Tăng lương ở EVN, lãnh đạo cao vút... nhân viên thấp tè: Có bất thường?

Google News

(Kiến Thức) - EVN có kế hoạch tăng mức lương bình quân của người quản lý tại EVN năm 2020 lên 64,577 triệu đồng/người/tháng, tăng 37% so với năm 2019. Tuy nhiên, mức lương của người lao động lại tăng... nhỏ giọt chỉ 4%.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có tờ trình quỹ tiền lương năm 2020 của người lao động, người quản lý Công ty mẹ để Hội đồng thành viên thông qua. Đáng chú ý, kế hoạch mức lương bình quân của người quản lý tại EVN năm 2020 theo đề xuất sẽ ở mức 64,577 triệu đồng/người/tháng, tăng 37% so với mức thực hiện năm 2019, dự kiến ở mức 10,752 tỷ đồng (14 người).
Đồng nghĩa với Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN sẽ nhận mức lương 864 triệu đồng/năm. Trong khi đó, bình quân người lao động tăng 4%, khoảng 288 triệu đồng/năm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tăng lương, nâng lương, hỗ trợ trong đó có lãnh đạo quản lý và nâng lương tại các doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp của nhà nước) là một việc rất đáng hoan nghênh để nhằm kích thích cho người lãnh đạo, người quản lý giỏi sản xuất kinh doanh tốt, có hiệu quả, kích thích cho người lao động làm việc hết mình có lương cao để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của cá nhân và gia đình họ.
Tang luong o EVN, lanh dao cao vut... nhan vien thap te: Co bat thuong?
Trụ sở Tập đoàn EVN. Ảnh: Tiền Phong
Đại biểu Hòa đánh giá, đây là chủ trương lớn, đúng đắn và Bộ luật Lao động cũng quy định việc này. Đồng thời cho rằng đó là chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hòa, tùy theo tình hình thực tế, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp của nhà nước. Bởi đối với doanh nghiệp Nhà nước chiếm cổ phần chi phối phải xem xét hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tại khóa đó hoặc những năm trước đó để tính lương cao hay thấp, bồi dưỡng, chế độ chính sách cho lãnh đạo quản lý, người lao động mới phù hợp.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần phải xem lại không chỉ quy định của Bộ luật Lao động mà còn cả quy định của Bộ Tài chính.
Đại biểu Hòa dẫn ví dụ, nhiều năm trước, có tình trạng trớ trêu xảy ra ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi báo cáo doanh số thì là lãi cho nên tăng lương, trợ cấp cho người lãnh đạo quản lý, người lao động rất lớn nhưng thực tế đó chỉ là lãi trên sổ sách.
"Đó là tình trạng “lời giả, lỗ thật” bởi khi quyết toán tất cả vẫn nợ ngân hàng, nợ đơn vị nó, đơn vị kia chồng chất. Tôi cho rằng đây là nguy cơ nguy hại, chỉ biết lợi ích trước mắt cho một số cá nhân nhưng lâu dài lại không đúng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. Họ báo cáo lãi trên sổ sách nhưng thực tiễn lại là “ lỗ thật, lời giả”. Do vậy, cần kiểm tra cho cụ thể, cho đúng quy định” - đại biểu Hòa nói.
Tang luong o EVN, lanh dao cao vut... nhan vien thap te: Co bat thuong?-Hinh-2
Đại biểu Phạm Văn Hòa. 
Nói về trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại biểu Hòa cho biết, báo chí thời gian gần đây có nêu về việc đề xuất tăng lương như vậy nhưng thực tế hết năm 2019, tập đoàn còn nợ phải trả lên đến 310.155 tỷ.
"Do vậy, việc Công ty mẹ cho rằng có lãi không biết họ hạch toán, quyết toán làm sao? Có trừ đi phần tích lũy vốn để trả nợ ngân hàng, trừ đi phần lãi trả ngân hàng hay chưa hay chỉ tính lời trên thực tiễn cho năm đó hay không. Do đó phải xem xét lại" – đại biểu Hòa nói và cho rằng, nợ ngân hàng và trả lãi ngân hàng cũng như trả nợ gốc ngân hàng hàng năm là việc phải làm chứ không phải nợ để đó rồi cứ lời chia nhau mà sống, cuối cùng không còn tiền để trả nợ gốc.
"Đây là vấn đề quan trọng cần xem xét đối với các doanh nghiệp Nhà nước, chứ khoanh nợ để đó thì hết sức nguy hiểm" – đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Đề cập việc nâng lương cho cán bộ quản lý tại EVN lên đến hơn 37 % trong khi người lao động chỉ 4%, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cũng cần phải xem lại.
“Nếu người lãnh đạo có năng lực mang lại năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh thì việc nâng lương là phù hợp nhưng cũng phải xem lại để tránh điều tiếng về chủ trương nâng lương chủ yếu cho những người lãnh đạo quản lý còn người lao động dù nâng vẫn thấp dẫn đến phản cảm trong ngạch. Bởi số lượng người lao động là rất đông mà chỉ được nâng 4% không đáng là bao nhiêu. Trong khi 14 người lãnh đạo được nâng hơn 37 % mới là quan trọng, hàng nghìn người lao động khác chỉ được 4%" - đại biểu Hòa nói.
Ông nhấn mạnh, việc nâng lương cho lãnh đạo, cho người lao động nếu hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả là tốt nhưng phải xem lại có phản cảm hay không?
"Không khéo nhân viên trong ngành người ta sẽ nghĩ rằng nâng lương cho lãnh đạo là chính chứ đâu phải là người lao động” - đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Trước đó, theo kế hoạch quỹ tiền lương của người quản lý tại EVN năm 2020 dự kiến ở mức 10,752 tỷ đồng (14 người). Kế hoạch mức lương bình quân của người quản lý tại EVN năm 2020 theo đề xuất sẽ ở mức 64,577 triệu đồng/người/tháng, tăng 37% so với mức thực hiện năm 2019 là 47,173 triệu đồng.
Như vậy, theo kế hoạch trên, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN sẽ nhận mức lương cao nhất với mức 864 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức hơn 630 triệu đồng thực hiện năm 2019. Đối với ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN mức lương dự kiến là 840 triệu đồng năm 2020.
Bên cạnh đó, các Thành viên Hội đồng thành viên bao gồm Phó Tổng giám đốc, Kiểm soát viên của EVN dự kiến nhận mức tiền lương từ 720 triệu đồng đến 768 triệu đồng năm 2020. 
Kế hoạch lợi nhuận năm 2020 của Công ty mẹ là 989 tỷ đồng, cao hơn thực hiện năm 2019 (988,8 tỷ đồng), năng suất lao động tăng 4,1% so với thực hiện năm 2019 (54.354.065 kWh/người/năm).
Tuy nhiên, điều đáng nói là mức tiền lương bình quân thực hiện của người lao động tại Công ty mẹ EVN năm 2020 cũng chỉ tăng lên mức 24,046 triệu đồng/người/tháng, trong khi năm 2019 là 23,105 triệu đồng/người/tháng; tương đương tăng khoảng 4% so với mức thực hiện năm 2019. Tổng lao động của EVN thực hiện năm 2019 là 4.046 người, kế hoạch năm 2020 là 4.209 người.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán. Theo đó, năm qua doanh thu thuần của tập đoàn này đạt hơn 394.889, tăng hơn 56.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 14% so với năm trước đó. Sau khi trừ đi giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp... lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn đạt trên 12.243 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 8.324 tỷ đồng năm trước đó. Cộng với khoản lợi nhuận khác trên 256 tỷ đồng, EVN lãi trước thuế 12.499,983 tỷ đồng, tăng gần 38% so với mức 9.076 tỷ đồng năm 2018. 
>>> Mời độc giả xem thêm video EVN giảm gần 1.000 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)