Bộ GD&ĐT: Đề xuất bỏ thi thăng hạng là có căn cứ

Google News

Chiều 4/8, Bộ GD&ĐT đã giải đáp một số vấn đề về quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, trong đó có đề xuất bỏ thi thăng hạng của giáo viên.

Bộ GD&ĐT cho biết, thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp) CDNN viên chức, thăng hạng CDNN viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, việc thăng hạng CDNN từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).
Bo GD&DT: De xuat bo thi thang hang la co can cu
Các thầy cô đang dồn hết tâm sức để chuẩn bị cho một năm học mới, với bộ sách mới, chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh minh họa).
Việc tổ chức thăng hạng CDNN bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng CDNN theo quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng CDNN giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
"Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN là có căn cứ", Bộ GD&ĐT cho hay.
Bộ GD&ĐT đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN.
Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng CDNN trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Trước đó, ngày 31/7/2023, gần 2.500 giáo viên Hà Nội đã viết tâm thư gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Thế Cương, bày tỏ nguyện vọng: “Từ giáo viên hạng III được xét lên giáo viên hạng II không phải dự thi thăng hạng”.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên cho biết, thầy là người đã đại diện cho gần 2.500 giáo viên viết tâm thư này. Kiến nghị bỏ thi thăng hạng xuất phát từ nhiều lý do, trong đó, có những bất cập.
Theo thầy Đường, việc tổ chức một kỳ thi cho hàng ngàn giáo viên trên khắp thành phố cũng tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Cùng với đó là công sức và thời gian của giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi. Thời gian, công sức và nguồn kinh phí đó, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ phát huy giá trị hơn rất nhiều.
Nhất là, trong thời điểm này, các thầy cô đang dồn hết tâm sức để chuẩn bị cho một năm học mới, với bộ sách mới, chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu thêm một kỳ thi, sẽ thêm gánh nặng cho giáo viên và thiệt thòi cho học sinh khi giáo viên phải dành thời gian để ôn thi.
Theo quy định, bài thi thăng hạng gồm 4 môn: kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành. Giáo viên được miễn thi ngoại ngữ nếu còn dưới 5 năm công tác, tính đến thời điểm về hưu. Với nhiều thầy cô thế hệ 6-7X, thậm chí 8X, môn Ngoại ngữ và Tin học sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt là môn Ngoại ngữ, do nhiều năm không sử dụng.
“Chúng tôi là những thầy giỏi, cô giỏi cấp cụm, cấp thành phố, những Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, những cán bộ giàu năng lực... đã được khẳng định trong thực tiễn công tác nhưng lại không thể là viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng cao nếu không may sơ suất trong một môn thi nào đó”, thầy Đường chỉ ra bất cập.
Ngoài ra, chưa kể tới các tỉnh khác (giáo viên được xét thăng hạng), trong cùng TP Hà Nội, giáo viên ở nhiều trường THCS, Tiểu học cũng đã được xét thăng hạng mà không phải thi. Việc trong cùng một địa bàn, mà có trường phải thi, có trường lại được xét khiến nhiều giáo viên đặt câu hỏi.
Từ việc chỉ ra những bất cập, các giáo viên kiến nghị Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ quyết định cho xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II theo quy định tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT để đảm bảo sự công bằng về chế độ chính sách và để các giáo viên yên tâm công tác.
Mời quý độc giả xem video: Phụ huynh kéo lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị “trả” lại điểm cho thí sinh do hiểu nhầm đề thi Toán". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)