Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sau Bộ trưởng Bộ Y tế (phiên chiều 10/11).
Làm thế nào ngăn doanh nghiệp xã hội không phá sản?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) về giải pháp chăm sóc trẻ mồ côi do COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết do tác động của dịch, thế giới có 1,5 triệu trẻ em mồ côi, trong khi Việt Nam có 2.532 trẻ mồ côi với 81 trẻ mất cả cha và mẹ vì dịch bệnh.
Thời gian qua, Bộ đã chủ động ban hành chính sách liên quan trẻ em nói riêng và đối tượng bảo trợ xã hội nói chung, ban hành Nghị quyết có quy định đối tượng bảo trợ trẻ em và cháu mồ côi.
Trước khi ban hành chính sách, Bộ có tham khảo mức chung hỗ trợ của quốc tế và nhận thấy chính sách chung chăm sóc trẻ em tương đối đồng bộ, dao động khoảng 1,1-1,8 triệu đồng/trẻ. Hiện, Bộ đã ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em dưới 4 tuổi có người đỡ đầu với mức 1,8 triệu đồng/trẻ. Ngoài ra, quyết định hỗ trợ trẻ mồ côi cả cha và mẹ là 5 triệu đồng/trẻ.
|
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. |
Theo ông Dung, chính sách chung nhằm đảm bảo tất cả cháu mồ côi cả cha và mẹ đều sẽ được chăm sóc dưới mái ấm gia đình, người thân. Hiện, cả 81 cháu đều sống với người thân, nếu không có người thân thì có mẹ đỡ đầu, trường hợp xấu nhất mới đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Về thông tin một địa phương đã phát nhầm hỗ trợ dịch COVID-19 cho 22.000 trường hợp, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đặt câu hỏi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có nắm được tình trạng này hay không và với trách nhiệm của mình, Bộ LĐTB&XH đã xử lý trường hợp này như thế nào, kết quả ra sao?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định không có chuyện nhận nhầm và phát nhầm cho 22.000 trường hợp.
Ông Dung cho biết sau khi nhận thông tin qua phản ánh của báo chí, ông đã trực tiếp liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương báo cáo. Về phía Bộ cũng đã cử một số đoàn công tác trực tiếp vào Bình Dương làm việc.
Kết quả chỉ có 1.490 trường hợp nhận nhầm. Còn về con số 22.000, ông lý giải là chính sách riêng của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động để giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800.000 đồng/người.
Khi đến trực tiếp địa bàn kê khai, nhiều người cùng khai hộ dẫn đến vọt lên con số quá lớn. Sau khi rà soát, Bình Dương phát hiện có 22.000 người trùng nhau về tên tuổi, trong đó có 1.990 đã được phát hỗ trợ với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng.
“Phần đông người nhận nhầm đã tự hoàn trả lại số tiền, đến nay công việc đã được giải quyết và đã thu hồi được 1,6 tỷ đồng” - Bộ trưởng Dung khẳng định.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập đến vấn đề làn sóng dịch chuyển tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm về quê, đã làm thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp, các địa phương có nhu cầu lao động cao.
Nữ đại biểu đặt câu hỏi tới Bộ LĐTBXH về định hướng tham mưu, giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động nêu trên. Thứ hai là Bộ có kế hoạch gì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khắc phục các hạn chế và thống nhất triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, cần chú trọng giữ chân người lao động, thu hút người lao động quay trở lại, giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về và điều tiết bổ sung trong trường hợp đặc biệt, ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.
Trong đó, quan trọng nhất là chúng ta phải lo thật tốt chính sách về đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động. Thứ hai, chăm lo an sinh thật tốt, phải có mức sàn tối thiểu cho người lao động yên tâm: Vấn đề nhà trọ, nhà ở, sinh hoạt, nơi chăm sóc con cái. Thứ ba, phải đảm bảo cho người lao động về an toàn tính mạng, sức khỏe, đó là tiêm vắc xin.
Đối với khắc phục hạn chế các vấn đề về an sinh xã hội, Bộ trưởng cho biết hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp hạng đứng đầu trong khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội.
“Chúng ta có những chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện, kể cả cho người có công, người yếu thế, người già… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện đề án để đầu năm 2023, sẽ trình với Ban chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh” - Bộ trưởng nói.
Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) đặt câu hỏi về giải pháp ngăn doanh nghiệp xã hội không phá sản.
Trả lời, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết đã là doanh nghiệp xã hội thì chắc chắn khó khăn, lợi ích ít hơn, mang nặng tính xả thân vì cộng đồng và không toan tính về lợi ích. Để các doanh nghiệp này không phá sản thì chắc chắn trong đề án phát triển kinh tế - xã hội sắp tới phải có mục hỗ trợ cho nhóm này.
“Bộ LĐTB&XH vừa là đối tượng phục vụ, trong đó tập trung chăm lo cho nhóm yếu thế, vừa chủ yếu xây dựng chính sách chứ không có khả năng làm việc khác. Với đề án sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để đề xuất với Thủ tướng và xin ý kiến Chính phủ” - ông Dung nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) về tình trạng bán sổ BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích khái niệm bán sổ BHXH thực chất là người lao động đang tham gia BHXH sau đó rút để hưởng chính sách một lần, do ngại đi làm thủ tục hay lý do khác nên nhượng lại sổ BHXH đó cho người khác để đi lĩnh hưởng. Bản chất của vấn đề, theo ông Dung, là làm sao giảm hưởng rút BHXH một lần.
Bộ trưởng cho biết năm 2021, đến nay có khoảng 870.000 người rút BHXH một lần, nếu so với 2020, con số này tăng rất nhiều.
Để giải quyết, ông Dung nhắc đến những nhiệm vụ căn cơ, mà việc đầu tiên là phải chăm lo cho đời sống người lao động, vì đa phần người rút BHXH một lần và bán sổ BHXH đều là người khó khăn, có hoàn cảnh éo le.
“Để giải quyết từ gốc phải nâng cao đời sống người lao động. Khi có đời sống tốt rồi thì chắc chắn không bao giờ họ bán sổ BHXH” - ông Dung nói.
Thứ hai, ông nhấn mạnh tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu về sự cần thiết và ý nghĩa của BHXH, để họ có khoản lương hưu khi về già. “Khi nào có văn hóa an sinh, văn hóa bảo hiểm thì khi đó mới thành công” - ông nhấn mạnh.
Giải pháp thứ ba, ông Dung khẳng định giải pháp căn cơ là sửa Luật BHXH. Bộ Lao động đã hoàn thiện hồ sơ và phấn đấu năm 2022 trình Quốc hội xem xét. Trong đó, bên cạnh cho hưởng chính sách một lần sẽ tăng cường lợi ích khác với người lao động.
Công nghệ thông tin có giúp tránh nhầm lẫn khi hỗ trợ?
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đặt câu hỏi quỹ kết dư của bảo hiểm thất nghiệp sử dụng 24.000 tỷ trong tổng sống 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động, nếu dịch tiếp tục việc hỗ trợ sẽ được tiếp tục thế nào và quỹ kết dư còn lại có an toàn không.
Đồng thời, ông Hiếu đưa vấn đề Bộ trưởng thừa nhận có sự nhầm lẫn, thiếu hụt trong việc triển khai gói hỗ trợ. “Vậy theo Bộ trưởng, với vai trò của công nghệ thông tin có thể tránh được việc nhầm lẫn khi người cần thì chưa được nhận nhưng lại có những người nhận nhiều lần, từ nhiều nguồn khác nhau hay không?” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tính hết năm 2020, kết dư từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 90.600 tỷ đồng. Đây là mức tốt và an toàn cao.
Nghị định của Chính phủ phấn đấu kết dư gấp 2 lần mức chi của năm liền kề và năm 2020 đã chi khoảng 1/4 số kết dư này. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong đó có người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ nhận thấy nếu để kết dư lớn trong hoàn cảnh này thì không ổn.
“Do đó, sau khi đánh giá tác động và cân nhắc làm sao kết dư an toàn trong 5 năm tới, Chính phủ thấy rằng hoàn toàn có căn cứ để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để sử dụng 38.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ, trong đó 30.000 tỷ hỗ trợ người lao động và 8.000 tỷ hỗ trợ việc giảm đóng cho người sử dụng lao động” - ông Dung nói và cho biết đây cũng là giải pháp tình thế.
Như vậy, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn khoảng 56.000 tỷ đồng, đảm bảo gấp 2 lần tổng mức chi trong năm qua nên có thể an tâm được với mức kết dư này.
Về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai gói hỗ trợ, tư lệnh ngành lao động cho biết trường hợp Bình Dương cũng nhờ công nghệ để phát hiện, rà soát, điều chỉnh danh sách thì mới loại ra được 22.000 người tưởng là bị hỗ trợ nhầm.
Ông nhấn mạnh nếu đưa công nghệ thông tin kết hợp với cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu lao động, đồng thời xem xét thì về cơ bản sẽ khắc phục được các bất cập trong hỗ trợ.
Lùm xùm quyên góp từ thiện
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu sự tùy tiện trong kêu gọi quyên góp, trong khi cơ quan chức năng quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến việc sử dụng tiền quyên góp không đúng mục đích. Việc này làm mất đi tính nhân văn của hoạt động từ thiện và lòng tin của nhà hảo tâm.
Ông đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm về vấn đề này và biện pháp ngăn chặn tình trạng này tái diễn cũng như đưa hoạt động từ thiện, kêu gọi quyên góp vào khuôn khổ.
Dẫn Nghị định 64 năm 2018, ông Dung cho biết Chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân và mọi người dân tham gia làm việc từ thiện, cứu trợ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Trong Nghị định 64, Bộ Tài chính là chủ thể thay mặt Nhà nước đứng ra tiếp nhận tiền thiện nguyện để cấp phát và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ cũng là cơ quan đứng ra tiếp nhận và thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong quy định có khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác huy động nhưng lại không quy định cụ thể cách thức huy động, quyên góp thế nào, cấp phát ra sao. Về cơ bản, ông Dung cho rằng các tổ chức, cá nhân đã tiếp nhận, ủng hộ người chịu ảnh hưởng bão lũ, dịch bệnh đến với người nhận.
“Nhưng vẫn còn chỗ này, chỗ kia. Theo tôi, làm thiện nguyện cần được khuyến khích nhưng trên có sở quy định, nguyên tắc pháp luật” - ông Dung nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm thời gian qua, trước những vụ việc lùm xùm liên quan đến từ thiện, Thủ tướng đã giao cho Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64. Và Thủ tướng đã ban hành Nghị định 93 ngày 27/10, trong đó quy định rất rõ nguyên tắc, tiêu chí cách làm, đối với các hoạt động kêu gọi quyên góp.
“Từ 1/12 này, sau khi Nghị định 93 có hiệu lực, chắc chắn hoạt động thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp” - ông nói và nhấn mạnh tổ chức, cá nhân nào sai phải xử lý theo pháp luật.
Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) chất vấn về chính sách hỗ trợ người lao động trở về quê để họ không bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, trong triển khai Nghị quyết 68, ông chất vấn “Tại sao cũng là lao động tự do, có nơi được hỗ trợ, có nơi lại không?”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết lực lượng lao động về quê tương đối lớn, dù số liệu khác nhau, sau khi xem tổng kết của 63 địa phương thì con số chính thức là 1,3 triệu người, chiếm 60% là người dân di chuyển từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê.
Làm việc với các tỉnh phía Nam, ông Dung cho biết khoảng 30% người có nhu cầu quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, 30% muốn chuyển địa bàn khác, còn lại phần đông muốn ở lại quê và tìm công ăn việc làm.
Ông đề nghị các địa phương có kết nối để vận động, thuyết phục người lao động trở lại, hoặc các địa phương phối hợp với nhau để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, ông Dung nhấn mạnh có thể tạo việc làm tại chỗ. Như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ công nhân may làm việc ở địa phương. Song song với đó, địa phương cần triển khai các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ cho người lao động ở địa phương.
Về việc triển khai gói hỗ trợ lao động tự do, Nghị quyết 68 thì Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo tạo ra sự linh hoạt cho địa phương. Chính phủ chỉ quy định mức sàn, còn đối tượng và mức trên sàn thì do địa phương quy định.
Trong khi năm 2020 chỉ hỗ trợ khoảng 1 triệu người, nhưng với Nghị quyết 68 đã hỗ trợ hơn 12.000 người tự do, Bộ trưởng đánh giá như vậy là thành công.
“Nhưng vì sao nơi được nơi không?”- theo ông Dung, vì phụ thuộc vào chính sách của từng địa phương nên dẫn đến tình trạng như đại biểu nêu. Ông Dung thừa nhận có địa phương do ngân sách dự phòng không còn nên không thể hỗ trợ, tới đây sẽ có điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Cách chức cán bộ vì để người nhà vào danh sách hộ nghèo
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu vấn đề dư luận bất bình về việc trục lợi chính sách hỗ trợ, ông hỏi Bộ trưởng LĐTB&XH về công tác quản lý, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm như thế nào, đã xử lý ra sao. Đồng thời, cơ quan Nhà nước cần quan tâm vấn đề gì để tăng cường hỗ trợ cho người lao động.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đối với việc trục lợi chính sách, các quy định đều nêu rõ phân công trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức, địa phương, người đứng đầu của các ngành được phân công. Ví dụ liên quan đến chính sách vay cho người lao động là thống đốc ngân hàng, liên quan đến gói hỗ trợ tiền mặt, chỉ đạo là Bộ LĐTB&XH…
Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đi kiểm tra, đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội, gói hỗ trợ. Ông nhắc việc Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH phối hợp với UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố.
“Kết quả cho đến nay, có tổng hợp lại toàn bộ tình hình. Đối với câu hỏi có trục lợi không, chúng tôi trả lời có. Ở gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, trong đó có những địa phương phải cách chức cả bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch mặt trận vì để người nhà trong danh sách hộ nghèo, trong danh sách hưởng chính sách” - ông Dung nói.
Bộ trưởng cho biết tất cả địa phương đều quan tâm đến việc điều tra, giám sát các gói chính sách hỗ trợ. Ông thừa nhận việc trục lợi có xảy ra, tuy nhiên, về cơ bản các địa phương đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát hoạt động từ thiện
Trả lời về kết quả tiếp nhận giải quyết đơn tố cáo một số sai phạm trong quyên góp từ thiện, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay Bộ đã giao Cục Cảnh sát hình sự điều tra, xác minh các phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quyên góp tiền từ thiện trong đợt mưa bão ở miền Trung hồi 2020 của một số nghệ sĩ.
Để xác minh, Cục Cảnh sát Hình sự đã phối hợp với các ngân hàng tiến hành rà soát, xác định các tài khoản huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân. Bộ cũng phối hợp UBND, Ủy ban MTTQ các cấp thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh số tiền, hàng các nghệ sĩ đã cứu trợ, giúp đỡ tại các địa phương.
Bộ cũng mời làm việc một số cá nhân, tổ chức có liên quan để sớm kết luận vụ việc.
“Cục Cảnh sát Hình sự cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn; kịp thời phát hiện tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản” - tư lệnh ngành Công an thông tin.
Ông Tô Lâm cho biết đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tiếp nhận 6 tố giác về tội phạm của công dân có liên quan đến việc huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ. Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tiếp nhận, phân loại theo đúng quy trình tố tụng pháp luật hình sự.
Qua rà soát, Bộ Công an kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi quy định về vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.