Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Điều này khiến nhiều trường đại học công lập lo lắng.
Có nguồn thu gấp đôi từ thu học phí
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay, có những nguồn thu cao hơn từ học phí rất nhiều. Nếu trường đại học biết khai thác thì dù không tăng học phí trong 5 năm cũng không sao.
|
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. |
Ông Dũng đưa ra ví dụ, một trường đại học với 30 ngàn sinh viên, mức thu học phí trung bình 25 triệu/năm, nguồn thu từ học phí cộng với học phí học lại, lệ phí sẽ là 750 tỷ.
Trung bình mỗi sinh viên lên thành phố học tập, chi phí ăn ở tốn từ 4-5 triệu/tháng. Với 30 ngàn sinh viên, con số thu được từ dịch vụ cho sinh viên sẽ là 30,000x5 triệu x 10 tháng = 1,500 tỷ - gấp đôi thu từ học phí.
Tuy nhiên nguồn thu này gần như không có trường nào khai thác mà chủ yếu người dân khu vực xung quanh trường hưởng lợi. Nếu tính thêm các dịch vụ khác như mua bán, sửa chữa xe máy, laptop, đồng phục, Internet, cà phê thì con số có thể lên đến 2000 tỷ!
“Như vậy, nếu tính cả tiền tài trợ từ doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học, kinh doanh mặt bằng, lãi ngân hàng … một trường đại học với 30 ngàn sinh viên sẽ có doanh số cỡ 2.900 tỷ /năm nếu biết kinh doanh và không cần kinh phí hỗ trợ từ nhà nước”, ông Dũng cho hay.
Ông Dũng tính toán, để trả lương cho cán bộ, giảng viên và tiền vượt giờ, làm ngoài giờ với quy mô sinh viên như vậy, mỗi năm sẽ chi 500 tỷ cho con người, 400 tỷ cho vận hành và đầu tư cơ sở vật chất, 100 tỷ cho các chi phí khác (nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, phong trào, cộng đồng…).
“Trừ đi chi phí, một trường đại học với quy mô nêu trên sẽ lãi khoảng 1.900 tỷ, tức 65%. Như vậy nếu biết khai thác, biết tiết kiệm thì học phí dù không tăng trong 5 năm nữa cũng không sao”, ông Dũng cho biết.
Một ví dụ nữa, về tiết kiệm chi, theo ông Dũng, nhiều trường đại học hiện nay lãnh đạo thường tuyển dụng người thân quen vào làm ở các phòng ban. Có trường tuyển đến 50 người/năm và chi phí về lương thưởng sẽ mất cỡ 10 tỷ /năm. Tuy nhiên công việc trong trường đại học thường mang tính chất thời vụ và hoàn toàn có thể thuê sinh viên làm với chi phí chừng 2 tỷ/năm. Tiết kiệm được 8 tỷ!
Học phí cao trường tốp trên sẽ chỉ dành cho con nhà giàu
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, học phí là mồ hôi nước mắt của người dân và sinh viên. Trường nào chỉ dựa vào học phí sẽ khiến học phí ở mức cao. Học phí tăng cao sẽ là rào cản cho các em học sinh vùng khó khăn, đồng thời, tác động lớn đến sự phát triển vùng miền do sai lệch trong phân bổ nhân lực.
“Đa số các trường đại học tốp trên với học phí cao chỉ dành cho con nhà giàu ở các thành phố lớn. Hậu quả là các vùng sâu vùng xa cần nhân lực chất lượng để phát triển sẽ không có. Học phí cao cũng dẫn đến chất lượng đầu vào thấp, chất lượng đào tạo cũng giảm vì sinh viên phải đi làm thêm ngoài giờ học”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, Việt Nam sẽ có tỷ lệ sinh thấp khiến số lượng học sinh lớp 12 giảm dần, số sinh viên vào đại học trong những năm tới sẽ giảm. Cộng thêm sự xuất hiện của AI, cơ hội việc làm ít đi khiến các trường đại học sẽ khó tuyển sinh trong tương lai gần.
Nếu lãnh đạo các trường đại học không nhận thức được điều này, không năng động trong việc phát triển các nguồn thu khác mà chỉ dựa vào học phí thì sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.
Theo kinh nghiệm của ông Dũng, so với trước kia, cơ sở vật chất của các trường đã tốt hơn, thu nhập của cán bộ, giảng viên đã tăng gấp ba trong vòng 10 năm nay. Cho nên, không được tăng học phí thì cũng không sao, cần chấp nhận, chia sẻ, giúp người dân và sinh viên bớt khổ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV Tri thức và Cuộc sống liên quan đến vấn đề tăng học phí, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, về nguyên tắc, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo. Tức là bên cạnh chi phí của người học bỏ ra, Nhà nước phải có đầu tư thêm. Trên thế giới, không có một nước nào không đầu tư cho hệ thống giáo dục đại học, ngược lại đầu tư rất nhiều.
Hiện nay, mức chi cho giáo dục của một sinh viên đại học lớn ở Việt Nam chỉ bằng 1/10, 1/15 sinh viên đại học ở các nước phát triển.
Hiện nay, phần lớn những trường tự chủ của chúng ta vẫn phải tự thu, tự chi. Đây là giai đoạn đầu, ông hy vọng sau này, trong chính sách sẽ có những hạng mục Nhà nước phải tiếp tục đầu tư. Làm thế nào học phí của học sinh không phải dùng để xây dựng trường lớp… thì mới trở thành yếu tố để nâng cao chất lượng dạy và học.