“Phù phép" người bình thường thành bệnh nhân tâm thần để thoát tội

Google News

Thông qua một người quen, Tùng liên hệ với Nguyễn Tuấn Sơn để nhờ giúp làm bệnh án tâm thần giả nhằm thoát tội "Cố ý gây thương tích". Sơn lên gặp bác sĩ Thân Thái Phong đặt vấn đề làm giả bệnh án tâm thần cho Tùng với mức giá là 85 triệu đồng.

Ngày 3.3, được biết, Viện KSND TP Hà Nội đã có cáo trạng truy tố Thân Thái Phong, bác sĩ, nguyên Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (BVTT TW1) về tội "Nhận hối lộ" và Nguyễn Tuấn Sơn, Kỹ thuật viên trưởng - Khoa dinh dưỡng BVTT TW1 về tội "Môi giới hối lộ". Riêng Lê Thanh Tùng, trú tại phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội bị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
“Phu phep
Lê Thanh Tùng và Thân Thái Phong. 
Theo cơ quan công tố, sự việc xuất phát từ vụ "Cố ý gây thương tích" xảy ra đêm 27.10.2017. Vụ án được Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố điều tra. Tùng là đối tượng liên quan trong vụ án này.
Biết bản thân sẽ bị bắt nên Lê Thanh Tùng bỏ trốn. Trong thời gian này, thông qua một người quen, Tùng liên hệ với Nguyễn Tuấn Sơn để nhờ giúp làm bệnh án tâm thần giả nhằm thoát tội. Sơn lên gặp bác sĩ Thân Thái Phong đặt vấn đề làm giả bệnh án tâm thần cho Tùng với mức giá là 85 triệu đồng.
Ngày 19.1.2018, Lê Thanh Tùng bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt theo quyết định truy nã. Tại cơ quan công an, Tùng không khai nhận hành vi phạm tội của mình và nói bản thân đang mắc bệnh tâm thần. Vài ngày sau, mẹ Tùng đến Công an quận Hoàn Kiếm giao nộp bộ hồ sơ bệnh án điều trị nội trú bệnh tâm thần (bản sao) của Tùng do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - Bộ Y tế cấp ngày 21.12.2017.
Tuy nhiên, việc làm giả bệnh án này không qua được con mắt của lực lượng chức năng. Vụ án làm giả bệnh án tâm thần được tách riêng chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền.
Kết quả điều tra cho thấy, ngày 22.11.2017, Tùng đến BVTT TW1 gặp Phong để Phong làm thủ tục khám đầu vào. Sau đó, Phong lập hồ sơ bệnh án nội trú cho Tùng tại Khoa tâm thần người cao tuổi, đồng thời, Phong tự viết thông tin của Tùng vào trang đầu tiên của bệnh án.
Tiếp đó, Phong đưa một bệnh nhân chậm phát triển do Phong trực tiếp điều trị đi chụp X quang tim, phổi và ghi điện não; sau đó lấy kết quả của bệnh nhân này đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng...
Khi hoàn thiện hồ sơ, Phong đưa bệnh án giả của Tùng cho nhân viên hành chính nhập số hiệu, vào sổ y lệnh, sổ theo dõi thuốc, sổ theo dõi ra vào viện.
Như vậy, bằng việc "phù phép" các qui trình khám chữa bệnh, bác sĩ Thân Thái Phong đã biến một người bình thường như Tùng thành người bị tâm thần, tạo điều kiện cho đối tượng này thoát tội.
Theo Cao Nguyên/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)