Thông tin mới nhất liên quan vụ việc nữ “đại gia” Bất động sản Dương Đường bị bắt (Giám đốc Nguyễn Thùy Dương) để điều tra tội cố ý gây thương tích, ngày 8/4, Chánh văn phòng Công an tỉnh Thái Bình Nguyễn Quốc Vương khi trả lời báo chí cho biết, vụ việc khiến bà Dương bị khởi tố xuất phát từ việc gửi hàng hoá từ Thái Bình đi Hà Nội.
Theo đó, vợ chồng bà Dương gửi hàng qua 1 nhà xe. Khi lên tới Hà Nội, việc giao nhận hàng giữa nhà xe với người nhận không thuận lợi. Chiều 30/3, phụ xe đến gặp vợ chồng bà Dương nói chuyện thì bị bà Dương cho người nhốt và đánh.
Hậu quả, nạn nhân bị vỡ xương hàm, dập sống mũi. Nạn nhân sau đó đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan công an. Công An tỉnh Thái Bình lập tức cho điều tra xác minh.
|
Lực lượng công an khám nhà bị can Nguyễn Thị Dương. |
Ngày 7/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 30/3 tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Thị Dương (SN 1980, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, TP Thái Bình), Giám đốc công ty Bất động sản Đường Dương cùng hai bị can Nguyễn Đức Mạnh ( SN 1992, trú tại tổ 6, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình) và Phạm Ngọc Quý (SN 2003, trú tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp cơ quan điều tra kết luận các bị can trên có hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì nữ Giám đốc Nguyễn Thị Dương cùng hai bị can trên sẽ bị xử lý ra sao?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo thông tin từ cơ quan điều tra, hành vi của bị can Nguyễn Thị Dương cùng hai bị can khác trong vụ án đã có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, cơ quan công an sẽ làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, theo thông tin từ Chánh văn phòng Công an tỉnh Thái Bình - Nguyễn Quốc Vương trao đổi với báo chí như trên, những bị can này đã có hành vi vi phạm không những chỉ đánh đập gây thương tích cho nạn nhân mà còn bắt giữ nạn nhân, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hai hành vi này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Với hậu quả vỡ xương hàm, dập mũi là hậu quả nghiêm trọng, thương tích sẽ trên 11 % nên có căn cứ để xử lý những người đã gây thương tích cho nạn nhân về tội cố ý gây thương tích. Còn đối với hành vi bắt giữ người trái pháp luật cũng sẽ xem xét đủ dấu hiệu cấu thành của tội danh này hay không, nếu đủ căn cứ xác định có hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì sẽ bị xử lý thêm về tội danh này.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Theo Luật sư Cường, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, nguyên nhân, động cơ dẫn đến việc bắt giữ người, gây thương tích.
“Hành vi cụ thể gây ra thương tích cho nạn nhân là gì, ai là người tấn công, đánh làm chân trước, có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không, có phải là phòng vệ chính đáng hay không. Nếu hành vi không phải là phòng vệ chính đáng, không thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mà gây thương tích cho nạn nhân thì đây là hành vi trái pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến và cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, vai trò của từng đối tượng để xác định ai là người chủ mưu, ai là người thực hành, ai là người xúi giục để xác định vai trò đồng phạm (nếu có).
Theo quy định của pháp luật thì người trực tiếp thực hiện hành vi cố ý gây thương tích sẽ là người thực hành, người hỗ trợ tạo điều kiện cho người khác gây thương tích sẽ là người giúp sức, người chỉ đạo, chỉ huy, yêu cầu người khác đánh người sẽ là người chủ mưu.
Tất cả những người đó cùng có mục đích gây thương tích cho nạn nhân thì sẽ bị xử lý cùng với một tội danh là tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra sẽ phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh nội dung này làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Việc các bị can phải đối mặt với khung hình phạt nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả giám định thương tích của cơ quan phát huy. Hội đồng giám định y khoa sẽ căn cứ vào quy định tại Thông tư 20/2014/TT-BYT tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y để kết luận nạn nhân có thương tích bao nhiêu phần trăm làm cơ sở áp dụng pháp luật. Ngoài ra việc hành vi của các bị can gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân bao nhiêu % thì hành vi đánh người vì lý do nhỏ nhặt cũng có thể được xác định là có tính chất côn đồ hoặc có áp dụng các tình tiết định không khác để xác định khung hình phạt ngoài tỉ lệ thương tích đã được xác định theo thông tư nêu trên”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quy định về tội cố ý gây thương tích
Nguồn: Truyền hình Hậu Giang.