Trận đấu giữa Việt Nam vs Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình lúc 19h00 ngày 11/11, theo giờ Việt Nam.
Đáng chú ý, trận đấu này, VFF đã cho phép 12 nghìn CĐV vào sân để cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang Seo. Thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội đang có nguy cơ bùng phát mạnh khi những ngày qua số ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng liên tục tăng cao. Điều này khiến dư luận lo lắng về nguy cơ bùng COVID-19 sau trận đấu khi số lượng người vào sân lớn, nếu tuyển Việt Nam thắng Nhật Bản, người dân sẽ đổ ra đường rất đông.
|
( Ảnh: Quân đội Nhân dân). |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, trận đấu giữa Việt Nam vs Nhật Bản là một sự kiện thể thao thu hút nhiều sự quan tâm, nhất là khi khán giả được vào sân xem trực tiếp, dù số lượng giới hạn hơn so với trước khi có dịch.
“Tuy nhiên, thời điểm diễn ra trận đấu, dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát rất mạnh. Không biết ở góc độ y tế, người ta tính toán xu hướng của dịch bệnh này như thế nào nhưng rõ ràng nếu sân Mỹ Đình có đến 12.000 người thì đúng là có nguy cơ rất lớn. Do đó, cần phải có các phương án và tính toán hệ quả xảy ra như thế nào nếu dịch bùng phát từ sân Mỹ Đình. Thực tế những người hâm mộ bóng đá xem trực tiếp trên sân không thể ngồi như xem tivi được, cũng không thể nào ngồi im được, bóng đá kích thích sự hưng phấn của người xem”- ông Nam nói.
PGS.TS. Lâm Bá Nam cũng lưu ý, nếu đội tuyển Việt Nam chiến thắng, lượng người đổ ra đường sẽ rất đông để ăn mừng. Bởi bóng đá thường là ngày hội, sẽ có sự hân hoan của niềm vui nhưng dịch bệnh phức tạp nên hậu quả không thể lường trước được, không ai tính toán được. Không một nhà quản lý nào có thể tính toán được nếu như xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng khi đường phố đông đúc.
Do đó, cần phải tính toán các kịch bản, phòng dịch trong sân như thế nào, thực hiện 5K ra sao.
“Nếu thực hiện 5k, số lượng người vào sân Mỹ Đình sẽ ít hơn chứ không phải như dự kiến hiện nay. Tuy nhiên, lượng người vào sân cũng liên quan đến số lượng vé bán như thế nào, lượng người vào thực tế ra sao và sự điều tiết của thành phố. Nếu không sẽ vỡ trận, nhất là khi dịch COVID-19 ở Hà Nội xuất hiện trong cộng đồng rất nhiều. Đây mới là giờ phút toang thật, xóa sạch bao công sức chống dịch suốt thời gian qua nếu như không có phương án kiểm soát hiệu quả”- PGS.TS. Lâm Bá Nam cho biết.
Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cũng cho rằng, Chính phủ đã có chỉ đạo các địa phương phải chỉ đạo theo từng thời điểm, thời khắc. Trong trường hợp này phải kiểm soát chặt chẽ, điều chỉnh kế hoạch một cách hợp lý, bằng chính sách và các biện pháp.
“Đối với dịch COVID-19 mà không điều chỉnh kịp thời, hậu quả sẽ rất lớn. Sự kiện này được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và người hâm mộ cả nước, do đó phải tính toán các phương án trước trận đấu, trong trận đấu và sau trận đấu. Sau trận đấu không chỉ là không gian công cộng, đường phố mà các nhà hàng cũng phải tính đến. Cần phải có kịch bản và phương án ứng phó nhanh nhất có thể và cần có những chỉ đạo mang tính hỏa tốc”- ông Nam nêu ý kiến.
Đồng thời, theo chuyên gia Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, không chỉ ở Hà Nội mà các địa phương trên cả nước cũng cần chú ý trong thời điểm diễn ra trận đấu, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh tại các nhà hàng, quán café, không gian công cộng. Trong đó việc tuân thủ quy định 5K là rất quan trọng cần được chú trọng, thực hiện nghiêm.
Trước đó, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, BTC quy định khán giả vào sân phải đáp ứng các yêu cầu sau: Đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, thời gian hoàn thành mũi 2 là 14 ngày trở lên hoặc đã khỏi COVID-19 trong thời gian 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời gian 72 giờ trước khi bóng lăn và thực hiện đủ 5K khi đến sân.
Ông Lê Hoài Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhấn mạnh, việc tổ chức hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên công tác kiểm soát an ninh, ngoài các phương án an ninh thông thường còn phải đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch.
“VFF đã tiến hành làm truyền thông, phổ biến đến khán giả các quy định khi vào sân, rất mong các đơn vị phối hợp sẽ có sự đồng bộ trong việc kiểm soát an ninh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, góp phần vào sự thành công chung trong công tác tổ chức hai trận đấu”- ông Lê Hoài Anh cho biết.
Ngày 9/11, tại phiên thảo luận Quốc hội, trung tướng Nguyễn Hải Trung, giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết Bộ Công an và lãnh đạo TP Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) có tích hợp dữ liệu tiêm chủng để kiểm soát người ra vào sân vận động Mỹ Đình trong trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản vào ngày 11/11.
Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng trận đấu giữa Việt Nam - Nhật Bản là dịp để các ứng dụng cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư do Bộ Công an phát triển phát huy hiệu quả và là "bài học để quản lý các hoạt động xã hội khác trong điều kiện bình thường mới".
Thông tin từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C06) cho biết đang phối hợp Công an TP Hà Nội, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ban quản lý sân vận động quốc gia Mỹ Đình triển khai các bước cần thiết để khán giả vào xem trận đấu ngày 11/11 đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh COVID-19. C06 sẽ sử dụng các ứng dụng để hỗ trợ cho việc kiểm soát khán giả vào sân vận động Mỹ Đình thông qua việc kiểm tra CCCD có gắn chip điện tử, điện thoại thông minh hoặc các hình thức kiểm soát khác.
Khán giả khi đến sân Mỹ Đình cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định về phòng chống dịch COVID-19. Để đảm bảo thực hiện giãn cách theo quy định và kịp thời gian vào sân đúng giờ, đề nghị người dân đến làm thủ tục vào sân trước 2 giờ đồng hồ. Công dân phải mang theo thẻ CCCD hoặc thông báo số định danh, giấy xác nhận tiêm 2 mũi, phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19 trong thời gian tối đa 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra. Thực hiện quét mã QR CheckPoint tại các điểm trông giữ xe, các cổng vào và các nơi có dán mã.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19: