Thanh Hóa xóa rừng phòng hộ làm du lịch: "Quyết định 3230 không đúng pháp luật"

Google News

(Kiến Thức) - "Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định xóa rừng phòng hộ là không đúng pháp luật, thẩm quyền quyết định giảm diện tích rừng phòng hộ đến gần 300 ha không phải thẩm quyền của tỉnh mà của Thủ tướng Chính phủ" - Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Xung quanh câu chuyện Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền ký Quyết định 3230 ngày 29/8/2017, với nội dung quy hoạch rừng phòng hộ huyện Quảng Xương. Quyết định nêu rằng: không còn rừng phòng hộ, tất cả đều phải trồng mới.

Trong khi đó, theo Quyết định 2755 (ngày 12/9/2007), do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi ký nêu rõ huyện Quảng Xương có gần 300 ha rừng phòng hộ ven biển. Với việc ban hành quyết định 3230, tỉnh Thanh Hóa đã xóa sạch diện tích rừng phòng hộ ven biển đã và đang tồn tại nhiều năm qua. 
Thực tế ghi nhận của Kiến Thức, dọc ven biển rừng thông phòng hộ che chắn mưa bão, gió cát vẫn còn rất nhiều dù đã bị tàn phá đi không ít sau quyết định "xóa" rừng phòng hộ của tỉnh. 
Hiện nay, Quảng Xương đang là điểm nóng về vấn đề đất đai vì liên quan đến Quyết định 3230 mà Thanh Hóa "xóa" rừng phòng hộ để làm du lịch.
Trao đổi với PV Kiến ThứcGiáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã có những phân tích xung quanh vụ việc này.
Thanh Hoa xoa rung phong ho lam du lich:
Bằng Quyết định 3230, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương đã bị xóa sạch trên văn bản. (Ảnh nơi tỉnh Thanh Hóa cho rằng không còn rừng phòng hộ)

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ký quyết định không đúng pháp luật 

Với Quyết định 3230 do Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ký  thì Quảng Xương không có bất kỳ diện tích rừng phòng hộ nào, trong khi đó theo thực tế thì chứng minh ngược lại. Theo Giáo sư, việc tỉnh ban hành quyết định này đúng hay sai? Trách nhiệm như thế nào?

Theo tôi, thứ nhất ở đây, có 1 cái gọi là đội lốt việc giảm rừng phòng hộ thông qua việc quy hoạch lại các loại rừng. Sự thực mà nói, việc quy hoạch các loại rừng, trong đó có việc chuyển đổi bớt một số rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, thì giảm rừng phòng hộ ở đâu, tùy theo diện tích, thẩm quyền của người quyết định là khác nhau.

Cũ nó đã là rừng phòng hộ, mới nếu giảm thì phải có ý kiến. Riêng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… với diện tích gần 300 ha ở huyện Quảng Xương là lớn rồi đấy, chắc chắn phải thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Ở đây tôi cho rằng, Quyết định 3230 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký là không đúng pháp luật. 

Trước đây có quy hoạch rừng phòng hộ, nay lại giảm hết rừng phòng hộ đi, thẩm quyền quyết định giảm diện tích rừng phòng hộ đến gần 300 ha không phải thẩm quyền của tỉnh.

Thanh Hoa xoa rung phong ho lam du lich:
Gần 300 ha rừng phòng hộ theo Quyết định 2755 trước đó đã bị xóa sạch bằng Quyết định 3230.

Việc này chúng ta phải làm cho rõ, dù sao nói ở đây cũng là ý kiến chuyên gia. Ít nhất, Bộ NN&PTNT phải có ý kiến, cao hơn nữa là Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến, bởi vì đây là thẩm quyền của Thủ tướng, rằng là có sai phạm hay không? Và mức độ sai phạm đến mức nào? Cho thật rõ ràng.

Tùy theo ý kiến quyết định của Bộ NN&PTNT, cao hơn nữa là Thủ tướng, thì có thể sẽ quy trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hóa đến đâu.

Thanh Hoa xoa rung phong ho lam du lich:
Giáo sư Đặng Hùng Võ.

Trách nhiệm xử lý thuộc tỉnh Thanh Hóa

- Cùng với việc tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khẳng định Quảng Xương không còn rừng phòng hộ, ở địa phương đó đã hình thành nên một "điểm nóng" hỗn loạn về đất cát. Việc một loạt cán bộ từ UBDN huyện Quảng Xương trở xuống đều có những sai phạm rõ ràng bằng kết luận của Thanh tra 1639. Cho đến thời điểm này, đã 4 tháng mà người dân và dư luận vẫn chưa thấy tỉnh thông tin việc xử lý vi phạm. Giáo sư đánh giá như thế nào về trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa?

Với những sai phạm mà Thanh tra tỉnh đã đưa ra, chắc chắn tránh nhiệm xử lý là của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trong trường hợp này, UBND tỉnh chưa có động thái, hay chưa có 1 văn bản nào quyết định xử lý đến đâu? Có thể hỏi rằng UBND tỉnh quan điểm như thế nào đối với kết luận thanh tra, lúc đó tỉnh phải có quyết định xử lý.

Trực tiếp UBND tỉnh phải có kết luận để giải quyết vấn đề, hoặc yêu cầu  các cơ quan quản lý có liên quan đến những sai phạm đã kết luận đó phải có đề xuất.

Trong trường hợp này,UBND tỉnh phải họp các cơ quan hữu quan để đưa ra kết luận giải quyết. Cho đến hiện nay, đã 4 tháng rồi, cũng là hơi muộn, nhưng hoàn toàn báo chí có thể đặt câu hỏi, và UBND tỉnh phải trả lời. Nếu đúng “mọi việc phải theo quy trình”, thì thời gian bao lâu quy trình này sẽ dẫn đến kết luận?

Phải xem xét việc thực thi pháp luật có đúng không?

- Theo Giáo sư, mấu chốt để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến "điểm nóng đất đai" tại Quảng Xương cần phải được xử lý thế nào?

Sự thật là phải xem xét lại việc thực thi pháp luật ở đấy có đúng hay không? Xem lại luật đất đai, đừng lẫn lộn giữa những trường hợp thu hồi đất, và nếu đã thu hồi đất thì phải phù hợp với quy hoạch, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện đã được HĐND cấp tỉnh thông qua. Tất cả những điều đó hiện nay pháp luật đã rất rành mạch. Chỉ có thực hiện lèm nhèm thì mới dẫn đến việc người dân không vừa ý, dẫn đến khiếu kiện.

Cái gốc của vấn đề chính là Nhà nước nếu thu hồi đất thì phải theo quy hoạch, doanh nghiệp nếu thỏa thuận với người dân thì cũng phải theo quy hoạch, không có quy hoạch thì làm sao mà làm được.    

Xin cảm ơn Giáo sư!

Có dấu hiệu lợi ích nhóm

Luật sư Bùi Khắc Toản - Giám đốc Công ty luật 4.1 cùng cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định: Quyết định 3230 ngày 29/8/2017 do phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền ký cho rằng Quảng Xương không còn tồn tại rừng phòng hộ, đồng nghĩa với việc UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định việc chính quyền buông lỏng quản lý rừng trong suốt thời gian qua.

Quyết định 3230 không những vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng bền vững đáp ứng tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tiềm tàng ảnh hưởng vùng ven biển. Quyết định giữa lúc luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành là lỗ hổng, cơ hội cho việc chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ sang mục đích khác, gây thất thoát tài nguyên rừng, tài sản cho nhà nước, và làm lợi cho doanh nghiệp khi có quy hoạch.

Trong trường hợp xóa rừng phòng hộ để chuyển đổi mục đích cho doanh nghiệp làm du lịch thì rõ ràng có ý đồ trước khi quy hoạch 3 loại rừng. Ở đây, UBND tỉnh đã cho chuyển đổi mục đích trái thẩm quyền, vi phạm luật đất đai, phá vỡ quy hoạch rừng phòng hộ ven biển vốn có từ lâu đời. Sự việc này không những vi phạm các quy đinh của Nhà nước và Chính phủ, còn có dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch mà bất chấp”, luật sư Bùi Khắc Toản nhấn mạnh.

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Hải

>> xem thêm

Bình luận(0)