Loạn giải chạy marathon: Hai mặt của vấn đề kinh tế… sức khoẻ?

Google News

Việc bùng nổ giải chạy marathon khiến dư luận đặt nghi vấn Ban Tổ chức làm vì mục đích kinh tế hay cộng đồng, đã chú trọng bảo đảm an toàn tính mạng người tham gia chưa?

PV Tri thức và Cuộc sống có cuộc trao đổi với PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) xung quanh vấn đề trên.
Loan giai chay marathon: Hai mat cua van de kinh te… suc khoe?
 
Làm giải marathon vì mục tiêu làm kinh tế?
Thời gian gần đây bùng nổ số lượng lớn giải chạy marathon, nhưng được cho là không đi đôi với chất lượng. Nhà tổ chức coi giải chạy cho mục tiêu làm kinh tế?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 giải marathon và bán marathon được tổ chức. Đến tháng 10/ 2023, tính sơ bộ có hơn 40 giải diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Việc này sẽ tạo sân chơi cho những người đam mê thể thao, cổ vũ phong trào rèn luyện sức khỏe cho mọi đối tượng.
Thời gian qua, nhiều giải chạy được tổ chức với nhiều mục đích khác nhau như quảng bá du lịch, quảng bá thương hiệu, phát triển kinh tế địa phương… Tuy nhiên, cũng có nhiều giải bán vé BIB cho các runner với giá từ vài trăm nghìn đến gần 2 triệu đồng theo các cự ly khác nhau. Số tiền này dùng để chi phí cho đường chạy cũng như dịch vụ khác như trang phục, thẻ BIB… Nếu con số từ vài nghìn đến hơn chục nghìn người tham dự, số tiền Ban tổ chức thu về rất lớn, khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi nghi vấn về mục đích làm kinh tế khi tổ chức những giải này.
Cá nhân tôi cho rằng, các giải chạy phong trào nên coi đó là cuộc vận động, không thể, không nên và không được thương mại hóa, tổ chức giải vì mục đích kinh tế. Nếu sử dụng mục đích kinh tế là thất bại và làm mất đi ý nghĩa cần thiết của các giải phong trào.
Loan giai chay marathon: Hai mat cua van de kinh te… suc khoe?-Hinh-2
PGS.TS Lâm Bá Nam 
Vụ việc một người tử vong không phải vận động viên tại Giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội 2023 làm dấy lên nghi vấn về sự chuyên nghiệp của các giải marathon, bộ phận y tế còn mỏng?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Theo tôi biết, người này gặp nạn trùng với thời điểm giải đang diễn ra, đội y tế của giải đã đến hỗ trợ, nhưng đáng tiếc bệnh nhân không qua khỏi.
Tại các giải chạy, Ban tổ chức luôn bố trí đội ngũ y tế là bác sĩ tại các trạm và phụ trách từng tuyến đường chạy. Tuy nhiên, với số lượng vận động viên quá đông, bộ phận y tế đương nhiên sẽ mỏng.
Thực tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam ghi nhận một số trường hợp tử vong trên đường chạy do gắng sức và bệnh lý liên quan đột quỵ tim và đột quỵ não. Do đó, khi tổ chức các giải chạy cần phải xây dựng tiêu chuẩn, đảm bảo yêu cầu về y tế, an ninh, hạn chế rủi ro.
Nếu không tính được sức khỏe xấu của từng cá nhân tham dự giải, mà triển khai tràn lan vì mục đích kinh tế là không nên. Do đó, Ban Tổ chức cần kiểm tra sức khỏe các vận động viên như một điều kiện cần thiết để tham gia giải. Trong đó, cần phải có có sự sàng lọc, kiểm tra, đánh giá sức khỏe một cách nghiêm túc đối với người tham gia.
Các giải chạy ở Việt Nam năm 2023
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 giải marathon và bán marathon được tổ chức. Ghi nhận đến tháng 10/2023, hơn 40 giải diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước như: Giải trail Đà Lạt - Dalat Ultra Trail 2023 tháng 3/2023, giải chạy bộ Ultra Asia Race, Marathon Imperial Huế 2023, Cúc Phương Marathon 2023, Tây Hồ Half Marathon 2023, Marathon Sparkling Quy Nhon, Andros The Lakes Race 2023, Family Run 2023, Tam Kỳ Discovery Marathon 2023, Đà Lạt Music Run 2023, Huế Half Marathon 2023, Grand Marathon Dong Hoi, Mekong Delta Marathon 2023, Củ Chi City Trail 2023, Manulife Danang International Marathon,, Nông thôn Việt Marathon 2023, Vietnam Mountain Marathon 2023, VnExpress Marathon Amazing Hạ Long, Techcombank Ha Noi Marathon, Mu Cang Chai Ultra Trail 2023, TMG Hoi An Discovery Marathon 2023, Green Cần Giờ Marathon 2023, Ha Giang Discovery Marathon, OneWay Marathon Cát Bà 2023, VPBank Hanoi International Marathon 2023, Long Bien Marathon, Giải marathon quốc tế di sản Hà Nội 2023...
BS Nguyễn Huy Hoàng: Đội ngũ y tế có vai trò rất quan trọng. Khi phát hiện có vận động viên ngừng tim, nhân viên y tế phải xuất hiện càng sớm càng tốt, sau đó hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực để đảm bảo bệnh nhân không chết não. Nạn nhân cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Thậm chí, có thể sốc điện cho bệnh nhân nếu cần thiết.
Thực trạng nhãn tiền xảy ra tình trạng vận động viên đột quỵ khi tham gia giải marathon, như nam vận động viên tử vong tại một giải chạy ở Bình Định tháng 6/2022 hay giải Marathon tại TP HCM năm 2019, một vận động viên qua đời vì đột quỵ dù trước đó được biết đến như "đôi chân chạy" đạt nhiều thành tích cao. Điều này rung hồi chuông cảnh báo gì với cộng đồng và “Fan chạy”?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Nguyên nhân của các trường hợp tử vong khi chạy bộ quá sức, thường là đột tử, tức là ngừng tim. Trường hợp đột quỵ não ít hơn nhiều. Các nguyên nhân gây ngừng tim ở người trẻ dưới 40 thường là bệnh cơ tim phì đại, các bất thường về nhịp tim như hội chứng QT kéo dài, hội chứng Brugada...; ở người trên 40 tuổi thường là hội chứng thiểu năng động mạch vành. Ngoài ra, còn có những trường hợp đột tử do rối loạn điện giải, mất nước... nhưng số lượng ít hơn nhiều.
Qua những trường hợp tử vong khi chạy bộ quá sức, các “Fan chạy” nên chú ý kiểm tra sức khỏe, cũng như tập luyện theo chu trình từ thấp đến cao, phù hợp sức khỏe cá nhân. Người tham dự giải phải biết đâu là giới hạn bản thân, lượng sức mình.
Loan giai chay marathon: Hai mat cua van de kinh te… suc khoe?-Hinh-3
BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng. 
Mục đích gì cũng phải tính đến sức khỏe người chạy
Làm giải chạy lãi hay lỗ? Chế tài nào với các nhà tổ chức giải marathon khi xảy ra sự cố đáng tiếc?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Làm giải chạy lãi hay lỗ, Ban tổ chức giải mới nắm được. Tuy nhiên, giải chạy được tổ chức vì mục đích gì đi nữa cũng phải tính đến sức khỏe người tham gia.
Theo tôi biết, điều lệ và quy định của các giải do Ban tổ chức đề ra đều có điều khoản về xác nhận miễn trừ trách nhiệm. Vận động viên dự giải cam kết tự chịu trách nhiệm đối với mọi rủi ro và không yêu cầu bồi thường hay trách nhiệm pháp lý đối với Ban Tổ chức.
Tuy nhiên, nếu người tham gia gặp trường hợp xấu, vấn đề trách nhiệm đương nhiên thuộc về Ban tổ chức. Họ không sàng lọc, không kiểm tra sức khỏe cho vận động viên trước khi bước vào các cuộc thi.
Để đảm bảo an toàn cho những người dự giải, không chỉ là bản cam kết hay tự nguyện của người tham gia, Ban Tổ chức phải thực hiện các bước kiểm tra về bệnh lý. Vận động viên có bệnh lý liên quan, gây nguy hiểm khi chạy, thì phải khuyến cáo họ không tham gia giải.
Bên cạnh đó, về quản lý nhà nước, phải có sự giám sát của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương.
Vật dụng bảo hộ cần có với “Fan chạy”
Khi tham gia giải chạy, ngoài trang phục, giày chuyên dụng, đồng hồ sức khỏe còn cần phải chuẩn bị nước uống, dinh dưỡng bổ sung, nước khoáng bù điện giải, nước đường, bánh ăn liền hoặc thực phẩm tiêu hóa nhanh để bổ sung ngay khi cần thiết, tránh bị mất nước, tụt đường huyết…
Một lời khuyên với vận động viên tham dự giải marathon, “Fan chạy”… cần có sức khoẻ như nào? Điện giải đủ đáp ứng khi chạy là bao nhiêu?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Để tham gia các giải chạy bộ, “runner” phải luyện tập thường xuyên. Ngoài ra, việc siêu âm tim, kiểm tra huyết áp, làm xét nghiệm điện tim 24 giờ... là những xét nghiệm hữu ích trước khi quyết định tham gia chạy bộ. Nếu gia đình có người từng bị đột tử, cần có sự kiểm tra kỹ càng hơn với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Về điện giải đủ đáp ứng khi chạy là bao nhiêu thì không có con số cố định, tùy vào cường độ vận động và việc ra mồ hôi của từng người. Do đó, chỉ nên bổ sung ít một cả nước và điện giải. Trước khi chạy 15 phút, vận động viên nên uống 150 - 200 ml, trong quá trình chạy nên bổ sung cả nước và điện giải cũng từng ít một.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trò chuyện trên!
Người mắc tim mạch không nên chạy thể dục, marathon?
PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, cho biết, các trường hợp đột tử khi chạy bộ thường do đột quỵ tim và đột quỵ não. Một người nhìn bề ngoài khỏe mạnh nhưng có thể mang bệnh lý tiềm ẩn và mắc những bệnh tim bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, mạch não… mà không hề biết.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền, người dân đều cần phải kiểm tra thể lực, bao gồm kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực, chuyên sâu tim mạch, hô hấp, hệ vận động.
>>> Mời độc giả xem video: "Hồ Quỳnh Hương chạy bộ". Nguồn FBNV
  

Hải Ninh thực hiện

>> xem thêm

Bình luận(0)