói về những cái Tết ở xóm chạy thận, bà Lành cười xòa: “Tết thì có năm ở lại, có năm không, còn tùy vào lịch chạy thận. Thường thì về được mỗi 1 ngày rồi lại phải về Hà Nội luôn. Đi cả năm nên Tết không về thì gia đình mong chứ. Ở đây người ta cho mỗi người một cái bánh chưng, kẹo mứt cũng có hết rồi, có gì ăn nấy thôi. Cũng chẳng có tiền mua được cái gì mà sắm. Ở đây vắng ngắt, buồn như ma. Tết người ta đi chơi đi bời còn mình thì cứ ru rú trong nhà. Tết nào mà chả buồn, buồn nhiều rồi cũng quen”.
Bà Lành kể, ở “xóm chạy thận”, đa phần các bệnh nhân đều được các tổ chức thiện nguyện, các mạnh thường quân hỗ trợ nhưng không ít người vẫn lâm vào cảnh kiệt quệ do thiếu sức lao động. Những bữa ăn của bệnh nhân đa phần là thuốc. Thiếu bánh chưng còn được chứ bệnh nhân chạy thận thiếu thuốc là chết. Dù đến từ nhiều nơi và cùng đều đang chiến đấu với tử thần từng ngày, nhưng những người trong xóm đều mang lại cảm giác như một gia đình.