Vụ án ông bố “bỉm sữa”
Cách đây 3 năm, dư luận dậy sóng vụ án ông bố “bỉm sữa” ở Nghệ An. Theo đó, khoảng cuối tháng 5/2016, anh Nguyễn Cảnh Cường (28 tuổi, ở khối 6, phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) tới siêu thị bán đồ trẻ em Tú Bắc (đường Đinh Công Tráng, TP.Vinh) do ông Phan Hữu Tú và bà Nguyễn Thị Bắc làm chủ để mua hộp sữa nhãn hiệu Glico Icreo loại 800 gram cho con trai 6 tháng tuổi uống.
|
Hình ảnh người bố đập sữa trước cửa siêu thị. |
Không may, sau khi cho con uống sữa mua ở siêu thị trên, cháu bé bị tiêu chảy. Nghi ngờ sữa kém chất lượng, anh Cường và người thân mang hộp sữa trên đến phản ánh với siêu thị. Chủ siêu thị cho rằng, sữa do cửa hàng nhập của công ty phân phối có đầy đủ hóa đơn nên đề nghị Cường liên hệ với công ty giải quyết. Sau đó, vợ chồng chủ siêu thị Tú Bắc cũng tới phòng trọ của Cường và bệnh viện nơi con trai anh nằm điều trị để thăm hỏi. Theo trình bày của vợ chồng ông Tú với công an, quá trình thăm hỏi, họ đã hỗ trợ gia đình anh Cường 30 triệu đồng.
Công ty phân phối sản phẩm sữa cho siêu thị đã cử người liên hệ với ông Phan Hữu Tú (chủ siêu thị) đưa đến làm việc với anh Cường, song các bên chưa thống nhất được hướng giải quyết.
Tiếp tục, đến ngày 8/7/2016, Cường yêu cầu gặp vợ chồng ông Tú. Khi gặp, Cường yêu cầu chủ siêu thị viết cam kết chịu trách nhiệm cho sức khỏe của con anh ta về sau nhưng không được chấp thuận. Chủ siêu thị cho rằng, trách nhiệm đó thuộc về công ty phân phối mặt hàng.
Bức xúc về việc này, chiều 14/7/2016, Cường và người anh là Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi, ở xóm 16, xã Nghi Phú, TP.Vinh) đi đến siêu thị Tú Bắc đòi quyền lợi. Lúc này, Cường vào bên trong siêu thị lấy tổng cộng 7 hộp sữa ra ngoài ném xuống vỉa hè, lòng đường ngay trước cửa hàng. Hành vi của Cường bị camera ghi lại. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường để ngăn chặn, giải quyết vụ việc.
Ngày 21/7, cơ quan CSĐT Công an TP.Vinh đã bắt giữ Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng về hành vi hủy hoại tài sản. Vụ việc Cường bị tạm giữ khi đập 7 hộp sữa (trong đó 5 hộp bị vỡ) gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Công an TP.Vinh bắt giữ Cường về hành vi hủy hoại tài sản là chưa “thấu tình đạt lý”.
“Phá án” từ xa
Vụ án xảy ra tại TP.Vinh, lại là một người khá bận rộn, luật sư Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nói: “Thời điểm mới xảy ra vụ án tôi cũng không mấy quan tâm. Chỉ tới khi cùng một ngày, có rất nhiều nhà báo, phóng viên đến văn phòng xin ý kiến, quan điểm luật sư về vụ án cũng như phương hướng giải quyết, lúc đó tôi mới xem nội dung tất cả các bài báo phản ánh về vụ việc và thấy có nhiều tình tiết đáng ngờ”.
|
Luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư TP.Hà Nội). |
Ngay từ ban đầu, luật sư Tú đã khẳng định: “Cách hành xử của ông bố “bỉm sữa” trong trường hợp này là sai về chuẩn mực đạo đức xã hội nhưng lại chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Vị luật sư cho rằng, pháp luật đã quy định rất cụ thể, người cung cấp sản phẩm hàng hóa dịch vụ phải đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này, con anh Cường uống sữa của siêu thị bị tiêu chảy và phải nhập viện điều trị; khi phản ảnh sự việc với siêu thị thì chủ siêu thị lại đẩy trách nhiệm cho hãng sữa cho thấy sự vô trách nhiệm đối với người tiêu dùng nên mới dẫn tới sự bức xúc của khách hàng.
“Trong vụ việc này có thể thấy cách hành xử của anh Cường là sai về chuẩn mực đạo đức xã hội, nhưng không phải sai về quy phạm pháp luật. Hơn nữa, đây là một hành vi ít nghiêm trọng, việc bắt tạm giữ là điều không nên”, luật sư Tú nói. Tiếp đến, luật sư Tú cho rằng việc cơ quan CSĐT bắt giữ Nguyễn Cảnh Cường căn cứ vào hành vi ném 7 hộp sữa, với tổng số tiền là 3.745.000 đồng (giá 535.000 đồng/hộp) là hết sức vội vàng.
Ông Tú phân tích, trong số 7 hộp sữa mà anh Cường bức xúc ném xuống đất, có 5 hộp bị vỡ, còn 2 hộp không bị vỡ cho nên không làm mất đi giá trị sử dụng của sữa nên không thể tính và áp đặt giá trị. Do vậy, thực tế chỉ có 5 hộp nhân với giá 535.000 đồng/hộp là 2.675.000 đồng.
Luật sư Tú nhấn mạnh, cần phải hiểu rõ thiệt hại của người bị hại là giá ở trên kệ hay là giá đầu vào. Theo quy định của pháp luật, thiệt hại phải được xác định trên giá đầu vào (mức giá này có lợi cho người phạm tội, cần ưu tiên áp dụng) chứ không phải giá trên kệ (giá niêm yết trong siêu thị - PV).
Căn cứ vào nguyên lý kinh doanh, giá trên kệ được gọi là giá kỳ vọng, đó không phải là giá mà chủ siêu thị bị thiệt hại, giá thực sự mà chủ siêu thị bị thiệt hại là giá bỏ tiền ra mua. Cụ thể, số tiền bị thiệt hại là số tiền người chủ siêu thị bỏ ra để nhập hàng hóa này (tức là giá đầu vào). Có thể người ta bán 10 đồng nhưng nhập vào có 5 đồng và giá nhập vào 5 đồng mới là thiệt hại thực sự. Do vậy, về phương pháp, nếu nhân số tiền giá bán trên kệ để tạm giữ về hành vi hủy hoại tài sản là sai, gây bất lợi cho bị can bị cáo.
Đặt giả thiết nếu giá nhập đầu vào 1 hộp sữa là 300.000 đồng/hộp thì 5 hộp bị vỡ có mức giá dưới 2 triệu đồng thì đương nhiên không thể khởi tố hình sự.
“Chưa kể, chúng ta có quyền nghi ngờ về chất lượng sữa. Với thị trường sữa trôi nổi như hiện nay, cộng với hiện trạng của con anh Cường sau khi uống sữa thì khả năng rất lớn đây là sữa giả, hết hạn sử dụng hoặc kém chất lượng. Nếu sữa hết hạn sử dụng, kém chất lượng thì giá trị là 0 đồng. Nếu 0 đồng thì đập 1 triệu hộp cũng giống như tiêu hủy sản phẩm kém chất lượng”, luật sư Tú quả quyết.
Nhớ lại vụ án năm nào, ánh mắt luật sư Tú ánh lên niềm vui vì đã gỡ thế khó cho người yếm thế. Theo chia sẻ từ luật sư, ngay khi bài báo đăng tải ý kiến luật sư phân tích, chỉ ra những điểm bất thường trong vụ án của ông bố “bỉm sữa” đã nhận được sự chia sẻ “khủng” từ mạng xã hội, điều này chứng tỏ bài báo thực sự có sức mạnh. Điều bất ngờ là ngay sau khi bài viết này đăng tải, gia đình ông bố “bỉm sữa” đã liên hệ, đầu tiên là cảm ơn những ý kiến, phân tích, đánh giá xác đáng mà luật sư đưa ra; sau là hỏi thêm ý kiến tư vấn từ luật sư.
Và đáng mừng hơn nữa sau thời điểm những bài báo được đăng tải ít ngày, anh Cường đang bị tạm giam đã được trả tự do và sau này chỉ bị tuyên phạt 8 tháng tù treo.
Bản thân là một người gánh trên vai trọng trách bảo vệ công lý, luật sư Trương Anh Tú rất vui vì đã giúp được một con người. Là một nhà nghiên cứu pháp luật, với sự phân tích về những điểm bất thường trong vụ án, luật sư Tú mong muốn chia sẻ thông tin dựa trên căn cứ pháp lý, khách quan với mục đích xây dựng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng ở tỉnh Nghệ An, nhằm đảm bảo công bằng, theo tinh thần Hiến pháp cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân.